Những đứa trẻ lớn lên cùng người mẹ sau song sắt trại giam

ANTĐ - Đằng sau hàng rào thép gai, những bức tường bê tông, những cánh cửa sắt, đội ngũ lính canh gác ở nhà tù Santa Martha Acatitla (TP Mexico City, Thủ đô Mexico) là một trường mẫu giáo với các bức tường vẽ màu sặc sỡ, đồ chơi và một nhóm trẻ đang chơi đùa tại hành lang. Tiếng cười đùa hồn nhiên của 50 đứa trẻ biến không gian nơi đây trở nên ấm áp, bớt đơn độc.

Đánh thức phần thiện trong mỗi người mẹ lầm lỗi

Nhà tù Santa Martha Acatitla là nơi giam giữ các phạm nhân nữ về tội giết người, buôn bán thuốc phiện, bắt cóc... Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là có khoảng 50 đứa trẻ đang sống trong nhà tù với những bà mẹ đang mang án tù. Chúng sống và đón nhận tình yêu thương từ những người mẹ tù tội cho tới năm 6 tuổi. Cuộc sống trong không gian đặc biệt này khiến bọn trẻ vừa mở mắt đã thấy song sắt, và những người lúc nào cũng mặc áo sọc. Nhưng bù lại, chúng được mẹ chăm sóc, yêu thương, vỗ về… Trong thời gian ở trại cùng mẹ, những đứa trẻ này được luật pháp đảm bảo việc nuôi dưỡng, dạy chữ như những người con của công dân bình thường. Cho đến tuổi đi học (từ 6 tuổi) thì chúng được chuyển tới các trung tâm xã hội hoặc đưa về cho người thân chăm nuôi.

Cứ 7 giờ sáng, cánh cửa ra vào của từng phòng giam trong nhà tù Santa Martha Acatitla được mở, hàng trăm phạm nhân nữ trong bộ quần áo tù màu xanh cùng những đứa trẻ lần lượt đi ra. 8 giờ 30 phút sáng, họ đưa con mình tới khu nhà mẫu giáo của trại, đến 2 giờ 30 phút chiều thì đón về. Thời gian còn lại của ban ngày, các bà mẹ sẽ dẫn con mình ra bãi tập thể dục, cùng nhau nô đùa. Tối đến những đứa trẻ lại được cho về với mẹ trong buồng giam khóa cửa.

Nữ phạm nhân Karina Rendon bị kết án 23 năm vì tội buôn bán ma túy trái phép đã sinh cô con gái Jaqueline Merlos Espericueta trong tù. Khi bị bắt, chị cũng không biết mình đã có thai. Bé Espericueta ra đời trong sự yêu thương của mẹ, của những cán bộ trại giam và những người bạn tù. Nhiều năm qua, bé không nhớ nổi mặt bố, bởi người cha cũng phải bóc lịch trong nhà tù. Sống chung với mẹ suốt 2 năm qua, bé Espericueta không hề biết rằng cả hai mẹ con bé đều đang sống trong nhà tù. “Con bé cứ nghĩ chốn này chính là ngôi nhà thân yêu của mình” - Rendon buồn bã cho biết. 

Theo Rendon thì các nữ phạm nhân có con nhỏ ở đây, dù đang bị tước mất quyền công dân nhưng quyền làm mẹ của họ thì vẫn được nhà tù đảm bảo. Sau khi nghỉ thai sản (theo luật chung của cả nước), các bà mẹ tiếp tục công việc lao động, cải tạo nhưng được sắp xếp làm những công việc nhẹ nhàng như quét dọn vệ sinh, làm bếp… để có thời gian chăm sóc con nhỏ. Đặc biệt, hàng ngày, lúc các bà mẹ đi làm việc thì con của họ được các bảo mẫu của “nhà trẻ dành cho con phạm nhân” chăm sóc. Tại đây, các cháu được chơi các trò chơi, học chữ, học hát… 

Sau cánh cửa phòng giam lạnh ngắt, bức bối và chật hẹp ấy, cứ tối tối lại rủ rỉ những lời ru con ngủ ngọt ngào của các bà mẹ. Trằn trọc những đêm thức trắng bên con, Rendon thầm nghĩ sau này có điều kiện hơn sẽ bù đắp cho con. Chị chỉ còn hy vọng sớm đưa con trở lại gia đình mình, để mỗi chiều con lại được vui sướng toét miệng cười, chân chạy thật nhanh ra cửa đón mẹ đi làm về; để con được thoải mái làm nũng với mẹ, chơi đùa cùng nhau; để con luôn cảm thấy an toàn và trọn vẹn yêu thương trong vòng tay của mẹ… Bỗng dưng Rendon lại ước bé Espericueta… khoan hẵng lớn, hãy kéo dài cái tuổi lên 6 của con ra và ước những ngày thơ dại của con đừng trôi quá nhanh trước khi chị được tại ngoại về với cuộc sống tự do.

Câu chuyện của người mẹ mang bản án giết con

Có lẽ trong những câu chuyện về nữ phạm nhân được hưởng chính sách nhân đạo này của pháp luật cảm động nhất là trường hợp của Cecilia Nava Lopez, 25 tuổi. Cecilia bị kết án 37 năm tù vì bị buộc tội gây ra cái chết của con gái. Cecilia bị tống giam khi đang mang thai một người con khác. Trong vụ án của Cecilia còn có nhiều khuất tất chưa được làm rõ, Cecilia luôn khẳng định mình vô tội. Tuy nhiên, hơn 2 năm trôi qua, vụ án của Cecilia vẫn bế tắc. Mang bản án “giết con”, người mẹ đau khổ Cecilia không ít lần tìm đến cái chết. Nhưng rồi chính đứa con trai đang chờ ngày chào đời đã níu kéo chị ở lại.  Và rồi, 2 mẹ con Cecilia tiếp tục sống trong cảnh tù tội. Việc được chăm sóc cậu con trai Emmanuel đã mang đến cho Cecilia một sức mạnh, thêm niềm tin vào ngày được minh oan vô tội. “Có thể tôi đã sai lầm, tôi chịu nhưng chỉ thấy ân hận nhất là làm khổ đứa con bé bỏng này. Ngày con ra đời, cũng khóc oe oe, đỏ hỏn nhưng lại chẳng được sống trong mái nhà tự do. Nhìn con lớn từng ngày, tôi càng cố gắng cải tạo để sớm được ra. Hiện giờ, tôi không thể xa con được. Con chính là niềm hy vọng làm lại cuộc đời của tôi...” - Cecilia trải lòng.

Hứa hẹn ngày mẹ con đoàn tụ

Từ trước tới nay, người ta vẫn cho rằng, môi trường nhà tù chưa và sẽ không bao giờ có thể là môi trường lý tưởng để một đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Chưa kể đến những điều kiện cần phải có cho sự phát triển bình thường của trẻ. Một tuổi thơ gắn với xà lim, song sắt với màu áo sọc tù nhân và những sinh hoạt của nhà tù sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm hồn và tâm lý của các em. Nhưng vượt lên trên quan điểm cố thủ đó, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Mexico đã đưa ra một chính sách vô cùng “sốc”. Luật pháp Mexico cho phép nữ phạm nhân sinh con trong tù. Đứa trẻ sẽ được sống và đón nhận tình yêu thương từ những người mẹ tù tội của mình cho tới năm 6 tuổi. Ngay sau khi luật này được ban hành, dư luận Mexico luôn ca ngợi đây là điều luật hết sức nhân văn của Chính phủ, giúp bọn trẻ được hưởng tình yêu của mẹ, thay phải vì sống cùng họ hàng - những người chưa sẵn sàng tâm lý đón nhận chúng. 

Còn Margarita Malo - quản giáo nhà tù Santa Martha Acatitla thì cho rằng, những đứa trẻ có tác dụng làm “thức tỉnh” phần thiện trong mỗi người mẹ từng phạm tội này. Theo cách phân tích của Malo thì việc được sinh con và được ở cùng con trong 6 năm ở nhà tù là nỗi xót xa tột cùng nhưng cũng là những ngày hạnh phúc nhất của một người mẹ từng lẫm lỡ. Sau 6 năm ấy là gì? Là những đau đớn của người mẹ khi phải đứt ruột rời xa con yêu. Nhưng chắc hẳn, tình mẫu tử sau song sắt vẫn bùng cháy ước vọng ngày về, níu cơ hội được làm lại thiên chức cao quý - làm mẹ… 

Còn những bà mẹ từng lầm lỡ thì vô cùng phấp phỏng, lo sợ đến ngày sinh nhật lần thứ 6 của con mình. Bởi đó là ngày mẹ con họ phải tạm chia xa. Đó cũng là ngày những đứa trẻ sau 6 năm sinh ra và lớn lên trong tù, ăn cơm tù, tuổi thơ trong tù… lúc này không còn nhận được sự chăm sóc từ mẹ và phải đối mặt với cuộc sống tự do bên ngoài xa lạ kia. Đêm ấy, cả mẹ và con thức trắng. Người mẹ ngồi ngắm nhìn con, nước mắt rơi, thì thầm to nhỏ những lời vỗ về, căn dặn đứa trẻ hãy cố gắng sống tốt, sống trong sạch, sống hạnh phúc khi không có mẹ bên cạnh. Còn đứa trẻ, ở cái tuổi lên 6 “ăn chưa lo nghĩ chưa tới”, chúng không quan tâm tới cuộc sống tự do ngoài kia sẽ là như thế nào, mà lúc này chỉ sợ phải xa mẹ. Trong phút giây quặn thắt ấy, người ta nghe thấy những tiếng thủ thỉ xen lẫn tiếng nấc nghẹn, mẹ hứa… con hứa… tới một ngày rất gần sẽ được đoàn tụ, cùng bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới.