Những giai thoại về quan Tuần phủ Hà Nội Trần Bích San

ANTD.VN - Từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), triều đình chia đơn vị hành chính cả nước thành 13 đạo. Dưới đạo, lại cho đặt thành các phủ, huyện, châu, rồi đến xã. Tuy nhiên, kinh đô Thăng Long bấy giờ lại không gọi là đạo, mà gọi là phủ Trung Đô. 

Những giai thoại về quan Tuần phủ Hà Nội Trần Bích San ảnh 1Trường THCS Trần Bích San (Nam Định) được đặt theo tên vị quan Tuần phủ Hà Nội

1. Phủ Trung Đô gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Năm 1469, phủ Trung Đô được đổi tên thành phủ Phụng Thiên, nhưng  vẫn gồm 2 huyện trước đó. Mỗi huyện này được biên chế thành 16 phường. Như vậy, phủ Trung Đô (hay phủ Phụng Thiên) thời Lê bao gồm 32 phường. Đứng đầu phủ Phụng Thiên là chức quan Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Đức xưa gọi là Bệnh viện Phủ Doãn vì đây là dinh hành chính của quan Phủ Doãn). Nhưng lịch sử thay đổi, ngày 21-6-1802, Nguyễn Ánh chiếm được Bắc Thành (thành Thăng Long) đặt dấu chấm hết cho vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Cũng trong năm này, Gia Long quyết định không đóng đô ở Thăng Long mà chuyển vào Phú Xuân (Huế). Để quản lý một đất nước rộng hơn, Gia Long đã chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn). Từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Định thành gồm 5 trấn. Ở quãng giữa là các trấn độc lập gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận. Đất Kinh kỳ đặt 4 doanh gồm: Trực Lệ Quảng Đức doanh (tức Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh. Gia Long cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Phủ Phụng Thiên cũng đổi thành phủ Hoài Đức. Chức quan đứng đầu phủ này gọi là Tuyên Phủ sứ.  

2. Kinh đô xưa đã chuyển thành trấn thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì Thăng Long đã là cái tên đã có từ lâu đời, quen thuộc với dân chúng, thấy bỏ đi ngay không tiện nên Gia Long vẫn cho giữ lại nhưng đổi chữ “Long” với nghĩa là “rồng” thành chữ “Long” với nghĩa là “thịnh vượng”, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ  “Long” là “rồng”. Việc thay đổi diễn ra vào năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, xây thành mới với lý do “vua không đóng đô ở Thăng Long mà thành Thăng Long lại lớn rộng quá…”. 

Năm 1831, vua Minh Mạng (1820-1841) lại chia Việt Nam thành 29 tỉnh và 1 phủ là Thừa Thiên. Tỉnh Hà Nội bao gồm phủ Hoài Đức và thêm một số phủ khác, tổng cộng có 4 phủ và 15 huyện. Tùy theo số dân, đất đai, vị trí, Minh Mạng ghép 2 hoặc 3 tỉnh có một quan cai trị chung gọi là Tổng đốc. Còn quan đứng đầu tỉnh gọi là Tuần phủ. Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội và Ninh Bình là Nguyễn Văn Hiếu, vốn là võ tướng của triều Nguyễn. Vua Minh Mạng cũng không qui định một nhiệm kỳ của Tổng đốc, Tuần phủ  kéo dài bao lâu mà tuỳ theo sức khỏe và năng lực. Khi trong tỉnh xảy ra mất mùa (không phải do lũ lụt), dân đói mà tin đến tai vua thì Tổng đốc sẽ bị cách chức. Chức Tuần phủ Hà Nội thời Minh Mạng mỗi năm hưởng lương 300 quan (5 quan mua được 1 con trâu, 3 quan mua được 1 mẫu ruộng), 300 phương gạo (1 phương tương đương 30kg) và 50 quan tiền Xuân Phục (tức tiền áo quần). Sau thời Minh Mạng lương bổng của Tổng đốc rút xuống, số tiền dư ra  được chia thêm  cho các quan cấp dưới.

Những giai thoại về quan Tuần phủ Hà Nội Trần Bích San ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

3. Năm 1875, Trần Bích San (1838-1877) được bổ làm Tuần phủ Hà Nội. Ông quê Nam Định, đỗ Tam Nguyên năm 26 tuổi, được giữ lại làm quan trong triều vua Tự Đức. Có nhiều giai thoại về quan Tuần phủ Trần Bích San. Chuyện là khi linh mục Trần Lục  mới được phong làm Khâm sai Tuyên phủ sứ đã tới thăm Tuần phủ Trần Bích San và nhân dịp này cũng muốn thử tài nên ra một vế đối: “Ba cụ ngồi một cỗ, cụ đủ điều cụ chẳng sợ ai”. Vế đối thực sự rất khó vì có tới ba chữ cụ, lại có nghĩa khác nhau. 

Cụ có nghĩa là “cụ đạo”, cụ còn có nghĩa là “sẵn sàng” và “sợ hãi”, ý của vế đối vừa ngạo mạn, vừa đắc thế. Thấy ông im lặng, Trần Lục càng nài ép, cuối cùng ông đối lại: “Một đạo há hai đường, đạo trộm cắp đạo còn nói láo”. Chữ đạo đối với cụ rất hay, và chữ đạo cũng có nghĩa là “con đường” và “trộm cắp”. Nghe Trần Bích San đối, Trần Lục biết thâm ý bèn nín lặng vội vàng xin phép về nhà có việc. 

Vì làm Tuần phủ nên ông thường xuyên phải gặp người Pháp. Một lần Marie Jules Dupré vừa được thăng chức Phó Thủy sư Đô đốc đến thăm xã giao. Dupré đã dắt theo một con chó. Khi chủ và khách vừa ngồi chưa kịp chuyện trò thì con chó cũng tót lên ghế tiếp khách nằm. Trần Bích San cho rằng đó là dụng ý coi thường người Việt của Dupré nên đứng dậy phủi áo không tiếp rồi sau đó sai lính đánh chết con chó. Dupré bực tức nhưng không làm gì được, y hầm hầm bỏ về.  

Năm 1877, tại Paris có một cuộc đấu xảo lớn nên vua Tự Đức muốn đưa một đoàn ngoại giao sang Pháp và đã cử Trần Bích San tham gia. Biết phải qua Sài Gòn để đi nhờ tầu thủy sang Paris nên ông nghĩ Dupré sẽ trả thù, điều đó làm nhục quốc thể. Song lệnh vua lại không thể không đi và thế là ông đã tự tử bằng cách nuốt giấy bản có viết những lời lẽ trung quân, ái quốc rồi uống nước. Trước khi chết, ông dặn cấm người nhà không được khóc than. Tin quan Tuần phủ Trần Bích San tự vẫn lan ra khắp tỉnh, ai cũng tỏ lòng thương tiếc một vị quan tiết tháo.