Những di tích, bảo vật của Thủ đô nghìn năm văn hiến: Dấu ấn văn hóa Hà Nội lưu giữ tại trấn Nam kinh thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kim Liên là trấn Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại vương. Đền Kim Liên hiện còn lưu giữ được tấm bia đá cổ được dựng từ năm 1772 khắc thần tích và bài minh ca ngợi Thần được soạn từ năm 1510 và 39 đạo sắc phong của các triều đại.
Đền Kim Liên tọa lạc ở số 148 phố Kim Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội)

Đền Kim Liên tọa lạc ở số 148 phố Kim Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội)

Đền Kim Liên hiện ở số 148 phố Kim Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội, là ngôi đền trấn giữ phía Nam trong tứ trấn linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa. Đền được xây trên gò đất cao - lưng rùa vàng (thần Kim Quy) giữa một vùng nhiều hồ ao. Xưa nơi đây có tên Ô Đồng Lầm - là cửa ngõ giao lưu vùng Sơn Nam về với Kinh thành. Giờ đây vùng đất trũng đã được san lấp để làm đường vành đai số 1 của Thủ đô Hà Nội.

Đền Kim Liên còn có tên là Đền Cao Sơn nơi thờ tự Cao Sơn Đại Vương tức Lạc tướng Vũ Lâm - con trai thứ 17 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Ngài theo cha lên núi và trở thành bộ tướng của Thánh Tản Viên (Sơn tinh). Cao Sơn Đại Vương đã cùng Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh cứu giúp muôn dân mang lại sự bình yên, an lạc cho trăm họ. Khi Thục Phán định mang quân tiến đánh cướp nước ta, Cao Sơn Đại vương đã cùng người em ruột thần Quang Minh chiếm giữ các nơi quan yếu chống trả quyết liệt với đội quân Thục Phán xâm lược, giữ vững đất nước của vua Hùng Duệ vương.

Năm 1509, Lê Mẫn (Uy Mục đế) hung bạo, thất đức muốn lật đổ vua Lê Tương Dực, cướp ngôi, khiến đất nước lâm vào cảnh loạn lạc. Hàng triệu người dân sống trong khốn cùng, tôn thất bị giết hại. Đức Vua Lê Tương Dực phải vào Tây Đô lánh nạn. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509) vua dấy nghĩa binh quyết khôi phục sự nghiệp của Cao Tổ.

Đoàn quân đến huyện Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình) nơi núi rừng rậm rạp bỗng gặp ngôi đền mái lợp tranh. Trong đền có tấm bia đá “Cao Sơn Đại vương”. Cả ba người ngạc nhiên, kính cẩn chắp tay cúi đầu cầu khẩn “Xin thần Cao Sơn Đại vương linh thiêng phù hộ cho chúng con trừ khử lũ bạo tàn cứu muôn dân khỏi khốn cùng”. Sau đó, không đầy 10 ngày đã quét sạch lũ hung bạo, xua tan bóng giặc nơi cung cấm.

Hiện nay, kiến trúc của đền gồm 2 phần, phần trước có trụ biểu, một sân gạch rộng. Đi hết khoảng sân, bước lên chín bậc gạch là phần kiến trúc chính của đền, nằm trên gò đất cao. Nơi đây có nghi môn, đại bái và hậu cung. Trong nghi môn, họa tiết trang trí rất sinh động, công phu. Nhà đại bái gồm 5 gian. Hậu cung là nếp nhà 3 gian, gian ngoài cùng có bệ cao để đặt hương án, gian thứ hai xây bệ cao đặt long ngai và đồ tế khí. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng vương công chúa - con gái vua Lê và Huệ Minh công chúa).

Di vật quan trọng nhất của Đền Kim Liên là tấm bia đá rất lớn bên cây si có gốc to hơn chục người ôm. Bia có khắc: “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn Đại vương. Trong đền còn có 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại vương (26 sắc phong thời Lê Trung hưng, 13 sắc phong thời nhà Nguyễn).

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Kim Liên là cơ sở cách mạng. Nhiều nhà lãnh đạo Đảng ta thường qua lại và ở đây. Các đồng chí, như: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, Trần Vỹ, Trần Sâm… thường xuyên lui tới. Nơi đây còn là ATK (an toàn khu) của Mặt trận quân sự Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954).

Đền Kim Liên là di sản văn hóa vật chất đặc trưng biểu hiện khía cạnh văn hóa tâm linh của người Việt. Vào những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng nhất là ngày 16-3 âm lịch (ngày sinh của thần Cao Sơn Đại vương) người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội đón rước người dân cả nước về dự lễ hội cùng tế lễ tưởng nhớ công ơn của thần Cao Sơn và cầu xin thần ban cho niềm vui an lạc trong cuộc sống thanh bình. Ngày 9-1-1990, Đền Kim Liên đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật cấp quốc gia.