Những 'khoảng lặng' tự hào trong 'chiến dịch' lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ít ngày bị “mắc kẹt” khi tòa nhà nơi mình ở có trường hợp tiếp xúc với người bị nghi nhiễm Covid-19, có lẽ đây là khoảng thời gian “rảnh” nhất trong cuộc đời chiến sỹ Công an của mình. Dẫu vậy, tâm trạng của Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm lại không hề dễ chịu và mong muốn điều đó chút nào. Trong lòng của nữ Đại úy lúc này như có lửa đốt, khi bỗng dưng “bị mất” vài ngày làm việc cùng đồng đội tham gia vào giai đoạn 2 của chiến dịch cấp CCCD.  

Còn những đồng đội của chị tại Đội CSQLHC về TTXH, CAQ Hoàn Kiếm thì lại “thở phào” bởi người cán bộ của mình “cứng đầu cứng cổ” dù làm việc đến kiệt sức gục xuống bàn nhưng vẫn gan lỳ không chịu đi khám sức khỏe, chỉ bởi lý do nếu nghỉ một ngày thì tiếc lắm. Nay yếu tố khách quan đó đã buộc người cán bộ của mình phải nghỉ ngơi vài ngày sau chuỗi dài những đêm trường thức trắng để ‘cháy” hết mình cho “chiến dịch” của những đường vân khiến anh em lại “mừng” hơn là lo.

Tạm xa cho những ngày bên nhau mãi mãi

“Chị ơi, đừng bảo nhà báo viết về em. Trong đơn vị, còn có biết bao nhiêu các anh chị vất vả hơn cả em nữa”. Dòng tin với những lời lẽ dường như khẩn khuản này của Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm nhắn vào máy điện thoại của Trung tá Trần Thị Mai Ngọc, Tổ trưởng Tổ cấp CCCD của Đội CSQLHC về TTXH, CAQ Hoàn Kiếm, ngay sau khi được chỉ huy của mình thông báo sẽ có nhà báo liên hệ viết bài. “Trâm nó vẫn vậy. Từ trước đến nay chỉ biết hùng hục lao vào công việc chứ động chút nói đến biểu dương, khen thưởng thì nó kiên quyết chối đây đẩy”- Trung tá Trần Mai Ngọc tâm sự.

Mất khá nhiều thời gian và cuối cùng phải “đánh” vào tâm lý nhớ con của người nữ Đại úy trên thì tôi mới được Trâm trải lòng về quãng thời gian căng mình trong “chiến dịch” cấp CCCD. Với vị trí kíp trưởng đồng thời cũng là cán bộ có thâm niên về cấp CCCD trong đơn vị, chính vì vậy ngay từ khi mang bầu cháu bé thứ 2, Trâm cũng lường trước được thời gian sắp tới công việc sẽ vô cùng áp lực và nặng nề. Không nằm ngoài dự tính, ngay sau khi sinh cháu được vài tháng, chiến dịch cấp CCCD được Bộ Công an phát động, Trâm đón nhận tin đó một cách bình tĩnh nhưng không kém nỗi âu lo.

Con gái vừa tròn 6 tháng tuổi, Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm nén nỗi nhớ thương con, chuẩn bị đồ đạc, đưa con về quê gửi ông bà ngoại chăm sóc để toàn tâm toàn lực phục vụ cao điểm cấp CCCD

Con gái vừa tròn 6 tháng tuổi, Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm nén nỗi nhớ thương con, chuẩn bị đồ đạc, đưa con về quê gửi ông bà ngoại chăm sóc để toàn tâm toàn lực phục vụ cao điểm cấp CCCD

Nhà chỉ có hai vợ chồng. Cả ông bà hai bên nội, ngoại đều ở tỉnh xa, cuộc sống ca kíp trực đêm hôm của cả hai vợ chồng chẳng có đủ thời gian dành cho nhau và gia đình một cách trọn vẹn. Cháu bé đầu tiên Vũ Gia Bảo sau khi cứng cáp cũng được Trâm gửi về quê ngoại, nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Đến bé thứ 2, theo quy định CBCS đang trong thời gian nuôi con nhỏ, Trâm hoàn toàn được miễn trực. Dẫu vậy, khi được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện và hỏi nguyện vọng, Trâm trả lời dứt khoát “ Xin phép Thủ trưởng cho em được sát cánh cùng các chị em trong đội đi trọn vẹn chiến dịch này”.

Mạnh mẽ, quyết đoán với công việc là như vậy, nhưng chiều tối xong nhiệm vụ trở về căn nhà nhỏ với cô con gái vừa tròn 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành trong nôi, phải khó khăn lắm Trâm mới nói được với chồng “Em tính gửi con về nhờ ông bà ngoại chăm sóc giúp ít ngày để tập trung cho công việc”.

Trâm phân tích cho chồng biết tầm quan trọng, ý nghĩa của chiến dịch cấp CCCD sắp tới sẽ gần như lấy trọn vẹn quỹ thời gian của mình, khi đó nếu con ở lại Hà Nội sẽ không thể chăm sóc con được. Mà nếu thuê người giúp việc thì khả năng kinh tế của hai vợ chồng lại không cho phép, chưa kể không yên tâm. “Tạm gửi con về nhờ ông bà ngoại chăm sóc, ông bà dù có vất vả nhưng thương yêu con cháu. Hơn nữa con lớn 4 tuổi của mình vẫn đang ở cùng ông bà, vợ chồng mình cũng đỡ lo”- Trâm tâm sự với chồng.

Sau một đêm suy nghĩ trước sau, cuối cùng chồng Trâm cũng đồng ý, ủng hộ vợ. Trên đường bế con từ Hà Nội về TP Hải Dương, Trâm ôm chặt con vào lòng, thủ thỉ “mình tạm xa nhau thôi nhé chiến binh của mẹ”. Trao tay con cho bà ngoại cùng với mấy túi sữa vắt vội từ đêm trước mang về để mẹ nuôi cháu, ra đến cổng làng lúc này Trâm mới gục đầu vào vai chồng òa khóc vì không muốn bố mẹ thấy để lo lắng, trước khi cùng chồng quay trở lại Thủ đô bắt đầu lăn xả vào chiến dịch.

Không dám ốm, đi khám vì tiếc một ngày làm việc

Sáng nào cũng vậy, 6h ra khỏi nhà và 7h là Trâm có mặt tại trụ sở của đơn vị bắt đầu cho một ngày làm việc mới mà thời gian kết thúc Trâm và đồng đội của mình cũng không thể đoán định được. Dù Ban chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm luôn động viên và nhắc nhở CBCS cố gắng nghỉ sớm trước 11h đêm, song gần như chưa khi nào Trâm cùng đồng đội kết thúc công việc sau 3h sáng. Thậm chí có hôm, 4h sáng chị em mới xong việc. Dù muộn như vậy nhưng cũng như Trâm, tâm lý của người vợ, người mẹ thì ai cũng muốn trở về căn nhà của mình, dẫu thời gian ở lại tổ ấm cũng chỉ được vài ba tiếng.

“Gửi cả hai con về quê cho ông bà chăm giúp rồi, khi về nhà thấy trống vắng quá anh ạ. Đúng là có tiếng trẻ thơ ngôi nhà rộn rã, vui tươi thêm rất nhiều”- Trâm nghẹn ngào nói với chồng trong khoảng thời gian hiếm hoi hai vợ chồng gặp được nhau trong ngày. Đi làm từ sáng sớm cho đến khi 3-4h sáng hôm sau mới về, ngày nào cũng vậy, nên muốn tranh thủ gọi hình điện thoại để mẹ con nhìn thấy nhau cũng là điều quá xa xỉ với Trâm.

Đến trụ sở đơn vị từ 7h sáng, Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm cùng đồng đội tiếp nhận, cấp hàng trăm CCCD cho người dân trong ngày

Đến trụ sở đơn vị từ 7h sáng, Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm cùng đồng đội tiếp nhận, cấp hàng trăm CCCD cho người dân trong ngày

Sau một ngày làm nhiệm vụ, đêm trở về nhà, Trâm lấy quần áo của con ra hít hà trong nỗi nhớ con đến quay quắt. Biết con gái nhớ các con, bố mẹ của Trâm ban ngày nhờ hàng xóm dùng điện thoại chụp ảnh, quay video của hai con gửi vào máy điện thoại cho Trâm xem. Nhưng cũng chỉ sau khi xong việc, 3-4h sáng ngày hôm sau trở về nhà Trâm mới có thời gian mở ra xem. Nhìn thấy và “gặp” con được như vậy, nữ Đại úy cũng không ngăn được những giọt nước mắt nhớ con.

Lao vào công việc để khỏa lấp thời gian nhớ con, Trâm cùng các chị em trong đơn vị thực hiện cấp CCCD cho hàng chục nghìn người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đó là những người có hộ khẩu tại quận, chưa tính tới số tạm trú, làm việc có thể lên tới hàng chục nghìn người. Chỉ tiêu về số lượng và thời gian cấp CCCD cấp trên giao được Trâm cùng đồng đội trong đơn vị hoàn thành vượt mức xa.

Thương ông bà già yếu lại một tay chăm nom hai cháu. Thương con gái vài tháng đã phải tạm xa bố mẹ. Hàng ngày tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa ít ỏi, Trâm lặng lẽ vào phòng vắt sữa ra túi trữ trong tủ lạnh để cuối tuần chồng tranh thủ mang về quê cho bà ngoại nuôi con, vừa đỡ đi gánh nặng kinh tế cho ông bà mà con lại có thêm sữa mẹ để tăng sức đề kháng.

Nhiều hôm công việc, hồ sơ quá nhiều chẳng có thời gian để nghỉ, Trâm và đồng đội làm việc xuyên trưa, khéo léo thu xếp lắm cũng chỉ có vài ba phút thay ca nhau ăn tạm cái mẩu bánh mỳ, gắp vội bát mỳ tôm úp dở… Cả núi công việc, hồ sơ dồn lên vai. Sữa lại không vắt kịp, nhức buốt lồng ngực. Có hôm Trâm ôm ngực gục xuống bàn làm việc mà ngất đi. Chỉ huy và chị em trong đơn vị bắt đi kiểm tra sức khỏe, Trâm viện dẫn đủ lý do để né tránh cũng chỉ bởi “nếu nghỉ một ngày thì tiếc công việc lắm”.

Hỏi Trâm việc chồng ủng hộ thế nào khi bản thân tham gia chiến dịch như vậy, Trâm hạnh phúc cho biết may mắn có được người bạn đời tâm đầu ý hợp, hiểu và chia sẻ với công việc, nhiệm vụ của vợ. Nếu như những khoảng thời gian trước còn ca thán về việc đi trực, ca kíp vất vả của vợ thì nay khi Trâm bước vào chiến dịch, tuyệt nhiên chồng của nữ Đại úy không hề phàn nàn bất cứ lời nào hay “dám” ý kiến gì, kể cả khi Trâm mất sữa vì lâu ngày con không được ở bên bú mẹ.

Thay vào đó, là những lần về quê thăm con, chồng Trâm quay thật nhiều video của hai con mang lên cho vợ xem, để mẹ con vơi đi phần nào nỗi nhớ nhau. “Có được sự ủng hộ gần như tuyệt đối này từ chồng và gia đình, vậy nên em chẳng còn lý do nào mà không cùng các chị em trong đơn vị dành trọn vẹn tâm huyết với công việc, nhiệm vụ cả”- Trâm tâm sự.

Cũng như Đại úy Trâm, nhiều CBCS trong đơn vị cũng phải gửi con cái về cho ông bà dưới quê để dành toàn bộ thời gian phục vụ công tác cấp CCCD

Cũng như Đại úy Trâm, nhiều CBCS trong đơn vị cũng phải gửi con cái về cho ông bà dưới quê để dành toàn bộ thời gian phục vụ công tác cấp CCCD

“Em chỉ mong mỏi nhất là các con khỏe mạnh, ông bà mạnh khỏe để chăm sóc các cháu, cho em được yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”- Trâm tâm sự với tôi khi được hỏi điều mong muốn nhất trong quãng thời gian thực hiện cao điểm chiến dịch và xa con.

Thời điểm đó tỉnh Hải Dương cũng quay cuồng trong dịch Covid-19, dù hàng ngày nhờ chồng gọi điện về nhắc ông bà ngoại ở nhà chú ý giữ sức khỏe nhưng thật sự, lúc nào trong lòng Trâm cũng như có lửa đốt, lo lắng. Dịch giã thì phức tạp, ông bà lại ở xa, các cháu thì còn quá bé. Vậy nên điều mà Trâm mong muốn nhất cũng dễ hiểu. Và có lẽ, cũng giống như Trâm, rất nhiều đồng đội của nữ Đại úy này gửi con về quê cho ông bà trông nom cháu cũng cùng chung mong muốn như vậy.

Sau 2 tháng quăng mình vào công việc gần như trọn vẹn thời gian trong ngày, Trâm thu xếp được về quê một hai ngày thăm con. Lúc gửi con về với ông bà cháu vẫn còn đang tập lẫy, vậy mà khi về con đã biết ngồi. Thấy mẹ, cháu Vũ Minh Ngọc ngồi trên giường đưa tay vẫy vẫy như chào, nhưng khi nữ Đại úy dang hai tay bế con, cháu bé lại thấy lạ và òa khóc tìm bà. Cả đêm Trâm nằm cạnh con dùng đủ biện pháp nghiệp vụ “câu nhử” mà vẫn không bế được, bởi sau 2 tháng mẹ con tạm xa nhau, cô con gái bện hơi bà không chịu để cho mẹ bế ẵm. Trâm tủi thân bật khóc…

Tự hào bởi lịch sử là thứ không lặp lại

Chỉ trong tuần đầu tiên lao mình vào chiến dịch, Trâm sụt mất 2kg. Lịch sinh hoạt, làm việc, ngủ nghỉ trong suốt mấy tháng trời đảo lộn khiến nhịp sinh học của ai cũng bị xáo trộn, thay đổi. Không chỉ riêng Trâm, hầu hết các chị em trong đơn vị tham gia chiến dịch đều tếu táo trêu nhau được mùa giảm cân một cách tự nhiên mà không hề tốn một đồng nào đi tập gym. Những ngày tiếp theo, dù công việc bận rộn, hồ sơ đầy như núi thì các chị em cũng đều nhắc nhở nhau cố gắng không được ốm, vì chỉ cần một người rời khỏi vị trí dù được bổ sung ngay cán bộ khác vào nhưng cũng ảnh hưởng không ít đến hiệu quả, chất lượng công việc cấp CCCD…

Trung tá Bùi Hương Ly, Đội phó Đội CSQLHC về TTXH, CAQ Hoàn Kiếm tâm sự, đặc thù công việc của đơn vị nên đa số CBCS là chị em phụ nữ. Ngoài Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm, trong đơn vị còn có rất nhiều chị em khác cũng vượt khó khăn, gửi con về quê, sang hàng xóm để dành toàn tâm sức cho nhiệm vụ cấp CCCD trong cao điểm của chiến dịch. Như Thượng úy Trần Thị Thùy Linh, một lúc sinh đôi hai con mới được 8 tháng cũng ôm cả hai con về gửi ông bà, để cùng đồng đội ngày đêm cấp CCCD phục vụ nhân dân.

Đại úy Trâm lấy công việc để vượt qua nỗi nhớ xa cách con nhiều tháng trời

Đại úy Trâm lấy công việc để vượt qua nỗi nhớ xa cách con nhiều tháng trời

Hay như Thượng úy Đặng Thị Phương Thảo, cán bộ của Đội Chính trị Hậu cần khéo léo sắp xếp công việc nhà, vượt qua nhiều khó khăn, xung phong tham gia chiến dịch ngay từ những ngày đầu. Ngay cả như Trung tá Trần Thị Mai Ngọc, Tổ trưởng Tổ cấp CCCD và Trung tá Bùi Hương Ly, dù con cái có lớn hơn các chị em khác trong đội một chút, nhưng trong suốt những tháng vừa qua, các con của chị dường như cũng “quên” mất mặt mẹ. Lý do bởi lịch làm nhiệm vụ cấp CCCD dày đặc từ sáng sớm đến khuya muộn của mình đã khiến chị đi khi các con còn chưa thức dậy, trở về nhà khi chồng con đã ngủ say.

Thượng úy Đặng Thị Phương Thảo ôm chầm lấy con trước khi gửi con ở nhà cho người thân để xung phong tham gia chiến dịch cấp CCCD

Thượng úy Đặng Thị Phương Thảo ôm chầm lấy con trước khi gửi con ở nhà cho người thân để xung phong tham gia chiến dịch cấp CCCD

Giờ đây dù những ngày tháng căng thẳng nhất của chiến dịch đã qua đi nhưng khối lượng công việc hiện tại vẫn còn vô cùng lớn. Hỏi Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm cảm xúc hiện tại như thế nào, không đắn đo, nữ Đại úy tâm sự: Vô cùng tự hào khi đã cùng với các đồng đội được đóng góp một phần nhỏ bé sức lực, tâm huyết vào chiến dịch lịch sử này.

“Trong cả cuộc đời công tác của em và lực lượng CSQLHC về TTXH, có lẽ đây là giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa vô cùng lớn, tạo nên những “viên gạch” để xây đắp nên một thành trì vững chãi chính phủ điện tử, công dân số toàn cầu…" - Đại úy Nguyễn Thị Huyền Trâm tâm sự.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, Trâm vui mừng cho tôi biết, tòa nhà đã hết phong tỏa cách ly vì Covid-19, nên mai sẽ được tới cơ quan tiếp tục làm nhiệm vụ. “Hai con em vẫn đang gửi ở quê. Ở nhà có vài ba hôm mà thèm được làm việc, nhớ các chị em trong đội quá”- Trâm cười vui.