Những món ăn của ký ức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mấy bữa trước, ngồi trà đá vỉa hè, thấy có hàng rong gánh qua bán đủ thứ từ kẹo dồi, quẩy đường, bỏng nổ, bỏng ngô… tự dưng thấy ký ức ùa về. Dễ đến gần 30 năm rồi chưa từng ăn lại những món quà vặt thưở xa xưa ấy. 20 nghìn một túi quẩy đường, loại quẩy làm bằng bột rồi rán giòn lên, lớp ngoài phủ đường kính, mua thêm 10 nghìn bỏng ngô và một túi kẹo dồi mang về cơ quan, thế là câu chuyện ngày xưa có cái này, cái kia, ăn cái này cái kia bỗng dưng rôm rả...

Nỗi nhớ ấu thơ

Ngày trước, ở gần nhà tôi có một gia đình làm kẹo, kẹo bột, kẹo dồi, oản… Trong mắt những đứa trẻ con là tôi thì ông bà cụ làm kẹo ấy hiện lên như một thần tượng, kiểu như lớp trẻ bây giờ thần tượng sao Hàn hay là Sơn Tùng MTP vậy. Lần nào đi qua nhà ông bà cũng phải đứng lại, nhìn rất lâu qua cái hàng rào ruối và cây ô rô. Nhiều lần, ông bà vẫy vào, cho cái đầu mẩu kẹo bột cắt ra còn thừa. Những hôm như thế niềm vui tương tự bây giờ trúng vietlott vậy.

Kẹo bột hình như đã tuyệt chủng ở Hà Nội, không hiểu ở những vùng quê khác có còn không. Đó là một thứ kẹo mà bây giờ tả lại, cũng không biết nó được làm bằng đường đỏ hay là mật mía nữa. Đường hay mật đó được nấu lên có một chút vị của gừng. Kẹo được đổ ra khuôn dài và khi còn nóng thì được cắt ra thành từng cục, lăn qua bột nếp cho khỏi dính, khi nguội thì rắn câng, phải cắn mới vỡ ra, vị ngọt đậm và thơm mùi gừng. Kẹo dồi là đường trắng hẳn hoi, được nấu rồi vuốt thế nào đó thành từng khúc như khúc dồi, trong có nhân lạc rang. Kẹo giòn và ngọt, trắng nõn, nhâm nhi với nước chè hoặc nước vối nóng vào một chiều đông lạnh lẽo, chắc không có gì bình yên hơn.

Rồi đến oản. Mục đích chính của oản là đồ cúng, để lễ Phật trước rồi sau đó mới cho trẻ con thụ lộc. Không có ai tự dưng mua oản về chỉ để ăn cả. Oản là một thứ được làm từ bột gạo nếp rang lên thành bỏng, rồi lại xay mịn ra thành bột oản. Khi đóng oản, người ta trộn bột đó theo tỷ lệ với nước đường sao cho thật dẻo, mịn, rồi đưa vào khuôn đóng thành từng cái hình tháp, phía trên nhỏ, phía dưới phình ra. Thân oản tuỳ theo sở thích mà được khắc những hình rồng, phượng hay hoa sen, biểu trưng của nhà Phật. Giấy oản cũng sặc sỡ sắc màu, tất nhiên là sặc sỡ theo tiêu chuẩn ngày xưa, chứ so với theo tiêu chuẩn của oản lễ bây giờ thì còn thua xa.

Đó là giấy bóng kính, được nhuộm các màu xanh, đỏ, vàng, hoặc để trắng. Gói oản cũng phải có kỹ năng, trông đơn giản nhưng nếu không quen chắc khó lòng mà gói được. Trẻ con ngày xưa, sau khi được bà, được mẹ đi chùa về cho cái oản lộc thì cũng là niềm vui, hệt như bây giờ trẻ con được trao cho cái iPad, tha hồ mà xem Phương Hữu Dưỡng hay là Nguyễn Thành Nam - những youtube luôn nghĩ ra đủ các clip oái oăm. Oản ăn xong là một nhẽ, cái giấy gói oản cũng được nâng niu, có khi nó được lấy để làm kính cho đám trẻ nhìn lên bầu trời lúc xanh, lúc đỏ, lúc vàng… Và dù có là màu gì đi nữa thì ánh mắt ấy vẫn trong veo. Nhiều lúc tiếc là mình đã lớn, thậm chí đã già, chẳng cần nhìn qua tờ giấy oản mà đôi khi thấy một vài khoảnh khắc đời người tối tăm bởi có những điều “tưởng vậy mà không phải vậy”.

Dư vị thời nay

Bây giờ, trẻ con không ăn oản nữa, nhưng oản vẫn được làm thật đẹp, lấp lánh kim sa cùng đủ các thứ giấy màu lòe loẹt, hoa giấy, hoa lụa gắn vào. Cái oản giờ chỉ làm chức năng duy nhất là dâng lễ, không ai ăn, với trẻ con thì oản làm sao ngon bằng bánh Chocopie.

Trong những món quà của ký ức, còn có vô vàn những thứ khác như bỏng ngô hay bỏng nổ. Bỏng ngô đương nhiên được làm từ ngô. Trước kia, len lỏi trong những xóm, những phố, thế nào cũng có một nhà làm nghề nổ bỏng ngô. Cái máy chuyên dùng để nổ bỏng chạy ì ì, có khi còn được quay trên than hồng. Người nổ bỏng đổ rổ ngô già vào máy, rồi làm thế nào đó bỗng nghe đến “ầm” một tiếng, mẻ bỏng giòn tan, nóng rẫy tay đã ra lò. Bỏng có 2 loại, nếp và tẻ. Bỏng nếp bao giờ nổ cũng bé hạt hơn nhưng thơm và giòn hơn, bỏng tẻ nổ to ăn cũng giòn lắm. Đám trẻ con thích ăn bỏng, thậm chí ăn xong uống nước là no căng bụng.

Bây giờ, hàng bỏng bán rong vẫn còn trên phố, cứ mùa thu se lạnh trở đi là vòng vèo thế nào cũng gặp. 10 nghìn đồng mua được 4 bát bỏng. Trẻ con thời nay cũng ít thích bỏng ngô, chúng thích bắp rang bơ hơn. Thật ra đó vẫn là bỏng ngô, nhưng hạt ngô nhiều khi được nhập từ Mỹ. Cho bơ thật nhiều, đổ ngô vào nồi, đậy nắp, ngô nổ lách tách dưới lớp vung bằng thủy tinh. Để thơm và ngọt hơn, người ta thường cho thêm một ít caramen hay vị trái cây. Cũng có khi mua bịch ngô Mỹ, về bóc lớp giấy bên ngoài đi, giữ lại lớp giấy bên trong, tống cả vào lò vi sóng, quay chừng 3-4 phút là có mẻ bỏng thơm ngon ngậy vị bơ. Nhưng bắp rang bơ không giống bỏng ngô. Bỏng ngô còn chứa cả một bầu trời ký ức, nhất là với những trung niên đã từng là trẻ thơ của cái thời bao cấp, nghèo đều và vui đều.