Những kẻ giết người gián tiếp

ANTĐ - Một bé gái 3 tháng tuổi đã chết vì bố mẹ bỏ mặc 12 tiếng đồng hồ để chơi điện tử. Vụ án gây chấn động dư luận Hàn Quốc 5 năm trước, mới đây đã được các nhà làm phim tài liệu Mỹ gợi lại trong bộ phim “Yêu con” phát sóng trên HBO. Hàn Quốc hiện có khoảng 2 triệu người “nghiện” game.

Nghiện game, nhiều thanh niên Hàn Quốc quên hết đời sống thực

Mụ mị trong thế giới ảo

Câu chuyện gây sốc dư luận Hàn Quốc vào tháng 9 - 2009. Khi nhận được tin con gái 3 tháng tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, cặp vợ chồng Hàn Quốc vẫn đang cắm đầu vào trò chơi điện tử có tên gọi Prius mà ở đó, họ bận chăm sóc cho một đứa trẻ ảo suốt 12 tiếng đồng hồ. Kim Jae-beom sau đó nói với cảnh sát rằng anh ta không biết vì sao con mình chết, và rằng “từ đầu nó đã bị sinh non”. Nguyên nhân cái chết sau đó được cơ quan hữu trách xác định: Bé gái đã chết vì suy dinh dưỡng do bị bố mẹ bỏ mặc.

Hôm 28-7, trong bộ phim tài liệu có tựa đề “Yêu con” phát sóng trên HBO, Giám đốc sản xuất 

Valerie Veatch đã đi tìm lời giải cho những lỗi lầm khủng khiếp như vậy ở Hàn Quốc - nơi mà ước tính có khoảng 2 triệu người “nghiện” game. Sang Yoon Han, một điều tra viên kỳ cựu kể trong bộ phim tài liệu rằng, hôm khám xét căn nhà của vợ chồng Kim, cảnh tượng thật “khủng khiếp”. Bé Sarang - vốn nhẹ cân đã giảm từ 3kg xuống còn 2,5 kg sau 3 tháng chào đời nằm trong nôi, chăn phủ lên người giữa căn phòng lộn xộn.

Theo cảnh sát, khi mang thai, Kim Yun-jeong chưa bao giờ vào viện kiểm tra cho đến khi chuyển dạ. Bà mẹ đoảng vị này cho con ăn sữa hỏng và hoàn toàn không biết cách nuôi con. Sau khi phát hiện đứa con đã chết, hai vợ chồng này không dám báo cảnh sát nên đã vào mạng tìm dịch vụ tang lễ trước khi gọi cho nhà chức trách. “Trong tình cảnh này, bố mẹ nào chả khóc thương con, nhưng bọn họ không biểu lộ chút xúc động nào”, viên cảnh sát nhớ lại. “Thoạt đầu không ai trong chúng tôi có thể tin nổi điều đó”.

Bên công tố đề nghị xử Kim Jae-beom 5 năm tù vì tội giết người nhưng sau đó bị cáo chỉ phải chịu án 2 năm do tòa án xác định đó là tội ngộ sát, thói “nghiện” game đã khiến bị cáo không nhận thức được hậu quả xảy ra. 

Bệnh nan y

Những năm 1990, Hàn Quốc đổ tiền vào công nghệ băng thông rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể trở thành nước có tỷ lệ kết nối Internet cao nhất thế giới. Hệ quả là các quán điện tử thâu đêm nở rộ, ai không muốn trả tiền cho dịch vụ Internet tốc độ cao tại nhà sẽ thỏa mãn niềm đam mê thế giới ảo của họ ở quán cà phê Internet. Chưa hết, ở nước này, game thủ tài năng có thể sống tốt khi tham dự các giải vô địch về chơi game hoặc bán tiền ảo lấy tiền thật. Thực tế thu nhập chính của vợ chồng Kim là “cày game”, bọn họ còn “cố tiết kiệm tiền” khi tìm đến một quán cà phê có máy chơi game giá dịch vụ rẻ hơn nơi khác.

5 năm trước, ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Hàn Quốc thu về khoảng 5 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên gần 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nước này cũng đang phải nỗ lực hết sức để giải quyết tác hại, hệ lụy xấu của trò chơi điện tử cho giới trẻ và cho cả xã hội. Để giảm “nghiện” game, Hàn Quốc nghiêm cấm trẻ em dưới 16 chơi game từ nửa đêm đến 6h sáng hôm sau. Trong khi đó, ngày càng có nhiều bệnh viện mở khoa điều trị cho người “nghiện” game. Nhưng nói về vụ của vợ chồng Kim, một cảnh sát cho rằng: “Khó giải thích được sơ suất của vợ chồng này. Bản năng và trách nhiệm cơ bản là phải nuôi con, vậy mà họ không ý thức được. Điều đó không đơn giản là bị nghiện và cần điều trị”.

Những tưởng sự việc kể trên là trường hợp hy hữu từ 5 năm trước, đến nay lại xảy ra việc tương tự. Tháng 4-2014, một người cha 22 tuổi họ Chung, không nghề nghiệp đã bị bắt vì để con trai 2 tuổi của mình chết đói ở nhà trong khi anh ta bỏ đi chơi điện tử 10 ngày.