Những giọt nước mắt rơi xuống từ trại giam

ANTĐ - Trong buổi tổng kết phong trào phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi” các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị hại, thân nhân bị hại vào sáng 27-6-2014, một trong những lá thư gây ấn tượng với  Ban Giám thị Trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) là của phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Dung (Tiểu Nhị, SN 1987), quê ở Long Điền, Chợ Mới, An Giang gửi cho chị Bùi Thanh Kiều và gia đình ở ấp Thanh Xuân, xã Thanh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Những giọt nước mắt của Nguyễn Thị Ngọc Dung đã nhỏ xuống từng nét chữ, từng trang thư đầy ăn năn hối hận.

Bức thư hối hận

Năm 2008, sau khi ly hôn chồng, Nguyễn Thị Ngọc Dung để lại đứa con gái chưa đầy 2 tuổi cho gia đình rồi lên thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương làm ăn, rồi quen biết anh công nhân Nguyễn Hoàng Khái (SN 1982), quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang. Đầu năm 2009 cả hai chung sống với nhau như vợ chồng. 

Lúc 20h30 đêm 20-9-2011, Khái cùng nhậu với đám bạn tại trước cửa hàng điện thoại di động Hoàng Sơn ở thị trấn Tân Uyên. Thấy Khái không về, Dung gọi điện rồi nhắn tin nhưng chẳng thấy Khái hồi âm. 23h Dung lại gọi thì Khái bảo đang nhậu không về được. Điện thoại xong, Dung bỏ con dao Thái Lan vào túi quần rồi phóng xe ra khỏi nhà trọ chở theo bạn là Đặng Thị Kim Hồng, bảo Hồng ra lái xe Khái về giúp.

Đến nơi thấy Khái đang ngồi nhậu với bạn, Dung bước vào nắm áo Khái nói: “Mày ra đây tao nói chuyện” và kéo mạnh làm Khái ngã ra sau. Khái đứng dậy tát vào mặt làm Dung ngã xuống đất. Khái dùng tay đè Dung, Hồng đến can ngăn thì Khái buông Dung ra. Dung đứng dậy rút dao đâm vào ngực Khái một nhát rồi rút dao cầm trên tay. Khái ôm ngực lảo đảo rồi gục xuống bất tỉnh, được 2 bạn nhậu đưa đến Bệnh viện Tân Uyên cấp cứu, nhưng đã tử vong khi vừa đến bệnh viện. Đêm hôm sau, Dung đến cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Uyên đầu thú, khai nhận hành vị phạm tội.

Hơn 2 tháng sau, ngày 25-11-2011, Nguyễn Thị Ngọc Dung bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt mức án 17 năm tù về tội Giết người. Những ngày đầu vào Trại giam An Phước, Dung hoang mang tinh thần, không biết phải sống ra sao khi đứa con thơ dại từng ngày thiếu tình thương của mẹ. Rồi những đêm bóng hình Khái chập chờn trong giấc ngủ làm Dung không sao chợp mắt. Dung khóc thầm và ân hận cho hành động bồng bột, ngu xuẩn của mình. 

Được cán bộ quản giáo an ủi, động viên, dần dà Dung lấy lại được tinh thần và suy nghĩ chỉ có học tập cải tạo thật tốt để sớm trở về tạ tội với vong linh anh Khái, với vợ Khái và gia đình thì mới mong phần nào thanh thản lương tâm. Thư gửi cho chị Kiều (vợ anh Khái) và gia đình anh Khái, Dung viết: “Hai bác ơi, thật khó có thể nói lên lời xin tha thứ vì việc làm của con làm sao có thể tha thứ khi đã cướp đi của hai bác một người con mà hai bác đã dứt từng núm ruột mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng trưởng thành. Chị Kiều ơi, em cũng đắng lòng khi xin ở chị sự thứ tha cho tội lỗi của em. Em đã quá nhỏ nhen, ích kỷ, không nghĩ đến người khác, đã cướp đi của chị người chồng mà chị hết mực yêu thương, cướp đi của con chị một người cha mà không bao giờ có thể có lại được. Nhưng hai bác ơi, chị Kiều ơi, hãy rộng lòng thứ lỗi cho em, em biết tội mình thật đáng bị nguyền rủa, lên án. Nhưng hai bác và chị hiểu cho em chỉ vì em quá yêu anh Khái mặc dù đó là tình yêu không đúng lối. Em chỉ muốn có anh ấy nhưng trong một lúc thiếu nghĩ suy, thiếu bình tĩnh đã cướp đi mạng sống của người em yêu thương. Em thật sự ăn năn hối hận, kính mong hai bác, mong chị rộng lòng tha thứ cho tội lỗi của em. Em hứa sẽ chú tâm cải tạo thật tốt để sớm có ngày về, để đến thắp cho anh Khái một nén tâm nhang để tỏ lòng hối hận, để được nói với chị và gia đình lời xin lỗi chân thành”... 

Tấm lòng bao dung của người mẹ mất con 

Tại buổi lễ, khi bà Phạm Thị Dung, mẹ của bị hại Phạm Văn Trung (quận 8, TP.HCM) quặn lòng đau thương bước lên sân khấu thì phạm nhân Trương Lạc Huy vội quỳ xuống cúi đầu xin bà Dung tha thứ. Cả hội trường nín lặng trong xúc động. 

Dìu bà Dung vào ghế ngồi, Huy ân cần nắm tay bà nói lời xin lỗi: “Bác ơi, con vô cùng ân hận cho hành động tội lỗi của con. Con đã cướp đi của bác một người con mà bác đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng trưởng thành, tội con quá lớn…”. “Thôi, chuyện đã qua rồi. Nếu anh học tập cải tạo tốt trở về tôi sẽ coi anh như thằng Trung. Tôi đã mất đi một người con, nghĩ đến mẹ anh cũng thương anh bằng một tình mẫu tử thiêng liêng vô bờ bến, tôi không thể vô tâm nhìn mẹ anh ngóng trông anh từng ngày được. Mong anh cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có ngày về”. 

Khi nữ cảnh sát làm người dẫn chương trình hỏi: “Hôm tổ công tác đến nhà trao đổi về việc xin lỗi của Huy, bà có nói sẽ nhận Huy làm con nuôi nếu Huy cải tạo tốt trở về, bà có thể cho mọi người biết ý kiến của bà một lần nữa không ạ?”. Bà Dung bảo: “Đó là chuyện tương lai, nếu Huy cải tạo trở thành người tốt thì tôi sẽ giữ lời. Không chỉ hôm nay mà cả hôm ở tòa, tôi đã tha thứ nên bảo chồng tôi xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Huy”.

Kể lại chuyện đau thương vào tối 31-10-2008 tại Q.8, TP.HCM, bà Dung cho biết: Huy là bạn trai của chị gái Trung. Lúc ấy, Huy chở chị gái Trung đi chơi về gần đến nhà thì gặp Trung đang nhậu cùng một số người bạn. Trung gọi Huy vào nhậu. Trong lúc nhậu giữa Huy và Trung xảy ra mâu thuẫn cãi nhau, Trung đòi đánh Huy, Huy chạy về nhà lấy con dao trở lại tiếp tục uống rượu và… cãi nhau rồi đánh nhau. Huy rút dao đâm Trung. Những người cùng uống rượu can ngăn và đưa Trung đi Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng đã trút hơi thở cuối cùng vào nửa đêm hôm đó. Sáng hôm sau, Huy đến CQĐT đầu thú. Ngày 7-10-2009, Trương Lạc Huy bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Giết người.

Kể lại chuyện đau lòng của con mình, bà Dung cho biết: “Hôm ấy, khi được tin Trung bị Huy giết chết, cả nhà hốt hoảng, 3 người con trai của tôi chuẩn bị hung khí để đi thanh toán thằng Huy, tôi kêu lên: “Thôi các con ơi, 1 người chết rồi chưa đủ sao mà còn gây thêm 1 cái chết nữa. Ai gây tội ác sẽ bị pháp luật trừng phạt, giết nó thì thằng Trung có sống lại được không? Đừng gây thêm thù hận các con ơi”. Nhưng các con tôi cũng chưa nguôi hận, chúng nó bảo nợ máu phải trả máu. Tôi lại kêu lên: “Các con mà đi giết thằng Huy thì mẹ chết bây giờ luôn”. Nói rồi tôi xỉu. Các con tôi cũng biết nghe lời nên vứt bỏ hung khí, lo lắng cho sức khỏe của tôi. Bên các con, tôi bảo: “Lúc này là lúc lo hậu sự cho thằng Trung chứ không phải đi trả thù. Trả thù rồi thù lại trả cứ nhân lên mãi biết bao giờ mới hết đau thương đây các con?”. Cả hội trường lặng yên, chăm chú lắng nghe từng lời của bà Dung - một người mẹ có tấm lòng rộng lượng bao dung. 

Các phạm nhân đã trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình bằng những tháng ngày tù tội - Đại tá, Giám thị Phan Đình Hoàn nói. Giờ đây trước sự hồi tâm hối cải của họ có lẽ chúng ta cũng nên có cái nhìn bao dung rộng lượng thứ tha, tạo cho họ một cơ hội làm lại cuộc đời. Tội ác và thù hận giờ đã kết thúc có hậu bởi tấm lòng bao dung rộng mở của bà Dung - một người mẹ đã làm được những điều mà không phải người mẹ cũng làm được. Cảm động thay một tấm lòng người mẹ đã biến đau thương thù hận thành niềm vui thế thái nhân tình đầy cảm động.