Những lưu ý để cúng tất niên Tết Canh Tý 2020 chuẩn nhất

ANTD.VN - Bữa cơm tất niên là nghi lễ văn hóa độc đáo của lâu đời của người Việt Nam. Đến dịp Tết nguyên đán, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mỗi gia đình Việt đều sửa soạn mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên mong cầu năm mới tốt đẹp hơn. Vậy cúng tất niên thế nào, chuẩn bị mâm cỗ, thời gian làm lễ cúng tất niên như thế nào chuẩn theo truyền thống?

Theo các chuyên gia văn hoá, bữa cơm tất niên được coi là nghi thức để mời ông Công, ông Táo về trần thế, tiếp tục cai quản việc bếp núc sau khi đã lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp. Đây cũng là dịp mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết, sum họp cùng con cháu. Bên cạnh đó, mâm cơm cũng giúp kết nối các thế hệ gia đình sum họp để đón mừng năm mới vạn sự hanh thông, nhiều điều tốt đẹp.

Thông thường, mỗi gia đình Việt chiều 30 Tết có thể chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng, trong đó một mâm cúng cỗ tất niên và một mâm cúng Giao thừa.

Mâm cỗ cúng tất niên như lời gửi gắm, cầu mong tổ tiên phù hộ để năm mới thịnh vượng và phát đạt hơn

Sau đây là những lưu ý trong nghi lễ cúng tất niên Tết Canh Tý 2020 chuẩn nhất theo truyền thống.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên

Theo các chuyên gia, tuỳ từng vùng miền, mỗi mâm cúng tất niên sẽ có những đặc trưng riêng.

Ví dụ như miền Bắc thường có các món như canh măng, gà luộc, miến, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào.... Hay trong miền Trung thì cúng bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua.... Còn miền Nam lại có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…

Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà có thể cúng mặn hay cúng chay, tuy nhiên cách chế biến nào cũng cần thơm ngon, tinh khiết, bày biện trang nghiêm.

Mâm cơm tất niên nên đặt ở bàn con bên dưới bàn thờ. Còn trên bàn thờ chính để hoa tươi, mâm ngũ quả... Đặc biệt chú ý, mâm cúng lên tất niên nên chọn hoa quả tươi, bày biện đẹp mắt, không nên dùng quả giả.

Mâm cỗ cúng 30 Tết không cần quá cầu kì, miễn là thành tâm, sạch sẽ

Cách bày bàn thờ

Tùy vào tín ngưỡng mỗi gia đình mà có cách bày biện, sắp đặt bàn thờ khác nhau.

Theo truyền thống, người miền Bắc sắm soạn mâm cỗ mặn thường được chuẩn bị 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa, tùy thuộc vào điều kiện và mong muốn của từng gia đình.

Mâm cỗ cúng nên để những món nóng, có nước ở trung tâm, vừa để đỡ đổ vỡ, vừa để dễ bày trí.

Trên bàn thờ nên có nến, đèn sáng ấm. Ngoài ra, nên chuẩn bị hoa tươi để trên bàn thờ sẽ đẹp hơn cho mâm cúng tất niên. Loại hoa thường được dùng để cúng tất niên là hoa dơn, hoa li, hoa cúc. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều gia đình sử dụng cành đào nhỏ để cúng. Việc đó vừa giúp bàn thờ dịp cuối năm trông ấm áp hơn và có sinh khí hơn.

Thời gian làm lễ cúng tất niên

Phân tích thời gian cúng lễ tất niên Tết Canh Tý 2020 các chuyên gia văn hóa cho rằng, năm Canh Tý-2020 có vận khí là Bích Thượng thổ, các gia đình nên chọn cúng vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp (tức ngày 23 hoặc 24-1-2020). Giờ tốt để cúng là vào các thời điểm 9-11h (giờ Thìn); 17 -19h (giờ Dậu); 21-23h (giờ Hợi).

Tuy nhiên, việc chọn ngày cúng tất niên sẽ tùy thuộc vào việc lựa chọn của mỗi gia đình để đảm bảo công việc, sự góp mặt đông đủ của các thành viên.

Các gia đình nên cúng tất niên vào ngày 29-30 Tết tức ngày 23 hoặc 24-1 dương lịch

Cúng trong nhà hay ngoài trời?

Thông thường các gia đình chỉ làm lễ cúng tất niên trong nhà, tuy nhiên cũng không ít gia đình có điều kiện, gia chủ có thể cúng thêm mâm cỗ ngoài trời để cảm tạ thần linh đã phù hộ.

Nghi thức chuẩn bị giao thừa gồm có mâm lễ được sửa soạn cúng ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, có thể làm lễ trên sân thượng, nơi thoáng mát, sạch sẽ trong phạm vi đất ở nhà mình.

Hướng đặt mâm lễ là hướng Bắc hoặc hướng Đông tuỳ theo vị trí và thế nhà của từng gia đình.

Nghi thức và văn khấn lễ cúng tất niên

Các gia đình có thể tham kháo ý kiến của chuyên gia phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh:

Thắp nến và 9 nén nhang rồi khấn:

Bái lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại.

Hôm nay là ngày... tháng... năm... ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới năm... Chúng con nhất tâm quy mệnh lễ thành kính, xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng cùng sơn hào hải vị, nhang đăng bái mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại toạ hạ trước lễ dưới án thờ gia tiên tại tổ đường để thụ hưởng và chứng lễ cho tấm lòng thành kính của chúng con.

Con cầu xin tổ tiên, phù hộ độ trì cho con cháu đón xuân vui vẻ, bước sang năm mới với vận khí mới, niềm vui mới, luôn được mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành đạt. Chúng con xin cầu nguyện cho gia tộc họ... vận khí luôn hanh thông, vạn sự được cát tường như ý, cầu tài tài đến, cầu phúc phúc lai, cầu lộc lộc tồn, nhân an vật thịnh hưởng vinh thụ huệ, để dòng họ sinh ra được nhiều người hiền tài phụng sự đất nước làm rạng danh dòng tộc. Đó là âm đức mà gia tiên tiền tổ ngàn đời đã lưu truyền lại cho con cháu đương thời, chúng con xin kê đầu bái thủ ghi lòng tạc dạ hồng ân của gia tiên.

Chúng con xin đa tạ! (3 lần).