Những lưu ý quan trọng nhất định phải biết khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mùa mưa bão là thời điểm làm gia tăng nhiều loại bệnh nhiệt đới ở nước ta, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, chúng ta thường nhầm sốt xuất huyết với ốm hay sốt thông thường. Để hiểu và nhận biết về triệu chứng của sốt xuất huyết, cũng như phòng tránh loại bệnh này một cách hiệu quả, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây. 

Dấu hiệu nhận biết của sốt xuất huyết

Theo nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết là do loại virus Dengue có trong muỗi vằn. Loài muỗi này thường xuất hiện tại những vùng có nhiều ao tù, nước đọng, giếng nước lâu ngày không được vệ sinh.

Muỗi vằn mang virus Dengue sẽ truyền bệnh lên người khi đang hút máu

Muỗi vằn mang virus Dengue sẽ truyền bệnh lên người khi đang hút máu

Khi bị muỗi vằn có chứa virus truyền bệnh, sau từ 4 đến 7 ngày, người bị truyền bệnh sẽ liên tục bị sốt và có một số triệu chứng đi kèm theo. Trong thời gian này, người bị sốt xuất huyết ban đầu sẽ sốt cao, lên tới 40 độ C tùy từng thời điểm trong ngày và liên tục đau nhức ở đầu mạnh. Đồng thời, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy buồn nôn, ói mửa khan liên tục, nhức khớp, đau các cơ, chân tay bủn rủn, gặp khó khăn trong cử động. Đặc biệt, người bệnh có thể sẽ nổi ban đỏ trên toàn bộ cơ thể và chảy máu mũi nhiều lần.

Trường hợp người bị sốt xuất huyết tiến triển nặng, sốt xuất huyết phát triển thành sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân có thể bị sốc virus Dengue. Thời điểm này, người bị sốt xuất huyết nặng sẽ xuất hiện thêm hiện tượng huyết tương thoát khỏi các mạch máu, chảy máu nhiều ở cả trong và ngoài cơ thể, khiến huyết áp thấp. Đây là giai đoạn có thể dẫn đến tử vong đối với người bệnh.

Những lưu ý quan trọng khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Trường hợp người bệnh có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue nặng thì ngay lập tức, phải đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ, việc tự điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ là hoàn toàn có thể.

Cần tới cơ sở y tế gần nhất khi sốt xuất huyết biến chứng nặng

Cần tới cơ sở y tế gần nhất khi sốt xuất huyết biến chứng nặng

Một số biện pháp để điều trị sốt xuất huyết nhẹ tại nhà như hạ sốt, bù nước… Cần lưu ý, khi hạ sốt chỉ cho người bệnh uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng ít, khoảng cách giữa hai lần dùng là từ 4 đến 6 giờ, hạn chế sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác vì có thể gây xuất huyết nặng hơn hoặc gây nhiễm toan máu. Đồng thời, người thân có thể sử dụng một số biện pháp hạ nhiệt khác kèm theo như đắp khăn ấm vào trán, lau chân tay cùng nhiều bộ phận trên cơ thể, nhưng tuyệt đối không sử dụng nước đá để đắp, chườm cho người ốm.

Bên cạnh đó, để sức khỏe nhanh hồi phục, bệnh nhân cần thường xuyên bổ sung các dung dịch bù mất nước cần thiết, sử dụng thêm nhiều loại hoa quả và các loại nước trái cây để tăng chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, việc chọn lựa các loại thực phẩm cho người bệnh cũng cần lưu ý đặc biệt, nên chọn loại đồ ăn dễ nuốt, dễ tiêu hóa, tránh các thực phẩm có chứa phẩm màu như đỏ, đen, nâu... bởi việc này sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng và xấu đi.

Ngoài ra, gia đình có người bị sốt xuất huyết cũng cần lưu ý, không nên lạm dụng thuốc hạ sốt, không sử dụng thuốc kháng sinh vô căn cứ, không tự ý thuê dịch vụ bên ngoài để truyền dịch tại nhà cho người bệnh, không áp dụng các phương thức điều trị dân gian như xông hơi hay cạo gió, không tắm mà chỉ nên lau cơ thể cho bệnh nhân bằng nước ấm, không để bệnh nhân ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ và sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn. Đặc biệt, cần theo dõi kỹ lưỡng quá trình điều trị của bệnh nhân, từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, nhất là vào ngày bệnh thứ 4. Trường hợp có biến chứng nguy hiểm hoặc bất ngờ cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được các bác sĩ theo dõi.