Những khoảng trống tâm hồn

ANTĐ - “Em chỉ muốn bố mẹ trò chuyện và đối xử với em như với một người bạn. Em rất sợ và không muốn về nhà bởi luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Dường như khoảng cách giữa em và bố mẹ ngày càng xa dần…”. Đó là tâm sự của Thu Trang, cô nữ sinh lớp 11 trên trang nhật ký cá nhân…

Cô đơn trong chính gia đình mình

Trang giãi bày: “Nhiều lúc em phải chịu những trận đòn vô cớ của bố mẹ khi họ cảm thấy không hài lòng về em. Lý do mà họ không vừa ý đôi khi rất nhỏ nhặt như: cách ăn mặc, đi đứng, sở thích cá nhân…Mỗi khi đến nhà các bạn chơi, em cảm thấy rất tủi thân khi nhìn thấy các bạn nói chuyện, cười đùa vui vẻ với bố mẹ một cách thoải mái và tràn ngập tình yêu thương. Đôi lúc em ước giá như bố mẹ mình cũng được như vậy. Ngay từ nhỏ nếu em làm việc gì sai, mẹ không bao giờ phân tích em sai sót ở đâu mà việc đầu tiên là dùng roi vọt. Chính vì thế, khoảng cách giữa em và bố mẹ ngày càng xa dần và không biết từ lúc nào em không còn muốn tâm sự hay chia sẻ bất cứ điều gì với bố mẹ nữa…”.

Không tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm từ chính những người sinh thành ra mình, một thành viên có nickname crazyboy tâm sự: “Cha mẹ bây giờ chỉ thích áp đặt, mình xin đi học võ để nâng cao sức khoẻ thì bố mẹ cho rằng học võ mình sẽ chỉ thích gây sự, đánh nhau. Mình thích học đàn ghi-ta, thì bố mẹ giãy nảy: “Đàn với hát, ba cái thứ nhăng nhít rồi lại hỏng sớm”. Lúc nào, bố mẹ cũng bắt mình làm cái này, cái kia mà chẳng cần quan tâm xem mình nghĩ gì. Chắc mình phải kiếm bố mẹ nuôi xem họ có tốt hơn bố mẹ ruột không?”.

Thậm chí, nhiều bạn sống trong điều kiện vật chất đầy đủ cũng cảm thấy “ngột ngạt” trong chính sự tiện nghi ấy. Trong cuốn nhật ký của Trâm Anh- cô nữ sinh lớp 11 một trường chuyên có tiếng Hà Nội đã bộc bạch: “Khi lớn lên con sẽ không bao giờ đối xử với con cái mình như cách mà mẹ đã đối xử với con. Mẹ tưởng rằng cho con nhiều tiền tiêu vặt hay mua cho con những món đồ đắt tiền là thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm mẹ dành cho con sao? Mẹ có biết con cảm thấy thế nào khi một tháng có 30 ngày thì có đến 29 ngày con phải ăn cơm một mình. Nhiều đêm con chỉ biết khóc trong sự cô đơn vì không có ai để chia sẻ, tâm sự và cho con những lời khuyên khi con gặp chuyện không vui. Con ghét mẹ!”. Vì hết sức chịu đựng nên Trâm Anh đã đăng ký thành viên trên trang web lamchame để tìm kiếm sự chia sẻ từ những thành viên ảo.

Đừng để “bỏ đói” về tư vấn tâm lý

Cuộc sống hiện đại, các ông bố, bà mẹ lao vào công việc, quỹ thời gian dành cho con cái co hẹp dần. Không ít trẻ em cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình và dẫn đến hệ quả trẻ nhút nhát, khó gần, đơn độc, bị mắc chứng tự kỷ hoặc đi vào con đường lầm lạc. Điều này không có lợi cho sự phát triển nhân cách của trẻ, gây ra những hệ lụy đau lòng.

Theo bà Lê Thị Tuý - chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của các hiện tượng trên là do công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, gia đình và xã hội chưa hiệu quả. Nhiều trẻ đang bị “bỏ đói” về tư vấn tâm lý. Các bậc cha mẹ có thể biết những gì là tốt cho con cái nhưng liệu họ có thể hiểu khi chúng muốn nói chuyện? Những đứa con cần được giáo dục từ bé và cha mẹ là những người ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí lực. Gia đình là nơi trẻ có những giao tiếp ban đầu, là cầu nối của trẻ đối với xã hội, môi trường bên ngoài. Tất cả những khiếm khuyết của gia đình trong giáo dục trẻ đều ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, đến các hành vi chuẩn mực ở trẻ, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình xã hội hoá cá nhân, dẫn tới những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật…

Bà Tuý cho rằng: Khi gặp khó khăn, cách tích cực nhất mà các em lựa chọn là tâm sự với người khác. Tuy nhiên, đối tượng tâm sự chủ yếu là bạn bè nên cách giải quyết này đôi khi dồn trẻ vào thế bế tắc hơn, bởi do hiểu biết có hạn, các em định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch, dẫn đến việc bao che khuyết điểm cho nhau. Đây là một thực tế khách quan, gắn với đặc điểm lứa tuổi vị thành niên nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề giáo viên và cha mẹ cần gần gũi, trở thành những người bạn tin cậy đối với trẻ.