Những đợt sóng từ tin đồn

ANTĐ - Ngày 19-8, lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần NHNN (NHNN) tiếp tục có những điều chỉnh về tỷ giá. NHNN vừa điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và tiếp tục nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Trước đó, NHNN đã nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Ngay lập tức, thị trường tài chính đã có những phản ứng mạnh mẽ.
Những đợt sóng  từ tin đồn ảnh 1

Ở phía thị trường chính thức liên ngân hàng cũng như tỷ giá chính thức cùng những giao dịch có giá trị lớn, diễn biến cho thấy những phản ứng thuận lợi, việc điều chỉnh tỷ giá ở các hình thức đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như điều kiện cần để nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, ở thị trường tự do cũng như ở các thị trường có tính đầu cơ cao, như thị trường vàng, thị trường chứng khoán,  với những hiệu ứng tin đồn, hiệu ứng đám đông đã có sóng lớn, những đợt sóng này hoàn toàn không đến từ việc điều chỉnh tỷ giá mà từ tin đồn, từ những đám đông xô đẩy kiếm lời cũng như chạy lỗ. Những chỉ số cũng như giá cả của các thị trường này không hề chỉ báo những biến động của nền kinh tế mà chỉ cho thấy các thị trường này đã rơi vào tình thế xấu, trở thành các thị trường đầu cơ ngắn hạn, rủi ro cao.

Thị trường tài chính ổn định sau điều chỉnh tỷ giá

Trong phiên giao dịch sáng ngày 19-8, ngay sau khi công bố điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, quy mô trên thị trường liên ngân hàng được cập nhật tới NHNN là khoảng 1,2 tỷ USD. Riêng con số này cũng đã vượt trội so với quy mô từ 500 - 600 triệu USD những ngày sau sự kiện nới biên độ tỷ giá từ 12-8 vừa qua. Trong lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 7-5-2015, quy mô giao dịch sau đó ghi nhận ở khoảng 700 triệu USD, đã được xem là sự cởi mở hơn của thị trường. Lần này, không dừng lại ở 1,2 tỷ USD, con số chốt giao dịch ngoại tệ các ngày 19-8  cho thấy sự đột biến tới gần 2 tỷ USD.

Thị trường đã có sự đồng thuận lớn về thanh khoản. Nói cách khác, đã có sự hài lòng sau các điều chỉnh của chính sách để có nhiều quyết định bán ra, tạo quy mô giao dịch lớn như vậy. Đó là phản ứng nhanh trên thị trường, một phần do thông điệp NHNN đưa ra đã giúp các thành viên xác định kỳ vọng của mình.

Điểm đáng chú ý nhất trong thông cáo nhà điều hành đưa ra là: với việc tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3%, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.

Trong thông điệp điều chỉnh kép ngày 19-8, NHNN đã xác định, việc điều chỉnh tỷ giá này không chỉ do  áp lực phá giá đồng Nhân dân tệ. Thay vào đó, cả trong thông cáo ngày 19-8 và trong lý giải của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, lý do trực tiếp là “tâm lý thị trường còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm điều chỉnh tăng lãi suất USD”.

Với lý giải đó NHNN đã xóa bỏ kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng từ chờ đợi “cú hích” lãi suất của FED. Nói cách khác, NHNN chủ động đi trước để xóa bỏ hoặc có thể hạn chế kỳ vọng thị trường đối với khả năng FED sẽ nâng lãi suất sắp tới, thay vì phải chống đỡ thụ động sau khi có tác động.

Ghi nhận ngày đầu tiên thực hiện điều chỉnh kép trên, ngày 19-8, thị trường đã diễn ra sôi động, đặc biệt là nguồn cung ngoại tệ đã chảy rất mạnh. Sau khi điều chỉnh, đồng USD ngay lập tức tăng vọt hơn 300 điểm, đạt đỉnh ở 22.420 trước khi lực bán xuất hiện khá mạnh, đẩy cặp tỷ giá lùi về 22.350-22.380 với thanh khoản cải thiện. Cuối ngày giao dịch, lực mua tăng dần trên thị trường liên ngân hàng đã đẩy USD/VND tăng trở lại quanh mức 22.390. Một mức tăng vừa đủ để không tạo sự biến động quá mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đặc biệt đã ảnh hưởng tốt đến xuất nhập khẩu theo hướng hạn chế nhẹ nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu hàng hóa. 

Để có một mặt bằng mới của tỷ giá, thị trường sẽ cần thêm thời gian để định hình, tuy nhiên có thể khẳng định mục đích chính của NHNN trong quyết định điều chỉnh kép lần này, là cải thiện thanh khoản thị trường, sẽ sớm đạt được. Trong báo cáo mới phát hành ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có 4 ngành được hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng đó là ngành dầu khí, dệt may, công nghệ và thủy sản.

Nguồn thu của các doanh nghiệp dầu khí chủ yếu bằng USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các cổ phiếu đáng chú ý có GAS, PVD, PVS. Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu xuất khẩu sang Hòa Kỳ, EU và Đông Á, việc tăng tỷ giá sẽ giúp hỗ trợ xuất khẩu. Các cổ phiếu đáng chú ý trong ngành này có VHC, FMC, IDI, HVG. Với ngành dệt may các cổ phiếu đáng chú ý có TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE.

Thị trường chứng khoán loạn giá

Ngay sau khi nhận được tin về việc NHNN điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, sáng ngày 19-8, thị trường chứng khoán Việt nam đã có một phiên sáng hỗn loạn cực đỉnh. Chỉ trong trong 3 giờ đồng hồ, VN-Index đã giảm 1,73%, chỉ còn 570,18 điểm, thấp hơn cả mức thấp nhất trong hai phiên trước. Nói theo kiểu thị trường là chỉ số này đã thủng đáy. Độ rộng thị trường thu lại rất hẹp với 153 cổ phiếu giảm/51 mã tăng.

Đà bán tháo phủ rộng khắp thị trường và đặc biệt mạnh ở các cổ phiếu blue-chips. VN30-Index giảm 1,58%, áp lực giảm ở các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí rất mạnh. Có thể coi đây là một phiên sáng lịch sử khi chỉ số VN-Index có thời điểm đã mất tới 12 điểm (2%). Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại rằng khi nâng tỉ giá sẽ làm các doanh nghiệp có liên quan trên sàn bị tác động trong thời gian sắp tới, đặc biệt là biên độ lợi nhuận một số công ty có liên quan xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, ngay đầu giờ chiều, khi có tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 19-8, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn liên quan đến tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, thị trường đã đảo chiều ngoạn mục. Những thông tin lan truyền khắp nơi về việc chuẩn bị ban hành các Thông tư hướng dẫn nới room đã kích động làn sóng mua vào trên toàn thị trường.

Mặc dù vậy chỉ những cổ phiếu kín room mới được mua mạnh nhất và bùng nổ nhất. Giao dịch tại các mã chứng khoán cực kỳ mạnh mẽ, do đây sẽ là những cổ phiếu hưởng lợi đầu tiên. Các cổ phiếu kín room khác vẫn sẽ phải chờ danh mục ngành nghề có điều kiện. Nhà đầu tư đã đổ xô vào các mã chứng khoán, tạo nên các đợt tranh mua trên diện rộng. Độ rộng thị trường chiều 19-8 khá hơn nhiều so với phiên sáng, ghi nhận 157 mã tăng/220 mã giảm. So với cuối phiên sáng, VN-Index đã tăng 1,32%, tăng thêm  thêm 8 điểm. 

Sang ngày 20-8 chứng khoán vẫn tiếp tục đỏ sàn với hướng đi xuống. Đó là khi các nhà đầu tư nhận thấy rõ Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-10-2015, thay thế Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 6-12-2012 vẫn chưa thực sự cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thả cửa mua cổ phiếu mà phải chờ đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành một danh mục các ngành nghề có điều kiện.

Danh mục này chắc chắc chưa thể ban hành trong tháng 8. Một thị trường vận hành bằng tin đồn, ứng xử theo đám đông thì kết cục rủi ro với các nhà đầu tư là rõ ràng. Những biến động của thị trường này có thể nói không liên quan gì đến việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ cả. 

 

Giá vàng biến động liên tục

 Ngay sau khi NHNN điều chỉnh và nới biên độ tỷ giá USD/VND, sáng 19-8, giá vàng SJC trong nước đã biến động liên tục. Trong thời gian từ 8 giờ đến 9 giờ, giá vàng đã tăng lên 35 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với chiều ngày 18-8.  Cụ thể, vào khoảng 8 giờ 30 giờ sáng tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng SJC ở mức 34,2 triệu đồng/lượng mua vào và 35 triệu đồng/lượng bán ra.

Cùng thời điểm tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 33,95 triệu đồng/lượng và 34,45 triệu đồng/lượng  tương ứng với mua vào và bán ra. Do giá vàng biến động liên tục nên để tránh rủi ro, các DN đã nâng giá chênh lệch giữa mua và bán lên rất cao, ở mức từ 500.000-800.000 đồng/lượng. Trong khi đó, mức chênh lệch này trong thời điểm thị trường ổn định chỉ khoảng 50.000 – 100.000 đồng/lượng. Lưu ý, giá vàng thế giới trong phiên 19-8 gần như không có sự thay đổi.

Sang ngày 20-8, giá vàng thế giới đã có phiên tăng 1,5%, nhưng giá vàng SJC sáng 20-8 chỉ tăng 200.000 đồng/lượng. Lúc hơn 9h sáng 20-8, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 34,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 200.000 đồng/lượng.

Tại thị trường TP.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 34 triệu đồng/lượng và 34,7 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng hiện vẫn đang ở mức cao, dao động từ 300.000-700.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang đứng cao hơn khoảng 3,8-3,9 triệu.

Mấy ngày qua, dư luận thị trường vàng tung tin đồn có người thu lãi tới 10 tỷ đồng trong một ngày khi bắt được sóng vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành vàng cho rằng đó là tin đồn nhảm. Thực tế, những nhà đầu tư vàng đang ôm lỗ nặng vì vàng mất giá mạnh và khi có sóng tăng cũng không thể lướt sóng vì xu hướng thị trường trong nước khác xa với thị trường quốc tế cùng sự điều hành quá chặt của các yếu tố chi phối. Việc nâng chênh lệch giữa giá mua và giá bán trên thị trường có lúc lên đến gần 1 triệu đồng/lượng, nghĩa là người vừa mua vàng đã phải chịu lỗ ngay 1 triệu/lượng. Làm sao có lợi nhuận nổi. 

Mặc dù có những biến động mạnh diễn biến thị trường và đánh giá của các chuyên gia về việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ giao dịch ngoại tệ là tích cực. Chúng ta có thể lấy đánh giá của hãng tin Bloomberg, một hãng tin uy tín bậc nhất trên thế giới về kinh tế, để kết luận: “Động thái chính sách ngày hôm nay là một bước đi nhanh chóng và tích cực nhằm phản ứng việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Với một động thái mang tính đón đầu, NHNN Việt Nam có thể đã tính tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 9.