Những điều cần biết về bệnh Thống phong (Gút)

ANTĐ - Dân gian ta từ lâu đã gọi bệnh gút bằng một tên khác là bệnh Thống phong, một trong những bệnh viêm khớp rất phổ biến ở độ tuổi từ trung niên trở lên. Như vậy, bệnh Gút hay Thống phong không phải là một bệnh mới, đó là một trong những bệnh khớp gây đau đớn nhất cho người bệnh. Loại bệnh khớp này do rối loạn chuyển hoá làm tăng acid uric trong máu, làm người bệnh đau sưng các khớp, cứng khớp, vận động đi lại rất đau đớn.

Thống phong (Gút) là gì?

Dân gian ta từ lâu đã gọi bệnh gút bằng một tên khác là bệnh Thống phong, một trong những bệnh viêm khớp rất phổ biến ở độ tuổi từ trung niên trở lên. Như vậy, bệnh Gút hay Thống phong không phải là một bệnh mới, đó là một trong những bệnh khớp gây đau đớn nhất cho người bệnh. Loại bệnh khớp này do rối loạn chuyển hoá làm tăng acid uric trong máu, làm người bệnh đau sưng các khớp, cứng khớp, vận động đi lại rất đau đớn.

Càng ngày càng có nhiều người mắc Gút?

Thực ra không phải vậy. Trước đây loại bệnh này ít được chú ý đến do thiếu thông tin từ khâu chẩn đoán, xét nghiệm và cũng do chưa tường tận được cơ chế gây bệnh. Ngày nay, với kỹ thuật xét nghiệm ngày càng hiện đại, với máy xét nghiệm sinh hoá máu, cho phép nhanh chóng đo được nồng độ acid uric trong máu, việc xác định bệnh Gút dễ dàng hơn.

Biểu hiện của bệnh Gút?

Biểu hiện thường thấy nhất là những đợt viêm cấp tính ở ngón chân cái và toàn bộ khớp bàn ngón chân. Người bệnh bị đau dữ dội, nhất là vào ban đêm, ngón chân có thể bị sưng to, phù nề, căng bóng... kèm theo tình trạng mệt mỏi, sốt, lo lắng, khát nước... Xét nghiệm máu vào thời điểm này cho thấy nồng độ acid uric trong máu tăng cao. Tiếp đó bệnh chuyển sang thể mạn tính với biểu hiện nổi u cục dưới da và viêm đa khớp mãn tính.

Ai thường hay bị mắc bệnh Gút

Thống kê cho thấy, nam giới dễ bị Gút hơn nữ, nhất là từ độ tuổi 40 đến 50. Nữ giới sau tuổi mãn kinh cũng dễ bị Gút.

Các nguyên nhân gây ra bệnh Gút?

Có rất nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố bẩm sinh tức là cá thể người đó bị di truyền cơ địa tăng tổng hợp acid uric trong máu. Hoặc do ăn nhiều dẫn đến cơ thể tăng cân quá mức làm tăng acid uric trong máu. Hoặc do ăn quá nhiều một số thức ăn có chứa nhiều purin như gan, lòng lợn, thận, nấm, tôm, cua, cá... làm tăng acid uric. Khi cơ thể thiếu enzym phân hoá purin thì nguy cơ lại càng tăng lên. Người nghiện rượu cũng có thể bị tăng acid uric vì rượu cản trở quá trình đào thải chất này ra khỏi cơ thể.

Điều trị bệnh Gút như thế nào ?

Thuốc được lựa chọn trong điều trị cơn Gút cấp là colchicin, liều dùng theo đơn của bác sỹ. Thuốc được uống sau bữa ăn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa. Ngoài colchicin có thể dùng các thuốc kháng viêm giảm đau nhóm không steroid (indomethacin, diclofenac, ibuprofen) nhưng tác dụng kém hơn. Không nên dùng các thuốc như  prednisolon, dexamethazon...

Điều trị hội chứng tăng acid uric máu: Sử dụng thuốc làm giảm acid uric máu gồm nhóm thuốc làm giảm tổng hợp acid uric như allopurinol, thiopurinol, thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành acid uric. Nhóm thuốc làm tăng phân huỷ acid uric là uricozym, đây là một men urat oxydase được chiết xuất từ nấm aspegilus flavus có tác dụng làm thoái giáng acid uric thành  allantoin. Allantoin có độ hòa tan gấp 10 lần so với so với uric và dễ dàng được thận đào thải. Uricozym làm giảm acid uric máu rất mạnh.

Làm gì để đề phòng bệnh Gút?

Cơn Gút cấp thường xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, rượu, chấn thương kể cả đi giày chật. Vì vậy, người bị gút không nên ăn quá 0,8g đạm động vật/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Không uống rượu, bia, uống nhiều nước > 2lít/ngày, nên uống các loại nước có bicacbonat. Định kỳ kiểm tra acid uric máu, dùng thuốc làm giảm acid uric máu như allopurinol, uricozym để duy trì nồng độ acid uric máu trong giới hạn bình thường. Không nên sử dụng các thuốc gây tăng acid uric máu như  thiazid, ethambuton, pyrazynamid, aspirin liều nhỏ.

Nếu có biểu hiện bệnh Gút hoặc nghi ngờ nên đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu định lượng nồng độ acid uric và có hướng điều trị thích hợp.