Những lưu ý khi ăn nội tạng động vật để tránh mắc bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nội tạng động vật là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên thực phẩm này lại chứa nhiều chất đạm, chất béo và đặc biệt là rất nhiều cholesterol nên nếu ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Ăn nội tạng ngon, bổ, tốt cho sức khỏe, nhưng ăn sai cách lại sinh bệnh

Ăn nội tạng ngon, bổ, tốt cho sức khỏe, nhưng ăn sai cách lại sinh bệnh

Những ai không nên ăn?

Phần lớn các loại phủ tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo. Các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A, nhưng nhược điểm chủ yếu của các loại phủ tạng là chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục. Khi ăn tim, gan, thận có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.

Nhưng ngược lại, vì các loại phủ tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân, béo phì… Cho nên người cao tuổi nên ăn hạn chế, còn người mắc các bệnh kể trên không nên ăn các loại phủ tạng này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phẩm nội tạng động vật có thể tốt với người này song lại gây hại với người khác, vì vậy không nên lạm dụng.

Nguy cơ tiềm ẩn từ nội tạng động vật

Nội tạng động vật có hàm lượng calo, protein và chất béo cao… Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý hoặc lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì trong ruột của các loại động vật có rất nhiều vi khuẩn, ví dụ như E.coli, các vi khuẩn có thể là gây tả, kiết lị, thương hàn… hay các vi khuẩn gây lao, bệnh than… nếu lúc chế biến mà không làm sạch sẽ hoặc không nấu chín kỹ thì khi ăn rất dễ nhiễm bệnh.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên sử dụng nội tạng có nguồn gốc rõ ràng. Khi mua về cần phải chế biến vệ sinh sạch sẽ rồi nấu chín kỹ. Cần để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ, cao ráo không bị ô nhiễm hoặc có thể lây nhiễm bởi thực phẩm bẩn khác sang. Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt.

Lưu ý khi ăn nội tạng động vật

Gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy ăn gan là tốt chứ không phải là độc, có điều phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh: gan màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, khi mua về cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô hết máu ứ trong gan, như vậy các chất độc có trong máu của gan đã bị loại bỏ.

Kiểm soát số lần ăn nội tạng. Người khỏe mạnh nếu ăn nội tạng động vật với một lượng phù hợp sẽ rất có lợi ích cho cơ thể, nhưng phải kiểm soát số lượng. Người trưởng thành chỉ nên ăn nội tạng 2 - 3 lần/tuần (mỗi lần khoảng 50 - 70g), trẻ em ăn 2 lần/tuần (khoảng 30 - 50g mỗi lần).

Tuyệt đối không dùng nội tạng để qua đêm. Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn trở lại dù đã được làm sạch và cẩn thận đến mức nào. Hơn nữa, nội tạng để qua đêm dễ bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu. Cách tốt nhất là không nên để lại, và bỏ đi nếu ăn thừa.

Không ăn nội tạng không rõ nguồn gốc. Theo các cơ quan chức năng, hiện nay trên thị trường xuất hiện tình trạng thương lái nhập lậu nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, thậm chí bị ôi, thiu rồi giao cho các cửa hàng chế biến hay các điểm bán lẻ nội tạng. Vì vậy, khi mua các loại nội tạng, các bà nội trợ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Nên chế biến kết hợp với các thực phẩm khác. Một trong những cách ăn quan trọng nhất đối với nội tạng động vật chính là nấu trộn với các thực phẩm khác. Việc sử dụng các thành phần khác khi ăn nội tạng động vật để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng cân bằng hơn sau khi ăn. Ví dụ như bạn có thể chế biến nội tạng với tỏi tây, bắp cải hoặc cần tây, có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào cơ thể, đồng thời có thể khiến các thực phẩm tiếp tục bổ sung cho nhau về dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.