Những mối nguy với thế hệ thanh thiếu niên hiện nay: Dễ mắc phải, khó thoát ra

ANTD.VN - Thông tin nhiều mối nguy xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ thanh thiếu niên liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua. Mới đây, một nhóm nữ sinh lớp 7 ở Đắk Lắk bị 2 tài khoản Facebook dụ dỗ và hứa hẹn sẽ cho công việc “rót bia” nhàn hạ ở Hà Nội nhưng được hưởng mức lương lên tới 10-15 triệu đồng/tháng. Vụ việc xảy ra như một lời cảnh báo với giới trẻ hiện nay, cần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những mánh khóe lừa đảo "chuyên nghiệp", thậm chí vô tình vướng vào vòng vây lao lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các biện pháp giúp thoát khỏi những mối nguy cũng đang được tìm kiếm rất nhiều để đảm bảo một thế hệ được phát triển lành mạnh và toàn diện.

Xã hội tồn tại nhiều kẻ xấu luôn sẵn sàng ra tay với đối tượng cả tin

Đánh trúng tâm lý phần lớn thế hệ trẻ ngày nay, ngại thử thách, thích những công việc nhàn rỗi, không tốn nhiều sức nhưng vẫn nhận lương cao, một nhóm người xấu đã lợi dụng điểm yếu này để bày ra kế hoạch lừa đảo nhóm nữ sinh ở Đắk Lắk.

Cụ thể, vào tháng 9-2019, 2 em học sinh cùng khối trường THCS 719 (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) thường xuyên nhắn tin với 2 tài khoản lạ mặt trên Facebook. Qua quá trình nhắn tin, chủ 2 tài khoản hứa hẹn sẽ cho công việc tốt. Thấy cơ hội tốt, 2 em học sinh này đã rủ thêm 2 bạn nữ khác học cùng trường ra Hà Nội làm việc.

Một đoạn tin nhắn giữa nữ sinh lớp 7 với một chủ tài khoản Facebook dụ dỗ làm "việc nhẹ, lương cao"

Nhóm nữ sinh đã đập heo đất tiết kiệm, đem bán xe đạp điện để có tiền đi lại. Ngày 30-9, các em quyết định đón xe di chuyển lên Hà Nội. 

Vào chiều cùng ngày, giáo viên tại trường phát hiện nữ sinh không đến trường nên đã thông báo cho phụ huynh. Lúc này, một phụ huynh đã kiểm tra điện thoại của mình vì biết con từng mượn điện thoại để lên Facebook. Qua đó, phụ huynh biết được nội dung nhắn tin giữa con gái với tài khoản Facebook Nguyễn Dương hẹn ra Hà Nội nên vội vàng trình báo lên cơ quan công an.

Sang tới hôm sau, ngày 1-10, một lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào rạng sáng cùng ngày đơn vị đã bàn giao bốn nữ sinh lớp 7 về cho gia đình quản lý.

Ma túy “len lỏi” tiếp cận với giới trẻ dưới nhiều hình thức

Giới trẻ thường tìm đến những thú vui tiêu khiển để giải tỏa stress, giảm bớt áp lực trong cuộc sống. Một trong những thú vui ấy là các chất kích thích giúp con người đỡ căng thẳng và có cảm giác thỏa mãn khi sử dụng. Trong quan niệm của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay, dùng chất kích thích là một cách khẳng định bản thân, thể hiện mình là một “tay chơi”.

Vì vậy, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường. Đối tượng tham gia sử dụng mua, bán ma túy ngày càng trẻ hóa.

Tháng 7 vừa qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ các đối tượng tham gia sử dụng ma túy tập thể với số lượng đông, có vụ lên đến hàng chục người xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Thanh niên có xu thế mời nhau sử dụng ma túy trong các sự kiện tổ chức tại nhà hàng, khách sạn, quán karaoke…

Nhiều đối tượng bị bắt khi đang vui tiệc sinh nhật ma túy trong quán hát ở độ tuổi thanh, thiếu niên

Theo thống kê của Công an tỉnh Ninh Bình, số đối tượng ma túy ngoài xã hội là 1807 đối tượng. Trong đó, 647 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên, chiếm 35,8%.

Đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, qua phân tích các vụ án cho thấy, các đối tượng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy trong cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn phần lớn đã bỏ học, không nghề nghiệp, ở độ tuổi từ 18 – 30, thành phần giới tính đa dạng, ở nhiều địa phương khác nhau.

Các đối tượng này thường lợi dụng việc tổ chức sinh nhật, liên hoan, sử dụng mạng xã hội để hẹn nhau họp mặt ăn chơi và sử dụng trái phép chất ma túy, thời gian từ đêm ngày hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Các loại ma túy các đối tượng thanh thiếu niên thường sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc lắc, ketamin.

Hiểm họa xuất phát từ việc lạm dụng Internet

Với những người mới làm quen và sử dụng Internet, nhất là với những người trẻ, họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không biết khi lạm dụng sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Trên thế giới hiện nay, cứ ba người dùng internet có một trẻ em. Ở Việt Nam, đã có trên 55/94 triệu dân sử dụng mạng internet (số liệu thống kê tháng 6-2018) và tỷ lệ người dùng là thanh, thiếu niên cũng tương tự. Kết quả một nghiên cứu của Child Fund Viet Nam do Jacob Cawthorne và Mai Thanh Hà thực hiện năm 2016 - “Giới trẻ trong không gian trực tuyến: Tiếp cận internet và sử dụng mạng xã hội của giới trẻ tại Việt Nam”, cho biết: Số phút trung bình mà giới trẻ dùng để truy cập internet mỗi ngày là 180; 53% trẻ em nữ và 65% trẻ em nam đã từng gặp bạn bè trực truyến ở ngoài đời thực...

Có tới 70% trẻ em đã từng tiếp xúc với những nội dung tiêu cực và phản cảm; 75% trẻ em có cảm xúc tiêu cực (giận dữ, buồn bã, sốc hoặc sợ hãi) khi tiếp xúc các nội dung phản cảm; 80% trẻ em đã từng chứng kiến cảnh bạo lực và bắt nạt trên mạng; 20% trẻ em đã từng là nạn nhân của bắt nạt và bạo lực trên mạng.

Những biện pháp làm giảm nỗi lo mà các mối nguy gây ra

Xã hội ngày càng hiện đại kéo theo sự thay đổi trong những thú vui của các bạn trẻ. Những mối nguy không chỉ ảnh hưởng tới việc định hình lối sống của giới trẻ mà còn là nỗi lo với các bậc phụ huynh đang có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên. Bàn về phương án nhằm khắc phục mối nguy đã nêu trên, ta có các biện pháp cụ thể sau:

Với tình trạng ma túy đang “thâm nhập” vào cộng đồng những người trẻ tuổi, các cơ quan chức năng đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền tác hại của chất kích thích nguy hiểm này. Đồng thời, lực lượng Công an tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở khách sạn, nhà trọ, kịp thời phát hiện những đối tượng lợi dụng các cơ sở lưu trú thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần phải thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật ngay từ đầu. Đây cũng là một hình thức răn đe các đối tượng đang có ý định giở trò, cố tình “lách luật” để tàng trữ, mua bán và sử dụng ma túy.

Để giảm thiểu việc lạm dụng Internet ở giới trẻ, nâng cao năng lực sử dụng internet an toàn và hiệu quả cho thanh, thiếu niên thông qua việc giáo dục họ về những mối nguy hại trên internet và các cách thức tự bảo vệ là điều cấp thiết. Bên cạnh việc hình thành những chế tài cụ thể trong chính sách, cũng cần lưu ý rằng với đối tượng là giới trẻ, thực hiện việc giáo dục này thông qua những chương trình tập huấn và truyền thông cũng cần tích hợp trên nền tảng công nghệ mới để tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn và dễ tiếp nhận.

Những mối nguy là nỗi đe dọa nhưng cũng là thử thách với các bạn trẻ sống trong xã hội hiện đại ngày nay. Lựa chọn vượt qua, thờ ơ với mọi cám dỗ hay dấn thân sa đọa vào những cuộc chơi triền miên, không lối thoát là quyết định của mỗi người. Hơn tất cả, việc sống lành mạnh, vượt qua thú vui tầm thường mới có thể khẳng định bản thân thay vì thể hiện mình bằng nhiều cách tiêu cực khác.