Triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”:

Những hiện vật một thời oanh liệt

ANTD.VN - Hơn 300 tài liệu, hiện vật tái hiện một cách sinh động, chân thực về sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946, trong đó tiêu biểu là hình ảnh nhân dân Thủ đô Anh hùng đã được trưng bày trong triển lãm “Bản hùng ca Mùa đông năm 1946” tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trong đó, triển lãm đã dành một phần không gian trưng bày phản ánh chiến công của lực lượng Công an cách mạng trong tình thế đất nước “Ngàn cân treo sợi tóc”. 

Các hiện vật tái hiện sinh động những ngày chiến đấu giữa Thủ đô

Những thời khắc đi vào lịch sử

Trong  các câu chuyện về hiện vật được trưng bày tại triển lãm “Bản hùng ca Mùa đông năm 1946”, chúng tôi rất ấn tượng với câu chuyện của Đại tá Nguyễn Huy Du, một trong số những chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô năm xưa. Ông là người đóng góp chiếc huy hiệu Trung đoàn Thủ đô, được đeo trong lễ thành lập “Đội quyết tử” ngày 7-1-1947 tại Rạp Chuông Vàng, Hà Nội.

Chiếc huy hiệu được phát trước khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi khu vực Liên khu 1 về căn cứ địa Việt Bắc. Thời gian làm huy hiệu này rất gấp gáp. Khi đó có một tổ thợ rèn ở Liên khu 1 được giao là đúc huy hiệu chỉ trong vài ngày để cung cấp cho chiến sỹ khi rút ra khỏi ngoại thành.

Chiếc huy hiệu quý giá cũng là biểu tượng gợi nhắc đến chiến công của chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, trong suốt 2 tháng đã quần nhau với địch để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ 38.000 người dân Hà Nội tản cư an toàn. Cũng nhờ thành tích đặc biệt này, nhân dịp Tết Đinh Hợi 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô. Bức thư này cũng đang được trưng bày tại bảo tàng. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Tập, Phòng trưng bày tuyên truyền - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, người chịu trách nhiệm nội dung của triển lãm “Bản hùng ca Mùa đông năm 1946” cho biết, trong quá trình tiếp nhận hiện vật, các anh đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện cảm động: “Ngoài chiếc huy hiệu của bác Nguyễn Huy Du, chúng tôi cũng được tiếp nhận huy hiệu của bác Trần Hoàn, cũng là một chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô.

Tuy bác đã mất, nhưng gia đình bác vẫn mang chiếc huy hiệu này đến hiến tặng cho bảo tàng”. Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tập, rất nhiều hiện vật ghi dấu những chiến công oanh liệt của Trung đoàn Thủ đô như bom ba càng được các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô dùng chiến đấu ở Liên khu 1, Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, hay tiểu liên Mas được sử dụng tại nhà Xôva, Nhà Đoan, đánh lui 5 đợt tấn công của địch, diệt 15 tên địch ngày 6-2-1947 đã được đưa vào triển lãm. 

Bức ảnh chụp đội trinh sát đặc biệt, Sở Công an Bắc Bộ điều tra, khám bắt tổ chức phản động Quốc dân đảng số 7 phố Ôn Như Hầu

Ghi dấu chiến công của lực lượng công an

Nếu nhắc đến bản hùng ca lịch sử năm 1946, không thể không nhắc đến chiến công của lực lượng công an. Qua các hiện vật được Bảo tàng Công an nhân dân cung cấp như: Súng ngắn Công an Hải Phòng thu giữ của tổ chức gián điệp và sử dụng để diệt tề, trừ gian năm 1946, truyền đơn của tổ chức phản động Quốc dân đảng bị lực lượng công an thu giữ năm 1945, kế hoạch đảo chính, lật đổ chính quyền của tổ chức phản động Quốc dân đảng 12-7-1946… các thế hệ hôm nay đã hiểu thêm về tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” ở giai đoạn đầu tiên lập quốc.

Chính quyền cách mạng đã phải đương đầu với nhiều thách thức khó khăn, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của tổ chức phản động Quốc dân đảng. 

Góp sức cùng các lực lượng và nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng, các hình ảnh, hiện vật do Bảo tàng Công an nhân dân cung cấp còn tái hiện sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng công an đã đập tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của tổ chức phản động Quốc dân đảng, phá án thành công vụ án số 7 Ôn Như Hầu. Đây là chiến công hiển hách ghi dấu son chói lọi trong trang sử vàng của lực lượng Công an nhân dân khi chưa tròn 1 tuổi. Chiến công ngày 

12-7-1946 mang đậm dấu ấn của tinh thần trí dũng và có quy mô lớn, mang ý nghĩa, tác dụng sâu sắc đối với các thế hệ Công an Nhân dân. Triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946” còn cho thấy sự đồng hành của lực lượng công an, đặc biệt là Công an Hà Nội cùng Đảng, Chính phủ và nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách. 

Thực hiện mệnh lệnh Toàn quốc kháng chiến, Công an Hà Nội đã phối hợp với lực lượng tự vệ chiến đấu tổ chức đặt chướng ngại vật cản bước tiến của quân đội Pháp. Đồng thời phối hợp chiến đấu giam chân địch ở nhiều nơi khác trong cả nước như Lạng Sơn, Hải Phòng, Mỹ Tho…

Lực lượng công an đã góp phần quan trọng cùng quân và dân Hà Nội “dọn sạch nhà”, sẵn sàng các điều kiện chủ động chiến đấu chống thực dân Pháp, bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

70 năm đã trôi qua, tinh thần hào sảng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, hiệu triệu đồng bào sát cánh, chung sức đồng lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. toàn quốc kháng chiến như một bản anh hùng ca kháng chiến để lớp lớp thế hệ lực lượng công an hôm nay vẫn đang viết tiếp, xứng đáng là lực lượng nòng cốt xung kích trong sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.