Mùa xuân Tây Bắc và những dấu chân thầm lặng nơi biên cương… (Bài 3)

Những đứa con đặc biệt của người lính mang quân hàm xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm qua, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã được Bộ đội Biên phòng (BÐBP) triển khai trên khắp cả nước. Ngoài tính nhân văn sâu sắc, nó còn có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các chiến sĩ với đồng bào các dân tộc, xây dựng nền biên phòng toàn dân. Câu chuyện về những đứa con đặc biệt ấy làm chúng ta càng thêm tin yêu, cảm phục những người lính mang quân hàm xanh…
Thượng úy Lìu Láo Lanh dạy các em học sinh dân tộc học bài

Thượng úy Lìu Láo Lanh dạy các em học sinh dân tộc học bài

“Sau này con cũng làm bộ đội”

Theo thống kê của BĐBP tỉnh Điện Biên, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, BĐBP tỉnh hỗ trợ 73 em học sinh (trong đó có 66 em học sinh Việt Nam, 7 em học sinh Lào) với số tiền là 36,5 triệu đồng/năm (500.000đồng/em/tháng). Và các đồn biên phòng nhận nuôi 26 em theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Thiếu tá Trịnh Văn Thắng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Pha Phìn hiện đang là cha nuôi của 2 em nhỏ. Nếu tính tất cả từ trước đến nay thì anh đã làm cha của 4 em, trong đó 2 em đã trưởng thành.

Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, anh vẫn nói với giọng rất tự hào: “Cứ khi các con về thăm, nhìn chúng khôi ngô chững chạc tôi mừng vô cùng”. Tháng 10-2020 và đầu năm 2021, Thiếu tá Trịnh Văn Thắng lại đón thêm 2 đứa con về với đồn. Đó là em Ly A Chùa (SN 2009, trú tại bản Long Dạo) và Vàng A Ngọn (SN 2013, ở Bản Nậm Chinh). Cả 2 em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

“Sau khi làm đầy đủ các thủ tục, cả đồn háo hức chờ đón 2 con. Một bữa cơm nhỏ thịnh soạn được các bố chuẩn bị chu đáo. Món ăn cũng phải là món dân tộc mà các con thích. Từng bộ quần áo, từng cuốn sách chúng tôi phải tìm hiểu kỹ để làm sao các con thấy thoải mái nhất” - Thiếu tá Thắng kể lại.

Không dễ để một đứa trẻ gọi ai đó là bố, nhưng với tình cảm chân thành, lòng yêu thương, bao dung và kiên trì của mình, Thiếu tá Thắng và các đồng đội đã từng bước được các con yêu mến. Và chẳng biết từ lúc nào, câu gọi “bố ơi” đã thốt ra từ miệng những đứa trẻ vùng biên vốn vất vả, thiệt thòi. Cứ mỗi ngày học xong, các em lại được đón về đồn.

Sau bữa ăn tối, các bố phân công nhau kèm các con học. Sáng sớm, 5h30 các con dậy tập thể dục cùng các bố, ăn sáng và đi học. “Chùa học lớp 6 và Ngọn học lớp 2. Hai con đều học khá, chăm ngoan. Các con cũng biết ứng xử, có kỹ năng sống, không còn lơ ngơ như trước nữa. Từ khi có lũ trẻ, tiếng cười đùa của chúng làm ấm áp cả đồn. Lúc nào vắng chúng thì ai cũng thấy nhớ. Có lần 2 con học xong, chúng tôi xuống đón mà không thấy Ngọn đâu. Thế là mọi người túa ra khắp nơi tìm kiếm. Mãi gần 1 tiếng sau mới thấy con đang mải chơi bên suối. “Chú lính nhỏ” Vàng A Ngọn vừa thấy bố Thắng thì lao vào lòng tíu tít: “Bố ơi, bố ơi… Con chỉ thích ở đồn thôi. Lớn lên nhất định con phải làm bộ đội”. Lúc ấy vừa mừng, vừa giận, mà cũng chỉ biết ôm con và nước mắt cứ thi nhau rơi xuống.

Mô hình “Tay kéo biên phòng cắt tóc miễn phí” rất được các em học sinh dân tộc yêu thích

Mô hình “Tay kéo biên phòng cắt tóc miễn phí” rất được các em học sinh dân tộc yêu thích

Nâng bước em tới trường

Cùng với 3 chiến sĩ trẻ được mệnh danh là “tay kéo biên phòng” (chuyên cắt tóc miễn phí cho các em học sinh), chúng tôi được Thượng úy Lìu Láo Lanh - cán bộ Ban công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Tương (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) dẫn lên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương. Đường lên trường dốc ngược, xe máy cũng chỉ đi được nửa đường.

Vừa đi, Thượng úy Lanh vừa tâm sự: “Mình là người dân tộc Mông, nhà cách đồn khoảng 2km. Sau khi tốt nghiệp THPT, mình đã nỗ lực hết mình để được khoác bộ quân phục biên phòng. Ngày xưa mình cũng học ở những điểm trường thế này. Nhưng không được khang trang mà chỉ là những lều lán tạm. Lúc đó mình đã ấn tượng về những thầy cô dưới xuôi lên bám bản, đặc biệt là những người thầy mặc quân phục. Bộ đội Biên phòng đi khắp nơi khi bà con cần. Từ đó, mình luôn khao khát cháy bỏng được trở thành người lính đề về giúp đỡ quê hương. Điều đó bây giờ là sự thật, không phải ai trong đời có ước muốn cũng trở thành sự thật. Với mình, đó là điều hạnh phúc nhất”.

Giỏi tiếng Mông, am hiểu văn hóa bản địa, Thượng úy Lanh xung phong tham gia chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phát động và đã gắn bó với Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương 6 năm nay. Đây là mô hình được tính đánh giá cao và chuẩn bị nhân rộng. Thượng úy Lanh nhớ lại, những ngày đầu, học sinh trốn học đi chơi rất nhiều, thậm chí đi từ chỗ ăn ngủ sang chỗ học cũng “thất thoát” mất mấy em… Để thuyết phục các em thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải dùng cái lý, cái tình của người Mông để thuyết phục. Thượng úy Lanh khẳng định: “Nói đúng cách thì các em sẽ nghe ngay”.

Chuyện đau đáu với Thượng úy Lanh nhất là có nhiều em bỏ học giữa chừng. Có em nghỉ học để phụ giúp bố mẹ, có em nghỉ học để lấy chồng. Mỗi khi nhận tin có em bỏ học, người lính biên phòng ấy đã đi bộ từng km đường rừng, bất kể mưa hay nắng tìm đến từng nhà các em để tìm hiểu hoàn cảnh và vận động. “Nói một lần chưa nghe, hôm sau tôi lại đến. Nếu chưa nghe hôm sau lại đến tiếp… Tôi kể về câu chuyện của chính mình để đồng bào thấy tương lai con em chỉ có thể mở ra khi có cái chữ. Và cứ thế, nhiều em đã được trở lại trường. Nhìn các em được quay lại lớp, ôm lấy chúng bạn, tôi thấy hạnh phúc chỉ cần đến thế thôi” - Thượng úy Lanh nói.

Thầy giáo Lê Xuân Hiền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương cho biết, dù nhà cách trường có 2km, nhưng không mấy khi Thượng úy Lanh được về. Bám trường, hằng sáng Thượng úy Lanh đều đi các phòng hướng dẫn các em gấp chăn màn, sắp xếp quần áo, sách vở. Tối đến, anh cùng các thầy cô kèm học sinh những bài khó.

Trung tá Phùng Trọng Khiêm - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng Tương cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thì các chiến sĩ của đơn vị còn tham gia phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Cùng với việc thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn Biên phòng Chiềng Tương còn giúp đồng bào thực hiện tốt các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống. Các trường không xa, ở những con dốc, 2.000 gốc mận hậu đã thay thế cây ngô hiệu quả kinh tế thấp. Mùa thu hoạch, mận bán tại vườn đã có giá 50.000 đồng/kg, vì thế đời sống bà con được cải thiện rất nhiều.

Được học hành đầy đủ, đời sống được nâng cao là câu chuyện mỗi ngày ở vùng phên dậu Tổ quốc mà cả nước đều chung tay, góp sức. Trong đó, những người lính mang quân hàm xanh luôn thầm lặng đi đầu. Họ gác lại những niềm riêng vì hạnh phúc của nhân dân như nhà thơ Vũ Hiệp Bình từng viết: “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”…