Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962/ 5-9-2022):

Những mốc son tô thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, có một không hai giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; là tài sản chung vô giá “mãi mãi xanh tươi, đời đời đời bền vững của hai dân tộc”.

Tài sản vô giá của hai dân tộc Việt Nam - Lào

Việt Nam và Lào những ngày này diễn ra các hoạt động phong phú, đầy tự hào, ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5-9-1962/5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977/ 18-7-2022). Ðây là những sự kiện quan trọng được tổ chức trong khuôn khổ Năm Ðoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022 nhằm tiếp tục khẳng định mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn. Nhân dân Việt Nam và Lào có mối quan hệ truyền thống, thủy chung và gắn bó lâu đời. Từ khi có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ này ngày càng mở rộng và phát triển. Nhờ công gây dựng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong, cũng như sự vun đắp của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Ðây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một trang mới trong quan hệ, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai Đảng và Nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những năm tháng vô cùng gian nan, vất vả và hy sinh to lớn đó đã càng tô thắm thêm tình nghĩa thủy chung trong sáng, mối quan hệ vĩ đại, đặc biệt của hai nước khi lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã đổ xương máu, mồ hôi để xây đắp, trong đó có hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh khi sát cánh chiến đấu cùng các bạn Lào.

Nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và thực chất, ngày 18-7-1977, Việt Nam - Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, giúp Việt Nam và Lào không ngừng củng cố và phát triển quan hệ song phương, đồng thời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Hai nước luôn luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách chân thành, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vô tư, trong sáng, chí tình chí nghĩa.

Trong khát vọng đưa đất nước và dân tộc mình vươn lên, hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn ước vọng đất nước và nhân dân hai nước cùng sống trong hòa bình, độc lập tự do, phát triển phồn vinh. Ước vọng đó là hoàn toàn tự nhiên và chỉ có giữa những người anh em thân thiết và tin cậy nhất. Bởi hai nước chúng ta luôn có sự gắn bó, lòng tin chính trị, lòng tin chiến lược thực sự sâu sắc và vững chắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nhân dịp kỷ niệm trọng thể 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào: “Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thủy chung, son sắt Việt Nam - Lào theo đúng như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh: Giữa Lào và Việt Nam có 4 chữ tình, đó là Tình đồng chí cùng chung lý tưởng cộng sản; Tình anh em cùng chung một cha mẹ là Đảng Cộng sản Đông Dương; Tình bạn - là những người bạn thân thiết, vui buồn có nhau; và Tình đoàn kết đặc biệt, keo sơn gắn bó, thủy chung son sắt.

Nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước

Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vẫn mãi sắt son, không ngừng phát triển. Nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình trong mọi hoàn cảnh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước luôn khẳng định quyết tâm không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước. Hai bên luôn khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là quy luật phát triển, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời triển khai những cơ chế hợp tác mới. Phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác. Tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận.

Hợp tác quốc phòng-an ninh là trụ cột trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội tại mỗi nước. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.

Quan hệ hợp tác kinh tế hai nước ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Về đầu tư, Việt Nam hiện có 214 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,38 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trong số các nước có đầu tư tại Lào. Một số dự án đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và tạo ra việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động của Lào. Tháng

8-2021, hai bên hoàn thành dự án công trình Nhà Quốc hội mới của Lào. Đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Về thương mại, hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại; chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD, tăng khoảng 33,3% so với năm 2020.

Có thể khẳng định, trong chặng đường lịch sử 60 năm qua, nhất là trong 45 năm thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; tài sản vô giá của hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước.