Công an Hà Nội với chiến thắng điện biên phủ trên không:

Những cuộc đời trọn vẹn

ANTĐ - LTS: Đúng dịp kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, phóng viên ANTĐ gặp Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc CATP Hà Nội khi ông đến thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Bia liệt sỹ Công an Thủ đô. Với tấm lòng trân trọng, ANTĐ xin giới thiệu đến bạn đọc một phần hồi ức của ông về những tháng ngày bi tráng năm xưa.

Công an Hà Nội cứu dân sau một trận bom Mỹ tại phố Khâm Thiên

Trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng có miền ký ức không thể phai mờ.

Tháng Chạp năm 1972, để gây sức ép với ta tại cuộc đàm phán bốn bên ở hội nghị Paris, Mỹ mở đợt không kích bằng máy bay chiến lược B52 bắn phá ác liệt vào các thành phố đông dân cư như Hải Phòng, Hà Nội.

10 giờ sáng 26-12-1972, khi ấy tôi cùng đồng đội vừa giải quyết công việc vừa trực chiến, thì được triệu tập họp khẩn nghe cấp trên thông báo: theo tin tình báo của ta và đặc biệt là của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu QĐND, có nhiều khả năng trong đêm đó B52 sẽ đánh phá nội thành, vì vậy cán bộ, chiến sĩ phải tập trung 100% quân số làm nhiệm vụ. Tăng cường xuống các đồn cùng lực lượng cảnh sát khu vực vận động nhân dân sơ tán triệt để nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Yêu cầu đặt ra là tổ chức lực lượng ứng trực ở quận, đồn, trạm;  Tuần tra canh gác nhất là những cơ sở đã sơ tán, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Chuẩn bị phương tiện sẵn có sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu sập, cứu thương. Giữ vững thông tin liên lạc thông suốt từ trên xuống dưới và giữa các tuyến để khi cần chi viện cho nhau và chờ lệnh mới.

Quả đúng như dự báo, đêm 26-12-1972 nhiều tốp máy bay B52 đã rải thảm bom xuống phố Khâm Thiên làm sập hàng trăm ngôi nhà. Nhiều đoạn phố bùn đất, gạch ngói phủ dày tới nửa mét…

Lực lượng Công an, bảo vệ dân phòng ngay sau loạt bom đạn vừa dứt đã triển khai đội hình cứu sập, cứu và bảo vệ tài sản cho dân, đã cứu được hàng trăm người thoát chết và nhiều người bị thương chuyển về trạm xá, bệnh viện để cứu chữa.

Trong đợt bom B52 đó, 4 chiến sĩ CAQ Đống Đa hy sinh đó là: đồng chí Thiếu úy Tô Đình Tường, Trưởng đồn Khâm Thiên, đồng chí Đinh Văn Liên, chiến sĩ, hai đồng chí Hoàng Đình Mừng, Phan Sĩ Hợp là cán bộ của đội quản lý trị an tăng cường cho Đồn Khâm Thiên làm nhiệm vụ đã anh dũng hy sinh. 

4 giờ sáng 26-12-1972 tôi và hai đồng chí làm nhiệm vụ cứu sập được lệnh cấp trên trở lại bệnh viện Nam Đồng chuyển thi hài đồng đội về công an quận để khâm liệm chuẩn bị cho lễ truy điệu sáng hôm sau. Khi chúng tôi xuống bệnh viện, nơi để hàng trăm thi hài các nạn nhân, do điện bị mất chúng tôi phải dùng đèn dầu, đèn nến soi từng thi thể và tìm được đồng đội mình chuyển về quận trước 5 giờ sáng.

Quên sao được hình ảnh của buổi lễ truy điệu đơn giản với vài ba vòng hoa trước linh cữu của 4 liệt sĩ. Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố lúc đó là bác sĩ Trần Duy Hưng và nhiều đồng chí dự lễ đã không cầm được nước mắt xúc động tiếc thương tiễn đưa các anh về nghĩa trang Văn Điển. Ngay sáng hôm sau tôi được Ban chỉ huy CAQ Đống Đa giao nhiệm vụ về quê hương các đồng chí liệt sỹ để báo tử và làm công tác tư tưởng với gia đình. 

Lúc đó đang là thời chiến, hoàn cảnh gia đình các đồng chí đó rất nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Các đồng chí hy sinh để lại bố, mẹ già, vợ dại, con thơ. Riêng đồng chí Liên ở Ninh Bình là chiến sĩ trẻ chưa lập gia đình, bố là liệt sỹ chống Pháp, đồng chí Liên là con một. Khi nghe tin con mình hy sinh, mẹ đồng chí đó đã ngất lịm, chúng tôi chờ mẹ đồng chí Liên tỉnh lại mới chia buồn và nói với bà những lời đau xót mà trong lòng cũng thấy xót xa.

Chúng ta không thể nào quên, giờ đây đất nước thanh bình, cuộc sống của cán bộ và nhân dân ngày một khá lên, một phần nhờ sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ đi trước. Tôi được biết trong tháng 11-2012 Đảng ủy, Ban chỉ huy CAQ Đống Đa đã vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp được 180 triệu đồng và đã tổ chức xây nhà tình nghĩa cho Liệt sỹ Phan Sỹ Hợp ở Nông Cống, Thanh Hóa, đồng thời đến thăm và gửi tặng quà cho 3 gia đình liệt sỹ Tô Đình Tường, Hoàng Đình Mừng, Đinh Văn Liên.

Giờ đây danh bia Liệt sỹ CAND Thủ đô được đặt trong khuôn viên Bảo tàng 67 Lý Thường Kiệt, ngay sát phòng đặt làm trụ sở của CLB sĩ quan hưu trí Công an thành phố. Hàng ngày nhìn danh bia các anh và làn khói hương tưởng niệm, tôi thấy như hình ảnh các anh - những người bạn, những đồng chí thân thương hiện về, nhắc nhở chúng tôi những thế hệ công an nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” cũng như những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự Thủ đô hãy giữ tấm lòng trong sáng, thủy chung, nghĩa tình trọn vẹn...