Những dấu hiệu bất ngờ của căng thẳng

ANTĐ - Mỗi người có phản ứng với stress khác nhau, vì thế, các chuyên gia đã phát hiện ra một số điều ngạc nhiên thú vị là căng thẳng có thể đi kèm với những triệu chứng không mấy liên quan như mỏi cổ, sâu răng, phát ban… Hãy tìm hiểu những tín hiệu S.O.S. cơ thể nhắc nhở mà chúng ta không nên bỏ qua.

Mỏi cơ bắp

Đau cổ là triệu chứng thường được gán cho việc ngồi trước máy tính quá lâu nhưng đôi khi lại là biểu hiện của stress. Căng thẳng chắc chắn ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương của chúng ta, kết quả là làm cho cơ bắp co thắt nhiều hơn. Nếu cảm thấy có dấu hiệu này, bạn có thể thở sâu 5-10 lần, xoay cổ nhẹ nhàng hoặc tranh thủ nhờ ai đó bóp vai.

Co thắt mí mắt

Với một số người, hiện tượng nháy mắt nhiều một cách không chủ ý có thể do căng thẳng. Khi đó, hãy nhắm mắt lại và hình dung nơi khiến bạn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất. Ngoài ra, cần tránh gây căng thẳng cho mắt, chẳng hạn cứ 20 phút lại dừng máy tính, nhìn ra ngoài cửa sổ để thu nhận cảnh quan lớn hơn.

Sâu răng

Thường sâu răng là do vấn đề vệ sinh răng miệng nhưng căng thẳng cũng có thể là thủ phạm gây sâu răng, đặc biệt khi bạn có thói quen nghiến răng (kể cả ban ngày hay ban đêm). Theo chuyên gia, thói quen xấu này có thể làm ăn mòn răng, làm cho răng dễ bị sâu. Vì thế, nếu cảm thấy triệu chứng nghiến răng gây phiền toái, khó chịu, hãy gặp nha sỹ để có giải pháp bảo vệ răng.

Phát ban

Nghe có vẻ lạ, nhưng làn da lại là thước đo khá chuẩn về mức độ căng thẳng của mỗi người. Người nào căng thẳng quá có thể phát hiện những đốm đỏ hoặc phát ban trên bụng, lưng, cánh tay và khuôn mặt. Giới khoa học vẫn chưa biết tại sao xảy ra điều này nhưng có giả thuyết rằng căng thẳng kích hoạt hệ thống miễn dịch – histamine được sinh ra, gây ra các vết ngứa. Vì vậy, mỗi khi cảm thấy mức độ căng thẳng tăng lên, hãy đặt tay lên rốn, hít thở sâu 5-10 nhịp để cảm nhận bàn tay căng ra, thu vào theo nhịp hít - thở.

Buồn ngủ

Đờ đẫn, buồn ngủ - đó có thể là dấu hiệu căng thẳng. Kích thích tố căng thẳng làm tăng adrenaline trong cơ thể khiến người ta dễ buồn ngủ. Bên cạnh đó, sự căng thẳng cũng sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ, nên bạn thức dậy sẽ cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh. Để khắc phục điều này, hãy tạm gác công việc, đi ngủ sớm hoặc chợp mắt 30 phút buổi trưa, trở lại với công việc bạn sẽ thấy tập trung, năng suất hơn.

Hay quên, nhầm lẫn

Bất kỳ người nào đang cố gắng giải quyết tất cả công việc dồn lại cùng lúc cũng sẽ khó tập trung, gặp vấn đề về bộ nhớ. Nghiên cứu cho thấy stress mãn tính có thể khiến cho kích cỡ của vùng hippocampus, phụ trách mảng ghi nhớ bị thu hẹp lại, nhưng khi mức độ căng thẳng giảm, nó sẽ trở lại bình thường. Muốn giữ cho bộ não của bạn hoạt động ở mức tối ưu, khi thấy các dấu hiệu đầu tiên của căng thẳng, hãy tập thể dục như dạo bộ, đi cầu thang… Ánh sáng mặt trời và vitamin D cũng giúp cơ thể cải thiện tâm trạng và hệ thống miễn dịch một cách đáng kể.