Những lỗ hổng khó lấp

ANTĐ - Để việc nhập cư trót lọt, nhiều người Hoa đã tìm tới các văn phòng luật ở New York (Mỹ) để nhờ tư vấn. Tuy nhiên, đằng sau đó là những mánh khóe gian lận trong quá trình làm hồ sơ xin tị nạn tại Mỹ.

Các nhân viên FBI trong vụ đột kích một văn phòng ở khu phố người Hoa (New York) tháng 12-2012

Vô vàn kiểu gian lận 

Một phụ nữ Trung Quốc đi bộ vào văn phòng luật tại khu Chinatown ở thành phố New York (Mỹ) yêu cầu gặp luật sư. Bà làm hồ sơ xin tị nạn tại Mỹ với lý do bà bị buộc phải phá thai ở Trung Quốc theo luật kế hoạch hóa gia đình, và bà lo lắng về buổi phỏng vấn sắp tới với các nhân viên phụ trách nhập cư Mỹ. Luật sư John Vương trấn an bà không nên căng thẳng, vì quá trình làm thủ tục đơn giản, bà chỉ cần nhớ được một vài chi tiết là mọi thứ sẽ ổn. Trong trường hợp này, Vương và người trợ lý đã bịa ra một số chi tiết rồi yêu cầu khách hàng người Trung Quốc ghi nhớ như thời gian bị ép phá thai, cảm giác của cô như thế nào cũng như ngày cô lên đường tới Mỹ. Theo Vương, những trường hợp tương tự quá dễ giải quyết và thường được nhận mà không gặp trở ngại gì.  

Cuộc trò chuyện vào tháng 12-2010 đã bị các nhân viên của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bí mật ghi lại trong quá trình thực hiện cuộc điều tra trên diện rộng về tình trạng gian lận nhập cư của người Hoa ở New York. Cuộc điều tra đã dẫn đến việc truy tố ra tòa ít nhất 30 đối tượng bao gồm các luật sư (trong đó có John Vương), người giúp việc cho luật sư, người phiên dịch và thậm chí là nhân viên của một nhà thờ với cáo buộc giả mạo hồ sơ nhằm giúp hàng trăm người Trung Quốc xin tị nạn vào Mỹ một cách bất hợp pháp.     

Đoạn hội thoại trên mới được công bố trong một phiên tòa gần đây ở Mỹ đã cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về “thế giới ngầm” trong ngành công nghiệp xin tị nạn của người Hoa tại Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, việc làm giả hồ sơ xin tị nạn là một trong những dạng phổ biến nhất của tình trạng gian lận nhập cư, một phần vì chúng khó bị phát hiện. Do nhiều khai báo trong hồ sơ dựa trên các sự kiện diễn ra trong vùng xung đột vũ trang hay hỗn loạn chính trị… cho nên nhà chức trách Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh. 

Không chỉ vậy, các lời khai và tài liệu thậm chí còn được xoay vòng từ khách hàng này tới khách hàng khác và các luật sư chỉ cần thay tên và địa chỉ khách hàng. Thậm chí, có lúc họ còn quên làm điều đó. Một thành viên có mối quan hệ với giới thượng lưu trong cộng đồng người Đài Loan (Trung Quốc) ở Queens nói rằng trong thời gian làm việc tại một văn phòng luật nhập cư ở Queens cách đây vài năm, một trong những nhiệm vụ của ông ta là sử dụng Photoshop để đặt ảnh mặt khách hàng lên trên các file tài liệu có sẵn. 

Các công tố viên Mỹ cho biết, không chỉ bịa ra những câu chuyện, các luật sư còn chỉ dẫn cho khách hàng cách thức nói dối trong thời gian phỏng vấn và tại tòa án. Trong số 8 luật sư bị truy tố ra tòa mới đây, Vương là một trong những người hoạt động gian lận nhiều nhất. Trong khoảng từ năm 2010-2012, ông ta đã nộp hơn 1.300 hồ sơ cho văn phòng tị nạn New York, cho đến khi bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ.

Lỗ hổng luật pháp

Trong hơn một thập kỷ qua, người Trung Quốc không ngừng di cư tới Mỹ và họ thường lựa chọn New York là điểm đến hàng đầu. Theo thống kê, trong hơn 6 năm qua, khoảng 1/2 số lượng hồ sơ của người nhập cư Trung Quốc được nộp tại thành phố này. Trong đó, năm 2012, khoảng 56.400 hồ sơ được nộp tại các văn phòng cấp quy chế tị nạn hoặc tại các tòa án trên khắp nước Mỹ. Cùng năm đó, khoảng 29.500 người được cấp quy chế tị nạn, chiếm số lượng nhiều nhất kể từ năm 2002. 

Sở dĩ số lượng người Hoa xin tị nạn tăng mạnh vì nếu được nhận họ sẽ được phép lao động hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ cũng như có thể xin cấp thẻ xanh  (thẻ xác nhận tình trạng thường trú của người nước ngoài tại Mỹ) một năm sau đó. Do nhu cầu ngày càng tăng, nên hệ thống các văn phòng luật và doanh nghiệp chuyên về dịch vụ xin tị nạn không ngừng mọc lên, đặt trụ sở tại các tòa nhà văn phòng tại khu phố người Hoa ở Manhattan. Lợi nhuận các hãng thu được không hề nhỏ. Một số hãng yêu cầu số tiền dịch vụ ban đầu là 1.000USD cho một trường hợp, sau đó họ tìm cách tăng thêm phí và số tiền tổng cộng một người xin tị nạn phải trả có thể lên tới hơn 10.000USD. “Chúng tôi đang làm việc giống như điểm cuối trên con đường ngầm”, David Diệu, chủ một văn phòng luật nhập cư ở Chinatown từng ví von. Ông này là một trong số những người bị bắt giữ và truy tố trong cuộc điều tra trên. 

 Mặc dù không rõ tỷ lệ gian lận là bao nhiêu, nhưng theo Giáo sư Peter Kwong tại trường Đại học New York và cũng là chuyên gia về số lượng người Hoa ở New York, hầu hết các hồ sơ xin tị nạn đều bị giả mạo một phần. Giáo sư Kwong cho rằng trong hồ sơ, có khi họ chỉ thêm nếm vào một số tình tiết để chúng dễ được chấp nhận hơn, hoặc cũng có thể bịa đặt hoàn toàn chỉ để được cấp quy chế tị nạn. “Đối với những người tìm cách xin tị nạn, điều quan trọng với họ không phải là đúng hay sai mà là hồ sơ của họ có được nhận hay không và làm thế nào để đạt được điều đó”, ông Kwong nhận xét, “Luật pháp còn tồn tại một lỗ hổng lớn và lỗ hổng đó không bị lấp đầy vì lý do chính trị”. 

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, trong những năm trước khi diễn ra vụ bắt giữ, lượng hồ sơ nộp tại văn phòng tị nạn New York tăng mạnh. Nhưng sau vụ điều tra trên, lượng hồ sơ sụt giảm mạnh, xuống khoảng 4.300 trường hợp năm 2013.