Những màn đấu trí với tội phạm cướp ngân hàng manh động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những loại tội phạm cướp thì cướp ngân hàng luôn được Cảnh sát hình sự đặt ở trạng thái “báo động” cao nhất bởi sự manh động của đối tượng. Trước khi gây án, tội phạm thường dò la kỹ mục tiêu, chuẩn bị sẵn phương thức, thủ đoạn ra tay và nơi ẩn nấp, trốn chạy. Dẫu vậy, chưa khi nào việc điều tra những vụ cướp ngân hàng lại đi vào “ngõ cụt”. Phòng Cảnh sát hình sự với thương hiệu “số 7 Thiền Quang” chính là một trong những địa chỉ khiến cho các tên cướp chỉ cần nghĩ đến đã run sợ.
Hai đối tượng dùng súng và lựu đạn giả cướp ngân hàng ở quận Đống Đa

Hai đối tượng dùng súng và lựu đạn giả cướp ngân hàng ở quận Đống Đa

Vụ cướp táo tợn

Khoảng 13h20 ngày 20-4-2020, Trần Hữu Trung (SN 1991, HKTT tại tổ 33, khu 5, phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) mang theo khẩu súng K59 và đi xe máy từ Bắc Ninh về hướng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để sang Bắc Giang. Đến 14h30, khi đi đến thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Trung nảy sinh ý định cướp Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Sóc Sơn. Khi cách ngân hàng khoảng 3km, Trung lắp biển kiểm soát khác cho chiếc xe máy mà mình đang sử dụng để tránh bị phát hiện.

Đến khoảng 15h10 cùng ngày, Trung đội mũ lưỡi trai, đeo kính đen, khẩu trang, đi găng tay rồi vào quầy giao dịch. Vờ hỏi giao dịch viên về việc rút tiền, Trung được yêu cầu ngồi đợi. Lúc này gã tranh thủ quan sát xung quanh và lặng lẽ đi ra ngoài. Khoảng 5 phút sau, Trung quay lại rút súng đe dọa 2 giao dịch viên yêu cầu đưa tiền. Khi gã bắn 1 phát súng xuống đất để đe dọa thì một nhân viên bấm chuông báo động. Thấy vậy, Trung bỏ chạy ra ngoài lên xe máy rồ ga phóng thẳng, đồng thời không quên nã về phía cửa ngân hàng 1 phát đạn nhằm mục đích ngăn chặn bảo vệ đuổi theo.

Nhưng dẫu gian manh, thủ đoạn đến mấy thì Trung cũng không thoát khỏi vòng vây. Toàn bộ cung đường trốn chạy của tên cướp bị thít chặt dần. Ngay cả ý đồ vượt biên của gã cũng bị Ban chuyên án đoán định được và cử trinh sát luồn rừng đón lõng ở các đường mòn, lối mở. Cho tới khi đưa tay vào còng số 8, Trung vẫn quanh co khai “nhầm” vị trí cất giấu khẩu súng gây án. Tuy nhiên, đứng trước Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP cùng Đại tá Nguyễn Bình, gã đã buộc phải chỉ nơi chôn giấu khẩu súng ở tận tỉnh Vĩnh Phúc.

Lược nhanh lại vụ cướp ngân hàng trên xảy ra năm 2020 vừa qua để thấy rằng, trước khi gây án, đối tượng đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào. Không chỉ đội mũ, đeo khẩu trang kín mặt, Trung còn không quên nhét thêm mấy bộ quần áo dự phòng vào chiếc túi cầm theo. Là đối tượng trốn truy nã từ năm 2016, Trung đủ lọc lõi để biết bản án mà y sẽ phải chịu nếu bị bắt. Những bộ quần áo mà Trung chuẩn bị sẵn là để gã thực hiện kế “ve sầu thoát xác”. Ngoài việc chuẩn bị kỹ càng từng thiết bị, dụng cụ, phương tiện để đi cướp, khi gặp sự phản kháng, gã còn lạnh lùng nổ 2 phát súng thị uy, ngăn cản ý định truy đuổi của nhân viên bảo vệ. Khi bị bắt giữ, Trung cũng thừa nhận việc nổ súng với mục đích như trên.

Cho đến giờ, Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự khi nhắc lại vụ án đó vẫn nhớ như in từng chi tiết. Yêu cầu của Giám đốc CATP Hà Nội lúc đó là: “Bắt giữ đối tượng nhanh nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ”. Dù ngắn gọn, song việc phá vụ án này còn là danh sự của lực lượng Cảnh sát hình sự Thủ đô. Chưa kể tới sự manh động của kẻ phạm tội, vụ án còn rơi đúng vào thời điểm cả đất nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, áp lực về thời gian truy bắt đối tượng càng đè nặng lên vai những người lính “số 7 Thiền Quang”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cùng chỉ huy Phòng CSHS đấu tranh với đối tượng Trung, buộc hắn phải khai nhận nơi chôn giấu khẩu súng dùng để cướp ngân hàng ở huyện Sóc Sơn

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cùng chỉ huy Phòng CSHS đấu tranh với đối tượng Trung, buộc hắn phải khai nhận nơi chôn giấu khẩu súng dùng để cướp ngân hàng ở huyện Sóc Sơn

Con tắc kè biến hình tinh vi

Là đối tượng từng có “thâm niên” trốn truy nã suốt 2 năm trời, Trung có thừa sự tỉnh táo và sẵn sàng “ngủ đông” để biến khỏi vòng truy bắt của lực lượng công an. Có lẽ chính vì vậy mà trong suốt quãng đường bỏ chạy, dù bị lực lượng công an cơ sở truy đuổi gắt gao, Trung vẫn nhanh chóng thay hình đổi dạng, ẩn nấp dưới cống ngầm trong một khu công nghiệp. Chiếc xe máy đối tượng dùng để gây án trong quá trình chạy trốn cũng được Trung thay đổi liên tục biển kiểm soát. Và cũng không phải ngẫu nhiên Trung lại chọn cướp ngân hành ở Sóc Sơn, khi mà nơi này giáp ranh với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, rất dễ dàng tẩu thoát lên các vùng núi phía Bắc.

Ngay cả chiếc khẩu trang đeo khi gây án cũng được đối tượng thay trên đường trốn chạy. Sau khi chui lên từ dưới cống, Trung đã có diện mạo hoàn toàn khác so với những hình ảnh mà camera hay nhân chứng giáp mặt ghi nhận trong thời điểm cướp ngân hàng. Nếu không “soi” thật kỹ thì chắc bất kỳ ai cũng chẳng thể nào nhận diện được nam thanh niên với dáng vẻ thư sinh ấy lại là tên tội phạm vừa dùng súng cướp ngân hàng đang lẩn trốn.

Trung liên tục di chuyển qua nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… bằng nhiều bộ dạng như một con tắc kè hoa. Và đặc biệt, ngoài những khả năng ẩn nấp, trong những lần di chuyển này, đối tượng còn được sự hỗ trợ, giúp sức của những kẻ có nhân thân phức tạp. Sự giúp sức đó khiến việc rà soát, nắm di biến động đối tượng của trinh sát trở nên hết sức khó khăn. Ngay cả người yêu của Trung, dù sống như vợ chồng trong thời gian dài cũng không biết được tên tuổi, địa chỉ, quê quán thật của đối tượng. “Một con tắc kè vô hình đúng nghĩa” - trinh sát hình sự nhận xét về đối tượng.

Nhưng dẫu gian manh, thủ đoạn đến mấy thì Trung cũng không thoát khỏi vòng vây. Toàn bộ cung đường trốn chạy của tên cướp bị thít chặt dần. Ngay cả ý đồ vượt biên của gã cũng bị Ban chuyên án đoán định được và cử trinh sát luồn rừng đón lõng ở các đường mòn, lối mở. Cho tới khi đưa tay vào còng số 8, Trung vẫn quanh co khai “nhầm” vị trí cất giấu khẩu súng gây án. Tuy nhiên, đứng trước Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP cùng Đại tá Nguyễn Bình, gã đã buộc phải chỉ nơi chôn giấu khẩu súng ở tận tỉnh Vĩnh Phúc.

Truy nóng cặp đôi cướp ngân hàng

Chỉ sau khoảng 3 tháng vụ cướp ngân hàng ở Sóc Sơn, tại một chi nhánh ngân hàng lớn ở quận Đống Đa lại xảy ra vụ cướp manh động khác. Sáng 27-7, Hoàng Ngọc (42 tuổi, ở phường Cửa Nam, quận Đống Đa) và Phùng Hữu Mạnh (23 tuổi, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đội mũ bảo hiểm, đeo kính và che kín mặt bằng khẩu trang xông vào Chi nhánh Ngọc Khánh - Ngân hàng BIDV. Căn nguyên dẫn tới vụ cướp không gì khác ngoài việc chìm đắm trong nợ nần của các đối tượng. Để chuẩn bị gây án, Ngọc mua súng tự chế trên mạng với giá 12 triệu đồng và làm 1 quả lựu đạn giả bằng băng dính đen. Sau đó, cả 2 thống nhất Mạnh cầm lựu đạn giả để đe dọa, uy hiếp người đi đường để cướp xe, còn Ngọc sẽ cầm súng để bắn.

Cả 2 di chuyển lắt léo trong các ngõ, ngách ở khu vực phố Nguyên Hồng trước khi đến ngân hàng nằm trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Mục đích của việc di chuyển này là để “vừa đi vừa xóa dấu vết”. Khi vào trong ngân hàng, 2 tên rút súng lớn tiếng yêu cầu tất cả mọi người phải ngồi im để chúng ra tay. Thấy vậy, một chiến sỹ công an có mặt tại đó định tấn công thì bị Ngọc bắn một phát chỉ thiên khống chế, đồng thời gã tuyên bố sẽ bắn chết nếu chiến sỹ này can thiệp. Hỗ trợ đồng bọn, Mạnh đứng cạnh dùng lựu đạn giả đe dọa sẽ cho nổ ngay lập tức nếu bất cứ ai hô hoán. Tiếp đó, Ngọc lấy nhiều cọc tiền ở các quầy giao dịch ném cho Mạnh để bỏ vào túi đã chuẩn bị sẵn. Gây án xong, 2 tên cướp tiếp tục ra ngoài dùng súng uy hiếp để cướp chiếc xe máy của một người dân rồi tẩu thoát theo hướng đi Đại lộ Thăng Long.

Khuya 28-7, Mạnh bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội bắt giữ khi đang trốn ở quận Đống Đa. Rạng sáng 29-7, Ngọc cũng sa lưới tại khu vực đường Lạch Tray, TP Hải Phòng. Sau khi bắt giữ 2 đối tượng, lực lượng công an thu giữ được gần 150 triệu đồng tiền tang vật, khẩu súng tự chế và một số đồ vật liên quan. Trước khi bị bắt, quá trình chạy trốn xuống huyện Thạch Thất, 2 tên cướp đã tính toán rất kỹ từng đường đi nước bước. Từ việc chúng hẹn gặp nhau ở đâu, thay quần áo ra sao, gửi xe máy chỗ nào đều thực hiện theo kế hoạch đã vạch sẵn. Từ huyện Thạch Thất, cả 2 lại đón xe buýt xuôi về trung tâm thành phố trước khi chia nhau lẩn trốn. Khi bỏ trốn, Ngọc đưa cho Mạnh 200 triệu đồng, còn khẩu súng gây án Ngọc khai đã phi tang ở Hải Phòng.