Những con số đau lòng

ANTĐ - Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2014, có 7 Thứ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải được phái đi “vi hành” các tỉnh nhằm mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). 

Nhưng rồi dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất cụ thể nhằm đảm bảo giao thông an toàn trong những ngày Tết, dù Chủ tịch UBND các tỉnh đưa ra cam kết hạn chế tối đa tai nạn giao thông, thì trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 28-1 đến 4-2), cả nước vẫn xảy ra 530 vụ̣ TNGT làm chết 286 người, bị thương 563 người. Giao thông đường bộ xảy ra 522 vụ tai nạn làm chết 246 người, bị thương 562 người; Đường sắt xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; Đường thủy nội địa xảy ra 1 vụ làm 1 người chết. So với năm 2013 tăng 161 vụ, giảm 56 người chết và tăng 230 người bị thương̣ thương. Riêng trong ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, số người chết tăng cao bất thường trong toàn đợt cao điểm Tết. (mùng 4 có 49 người chết và mùng 5 có 41 người chết vì TNGT).

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đến tận giường bệnh thăm hỏi người bị tai nạn giao thông

Tình hình “nóng” khiến ngay chiều 3-2, Ủy ban ATGT quốc gia đã phải có công điện khẩn gửi các địa phương nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Ủy ban ATGT cũng yêu cầu lực lượng CSGT phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy… 

Theo báo cáo công tác y tế trong 8 ngày Tết, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tiếp nhận khám, cấp cứu cho 153.803 lượt người bệnh, tăng hơn gấp 2 lần so với dịp Tết năm 2013. Tổng số ca khám cấp cứu do TNGT cũng tăng từ 25.502 lượt (trong 6 ngày Tết năm 2013) lên là 35.771 lượt. Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ trong 5 ngày Tết, bệnh viện tiếp nhận 749 trường hợp cấp cứu, trong đó hơn một nửa (409) ca TNGT.  Một con số quá khủng khiếp, nhưng cái chết đó càng đau thương hơn khi xảy ra trong những ngày đúng ra là đoàn tụ, đầm ấm. Ngày Tết thành ngày tang tóc, đau thương.

Năm nay, theo Ủy ban ATGT quốc gia, tai nạn chủ yếu là do xe máy đâm nhau, mà nguyên nhân xe máy đâm nhau là do người điều khiển say xỉn rượu bia. Không chỉ thanh niên, người lớn tuổi uống rượu điều khiển xe cũng không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người, điều khiển phương tiện tốc độ cao, thiếu quan sát nên gây tai nạn. Vui ngày Tết, hứng khởi ngày Xuân đã khiến nhiều người không chấp hành các quy định về ATGT nhất là khi thấy vắng bóng CSGT hay những nơi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên địa bàn như các tỉnh lộ, huyện lộ… Việt Nam ta mỗi năm tiêu thụ cả tỷ lít bia, chưa kể rượu các loại, đã thuộc “ đẳng cấp”  bậc cao của thế giới. Và tất nhiên hậu quả của rượu bia trong khi tham gia giao thông thì ai cũng rõ. Đó là TNGT! Đó là sự coi thường tính mạng của chính bản thân họ và gián tiếp đe dọa sinh mạng của những người khác cùng lưu thông trên đường.

Thật khó để trách cứ ngành giao thông hay bất cứ người đứng đầu địa phương nào, một khi bản thân người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cứ tự cho phép mình coi thường mạng sống của bản thân và người khác khi nốc rượu bia say xỉn, rồi lái xe theo kiểu… tự sát. Các con số về TNGT trong những ngày Tết vừa qua cho thấy rõ điều đó. Mới hay TNGT sẽ còn tiếp tục khi mỗi người không tự ý  thức bảo vệ mạng sống mình.