Những điều cần biết về Hội chứng “Covid-19 kéo dài”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có những bệnh nhân ngay cả sau khi hết virus trong người vẫn còn các triệu chứng như khi nhiễm bệnh trong thời gian dài. Các nhà khoa học gọi đó là “Hội chứng Covid-19 kéo dài” và đang tiếp tục nghiên cứu về hội chứng này.
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 kéo dài, người bệnh cần liên hệ để nhận được trợ giúp y tế

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 kéo dài, người bệnh cần liên hệ để nhận được trợ giúp y tế

Các dấu hiệu của “Covid-19 kéo dài”

“Covid-19 kéo dài, còn được gọi là hội chứng hậu Covid, hay di chứng Covid là tình trạng bệnh nhân tiếp tục gặp phải các triệu chứng của Covid-19 sau khi cơ thể của họ đã sạch virus. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), di chứng Covid-19 là “các vấn đề về sức khỏe mới, quay trở lại hoặc vẫn đang diễn ra” do căn bệnh này gây ra hơn một tháng sau khi bị nhiễm bệnh.

Thông tin về những trường hợp bị “kẻ thù dai dẳng” Covid-19 ở Mỹ đã được ghi nhận cách đây hơn 1 năm và các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu, thu thập dữ liệu để đánh giá chính xác nhất ai có nguy cơ phát triển hội chứng này. Nghiên cứu cho thấy ngay cả những người bị Covid-19 thể nhẹ cũng có thể bị hội chứng Covid kéo dài. Một nghiên cứu cho thấy 27% bệnh nhân mắc Covid-19 không nhập viện có các triệu chứng dai dẳng và khoảng 75% bệnh nhân nhập viện phát triển Covid-19 kéo dài.

Theo CDC, di chứng Covid là một loạt triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng kể từ lần đầu tiên bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 hoặc có thể xuất hiện vài tuần sau khi nhiễm. Di chứng Covid có thể xảy ra với bất kỳ ai đã mắc Covid-19, ngay cả khi họ bị bệnh nhẹ hay thậm chí không có triệu chứng. Những người bị di chứng Covid nói rằng họ có những triệu chứng khác nhau sau đây: Mệt mỏi hay chóng mặt; Khó suy nghĩ hay tập trung (đôi khi còn được gọi là “sương mù não”); Đau đầu; Mất vị giác hay khứu giác; Choáng váng khi đứng dậy; Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực); Đau ngực; Khó thở hoặc hụt hơi; Ho; Đau cơ hay khớp; Trầm cảm hoặc lo lắng; Sốt. Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi hoạt động thể chất hay trí não.

Tiến sĩ Nasia Safdar, chuyên gia y tế về kiểm soát nhiễm trùng tại Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết, chìa khóa để nhận biết bệnh nhân bị di chứng Covid-19 là chú ý đến các triệu chứng mới xuất hiện hoặc những triệu chứng bệnh không mất đi sau khoảng 30 ngày sau khi nhiễm bệnh. “Những điều phổ biến nhất mà chúng tôi thấy là khả năng tập trung, trí nhớ, hay bạn có thể làm những công việc mà bạn đã từng làm trước đó. Cảm giác sương mù trí não liên tục khó có thể liên quan đến Covid-19, đặc biệt là sau khi bạn đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhưng đó lại là một trong những triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất trong những triệu chứng của Covid-19 kéo dài, cùng với đó là khó thở và mệt mỏi” - bà Safdar nói và nhấn mạnh rằng, những loại triệu chứng đó rất khó mô tả, nhưng những bệnh nhân nhận thấy rõ ràng sự thay đổi so với trước đây. Tiến sĩ Safdar đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên tìm trợ giúp về y tế bất cứ khi nào các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là phải được đánh giá nếu bạn đã hết nhiễm virus nhưng vẫn gặp khó khăn trong hoạt động như trước khi bị nhiễm bệnh.

Người bị “Covid-19 kéo dài” không thể lây truyền virus

Vì Covid-19 là một căn bệnh mới nên những tác động lâu dài của nó vẫn đang được nghiên cứu. Tiến sĩ Safdar nói: “Chúng tôi biết rằng ít nhất là sau 6 tháng, mọi người vẫn còn các triệu chứng. Vì vậy, nó có thể mất nhiều nhất là một năm và hy vọng triệu chứng này không lâu hơn thế”.

Một câu hỏi đặt ra là, nếu ai đó bị hội chứng Covid-19 kéo dài thì liệu người đó có thể là một nguồn lây nhiễm hay không? Câu trả lời là: Không! Một khi cơ thể bạn đã sạch virus và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, bạn sẽ không làm lây lan cho người khác. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa Hội chứng Covid-19 kéo dài hoàn toàn khác với tình trạng nhiễm Covid-19 lâu hơn bình thường bởi bệnh nhân ở tình trạng này virus vẫn hoạt động trong cơ thể. Tuy nhiên, lưu ý rằng mỗi người cũng có thể nhiễm Covid-19 nhiều lần và kết quả cho xét nghiệm âm tính không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ bị xét nghiệm dương tính nữa.

Tiến sĩ Safdar nói rằng, thực hiện các hành vi lành mạnh theo tiêu chuẩn như ăn thực phẩm bổ dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các chất kích kích như thuốc lá… có thể giúp làm giảm mức độ trầm trọng của chứng Covid-19 kéo dài. Bởi ngay cả những người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ cũng có thể là mắc di chứng kéo dài, do đó, theo bà Safdar, để có câu trả lời thỏa đáng cần phải có những nghiên cứu tiếp theo.

Tuy nhiên, tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể hữu ích trong các trường hợp bị hội chứng này, bà Safdar nói, đã có những trường hợp được ghi nhận các triệu chứng được cải thiện sau khi tiêm phòng ngừa và vaccine có thể thay đổi phản ứng miễn dịch cũng như can thiệp làm giảm các triệu chứng Covid-19 kéo dài. “Vaccine có tầm quan trọng đặc biệt, phục vụ hai mục đích, một là, bạn tiêm phòng để bảo vệ không bị nhiễm Covid-19, và thứ hai, đối với những người bị nhiễm bệnh, thì tiêm phòng sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của Covid-19 kéo dài” - Tiến sĩ Safdar nhấn mạnh.