Những người đi cấy khai xuân

ANTĐ - Họ là những cô gái đang tuổi xuân thì hay những người phụ nữ đã có gia đình rủ nhau ra đồng cấy lúa thuê. Đôi môi chín mọng và nước da bánh mật của họ ngời lên sức sống căng tràn của tuổi trẻ.
Dù trời mưa phùn và lạnh, những thợ cấy vẫn chăm chỉ ra đồng cho kịp thời vụ
Khi những ngày tết đã qua, hội làng cũng vừa kết thúc, trên các thửa ruộng đã đổ ải xong xuôi, các bà các chị lại rủ nhau ra đồng cấy lúa cho kịp thời vụ. Mưa xuân lất phất, gió đông không ngừng thổi làm những cụ già, trẻ nhỏ trong làng ai nấy đều không buồn đi đâu, ngồi bên bếp lửa bập bùng cho ấm. Vậy mà mới sớm tinh mơ, mặt trời còn chưa tỏ đã nghe thấy tiếng í ới gọi nhau của mấy người phụ nữ trong làng – trẻ, già đều có, gọi nhau thức dậy, chuẩn bị “hành trang” đi cấy. Họ không cấy ở các thửa ruộng trong làng mà đi cấy xa.

Ruộng ít, mỗi nhà chỉ cấy có 4, 5 sào Bắc Bộ nên chỉ một, hai ngày đã xong. Rảnh rỗi, họ rủ nhau đi cấy thuê để tăng thêm thu nhập cho gia đình và có tiền đóng học phí cho các con. Chị Mây, 47 tuổi, quê ở xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương kể cho tôi nghe về cái nghề cấy thuê của mình.

Tính ra, chị đã vào nghề được hơn 20 năm, từ thời mà ngày công cấy lúa mới chỉ 15.000 - 18.000 đồng/ngày (giờ thì đã được 250.000 - 300.000 đồng/ngày). Mỗi năm chị đi cấy thuê hai vụ - chiêm xuân và hè thu. Vụ hè, tháng 5 tháng 6 trời nóng như đổ lửa; vụ xuân lại mưa phùn, gió rét. Có khi mấy chị em nhận cấy đồng chiêm trũng, nước lớn, lội ruộng đến ngang đùi, người đứng còn không vững, cắm cây mạ xuống mà nó còn xiêu vẹo mãi. Vậy mà mấy cánh đồng xã trên, xã dưới đều không vắng mặt chị. Lại có khi đồng xa, sang tận huyện khác, chị và mấy thợ cấy trong làng phải dậy từ gà gáy canh tư (từ 1h đến 3h sáng), đánh răng rửa mặt rồi ăn lót cái gì cho đỡ đói, đạp xe tới hai chục cây số để đến nhà chủ, mau mải sắp quang gánh mang mạ ra đồng.

Những người đi cấy khai xuân ảnh 2
Chị Mây và những người bạn cùng cấy lúa thuê 


Chị kể, hôm trước nhận cấy cho một nhà ở huyện bên, mấy chị em đạp xe đi đến chợ Cầu Vồng (xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện) vẫn chưa có ai, đến nhà chủ còn chưa tỏ mặt người. Chủ nhà là hai vợ chồng trạc tuổi 50 mà cấy những hơn một mẫu ruộng, con gái lớn của họ cũng đã lấy chồng và có con, con trai đi làm thuê ở Quảng Ninh, nhà chỉ còn con bé út đang học lớp 6. Mấy chị em đến nơi thì họ đã chuẩn bị được đầy một xe mạ trên sân. Kéo xe ra đồng cấy. Trời tối quá còn không nhìn rõ ruộng, chị vợ phải chuẩn bị sẵn 2 cái đèn pin, bật đèn để ở đầu bờ cho mọi người cấy. Bốn thợ cấy với chị vợ, đến trưa thì được 4 sào mạ cấy trên sân. Tính ra mỗi người cũng đã cấy được 12 thước ruộng. Cấy đến 12h trưa thì về nhà chủ ăn cơm, nghỉ ngơi một chút rồi lại kéo nhau ra đồng. Ai nấy đều bảo nhau rằng, công việc chỉ có thế, chịu khó cấy cho xong sớm rồi nghỉ sớm. Đồng xa, công đi về cũng đã mất cả tiếng nên đi cấy đến 5h chiều về là vừa hợp lý.


  
Những người đi cấy khai xuân ảnh 3
Họ quây quần trong mâm cơm với những thành viên của chủ nhà


Chị bảo tôi, đang lúc nông nhàn, lại vừa ăn tết xong mà ra đồng lội bì bõm để cấy lúa thì cũng ngại lắm, nhưng chỉ hôm trước hôm sau là quen thôi. Nghề nông nó vất vả là vậy, có ngồi kể cả ngày cũng không hết chuyện. Ban ngày đi làm đồng áng vất vả, đau mỏi khắp lưng, khắp chân nhưng tối đến về nhà lại được nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật say là hôm sau không sao cả, sức khỏe lại được hồi phục để theo chị, theo em đi khắp các cánh đồng, trở thành những người thợ cấy lúa “chuyên nghiệp”.