Những con đường Hà Nội

ANTĐ - Hà Nội hôm nay có bao nhiêu con đường? Ai đi hết những con đường Thủ đô sau hơn 6 năm mở rộng? Với tôi, những con đường Hà Nội không chỉ trên mặt đất, bản đồ ...
Những con đường Hà Nội ảnh 1
Ảnh: Na Sơn

Từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội sau 2 tuần công tác, tôi chạm vào kỳ đẹp nhất mùa Thu: tháng Mười.

Cữ tháng Mười về cuối năm, đi đường, tôi hay ngước lên, gió thổi vàng áo phố. Qua Hàng Khay sáng 29-9, nam công nhân đứng trên xe cẩu lắp đèn trang trí; nữ công nhân đang chăm sóc cỏ, vườn hoa bên phố Lê Thái Tổ. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm -nơi hội tụ muôn người mỗi khi về Hà Nội dịp lễ, Tết, Xuân về. Km số 0 tính từ Bưu điện Hà Nội tỏa ra những con đường phả từ linh hồ nguồn long mạch Đất Thánh. Tốc độ phát triển đô thị ào ạt, giữa những chen chúc xâm lấn, nhiều ao hồ Hà Nội đã mất. Hồ Tây, hồ Gươm - hai hồ thiêng của Thăng Long bé lại. Dù lắm chuyện đảo lộn, đổi thay, thì cách gọi “Bờ Hồ” vẫn mặc định chỉ hồ Gươm, thành tên bưu điện trung tâm, gợi nhớ Bách hóa thời bao cấp. Hoàn Kiếm - hồ duy nhất Việt Nam đan lồng truyền thuyết và lịch sử trong hồ sơ sức sống thành phố hơn ngàn năm tuổi xuyên huyết mạch dân tộc.

Phố ngạt hơi người, khói xăng xô bồ ngột thở đan bàn cờ, cố giữ những hàng cây quanh năm chịu đựng.

Một đời cây có thể là mấy đời người. Đâu chỉ người già mới sống bằng ký ức.

Từ một năm nay, VTV1 phát loạt phim tài liệu ngắn Ký ức Việt Nam về Hà Nội thời chiến tranh, bao cấp. Khoảng trên dưới 40 năm trước, Hà Nội nghèo nhưng đẹp hơn bây giờ. Quang cảnh đường phố sạch hơn, đi lại từ tốn hơn, ăn mặc thanh lịch hơn. Lùi thời gian 70 năm, hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945, phụ nữ Hà Nội mặc áo dài, tóc cặp - vấn óng ả, thanh niên, đàn ông đô thị đầu chải bóng, đội mũ cát, mặc kaki trắng. Dẫu đây đó vẫn còn lố lăng như Vũ Trọng Phụng miêu tả trong Số đỏ, thì nhìn chung ảnh hưởng của văn minh Pháp hòa với nếp Tràng An được thẩm lọc, gìn giữ, vẫn khiến Hà Nội đẹp kiểu mẫu toàn diện nhất các đô thị Việt Nam. Sự lai căng, lố lăng, biến tướng hôm nay, quả là gấp trăm ngàn lần thời “Xuân tóc đỏ”. Những thanh niên tóc đỏ, vàng, nâu, trắng, xanh, cạo trọc và để chỏm... ngổ ngáo trên đường Hà Nội đương thời, chắc đâu có một giây thương Hà Nội mất mát? Hà Nội bây giờ tràn ngập cầu vượt, có thêm cầu vòm đầu tiên tiên bắc quan sông Đuống, lại đang xây đường sắt trên cao. Song không cây cầu nào nối Hà Nội về vẻ đẹp hoàn nguyên kinh kỳ kiêu sang, thanh quý tinh tế, hào hoa Bắc Hà vang bóng.

Tâm hồn Hà Nội không phải “mộc mạc thôi“ như lời bài hát Hà Nội và tôi của Lê Vinh. Nếp cư xử của người Hà Nội đâu chỉ là “chân tình” như “công thức giáo dục” được đưa vào các trường trung học phổ thông. Sự lịch lãm, khéo léo, tế nhị, nếp sống Hà Nội cổ hằng lưu đọng cổ văn, nơi các tác phẩm nghệ thuật, trong lối sống lớp người gia giáo đã thành hệ quy chiếu truyền đời. Tại sao hệ vẻ đẹp tinh thần ấy bị xói mòn, hao hụt: món ăn, cách ăn, đi lại, nói năng, cử chỉ? Vì cuộc sống khó khăn, áp lực mưu sinh, dân nhập cư quá tải ư? Không hẳn. Hay vì những người biết yêu, biết sống cho Hà Nội chẳng còn nhiều? Lại đụng đến khái niệm người Hà Nội, đa số cho rằng: người Hà Nội là người đang có hộ khẩu, đang sống tại Hà Nội. Nhưng Hà Nội đã mở tới Hòa Bình, thì xác định hộ khẩu đâu phải lẽ? Giọng nói Hà Nội thanh nhẹ, truyền cảm vốn dĩ; nay nếu chỉ nghe trên phố phường, quán xá, thì sự “đa thanh”, tiếng địa phương các vùng át tiếng kinh kỳ. Nếu cứ dùng thuyết “đa số hơn thiểu số”, thì người Hà Nội cũ, người yêu Hà Nội thanh quý, nhuần nhị, kiêu sang, sẽ thật ít ỏi, lẻ loi!

“Thành phố vì hòa bình” mỗi năm lại có đợt đặt tên phố. Nhiều ngõ, đường làng ngoại ô lên đời phố, khi huyện thành quận, cánh đồng thành các cao ốc, chung cư, không ít nghệ sĩ, chí sĩ là người Hà Nội, có công với Hà Nội, chưa được đặt tên. Danh họa Bùi Xuân Phái

(1920 - 1988), sinh thời sống ở 77 Thuốc Bắc, chuyên vẽ phố cổ Hà Nội, lại được đặt tên đường tận khu đô thị Mỹ Đình 2, gần phố mang tên nhạc sĩ miền Nam Lưu Hữu Phước. Thành phố cổ nhất nước Việt Nam, là trung tâm chính trị, hành chính, nhưng hơn hết cần mãi giữ vị thế là thành phố văn hóa.

Điệp âm Quá khứ - Hiện tại - Tương lai đồng thanh làm nhạc điệu phố phường trong hiệu lệnh mùa Thu lịch sử: 60 năm thế kỷ 20, tròn một vòng hoa giáp. Cầu Long Biên hơn trăm tuổi, lâu nay chỉ dùng cho xe đạp, máy, những người đi bộ, đang dựng lại Cuốn phim 1954: Bộ đội hành quân trở về thành phố trong sự đón chào hân hoan của người dân Hà Nội. Hàng ngàn thiếu nữ áo dài vẫy hoa. Nụ cười chan hoà những gương mặt không hạn tuổi. Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam đã tiên cảm ngày chiến thắng thực dân Pháp của quân đội Việt Minh, và sự thật xảy ra đúng lời hát Tiến về Hà Nội: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón chào nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh“. Và nữa, rộn ràng tráng khí và mơ mộng ca khúc bất hủ Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi: “Hà Nội vui sao/, Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng, đây ô Cầu Dền, Hà Nội tươi thắm/ Sống vui phố hè/ Bồi hồi chàng trai, Nhớ đôi mắt nào/ Quanh co - chênh vênh rộn ràng Đồng Xuân/ Xanh tươi bát ngát Tây Hồ/ Hàng Đào ríu rít Hàng Đường Hàng Bạc Hàng Gai“...

Hà Nội còn một cửa ô duy nhất: Ô Quan Chưởng, các ô khác chỉ còn tên, địa điểm... Dây điện hạ ngầm làm phố bớt mạng nhện, để có khoảng không mà nhìn “mây đầu ô” như Quang Dũng viết gần 30 năm trước. Hà Nội đầu 1954 những cửa ô tiễn bà con đi tản cư. Tháng Mười, những cửa ô lại đón nhân bộ đội về tiếp quản vào mùa Thu hoà bình độc lập.

Oái oăm và đau đớn thay, ở kinh đô 1.004 tuổi mật độ dân số và trên 5.000 di tích cùng dày đặc, có di sản văn hoá, di sản phi vật thể thế giới, ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường nét cổ kính đồng thuận sự thản nhiên, vô cảm gia tăng, tỉ lệ nghịch với độ xuống cấp các công trình kiến trúc, dấu tích xưa, nên hiếm hoi sự trầm mặc nên thơ, lãng mạn.

Lọc gió heo may ám mùi khói xe, gắng tĩnh lòng hít hương cốm ngọc xanh ấp lá sen ngón búp măng muốt dịu. Lá vàng bay thả phố mướt hồ xanh: “Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim. Hà Nội mùa Thu, ôi xao xuyến trong lòng ta“.

Hà Nội là đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ đa lĩnh vực trong nước và quốc tế. Mỗi người yêu thành phố đều có một đến nhiều “chân dung” Hà Nội của riêng mình và dung nhan Hà Nội đọng lại nơi tâm trí triệu người, là mỹ dung với độ sâu thiên niên kỷ của trầm tích văn hoá, những thanh âm ánh sáng.

Mỗi con người chúng ta đã, đang, sẽ đi, sẽ có vô số con đường. Đường thực địa, đường trên mặt đất, đường thuỷ, đường không, đường ký ức, đường tâm hồn, đường suy tưởng, đường ước mơ, đường chiêm bao, trong đường số phận của những cuộc đời. Di chỉ văn hoá mà ta truyền lại cho con cháu, gồm những kỷ vật sở hữu riêng và những kỷ niệm, tin yêu, quan niệm ý thức, sự hiểu biết.

Đất thiêng Thăng Long - ngôi sao lớn nhất, sáng nhất trên vòm sao Việt, của tôi, của anh chị, của những con Rồng cháu Lạc, những ai yêu Hà Nội, thật lớn lao và bé nhỏ. Lớn lao, kì vĩ trong tầm vóc và bé nhỏ, máu thịt trong kỷ niệm riêng. Mở lòng tay giữa không gian linh thiêng thơm hương lịch sử và khát vọng, bàn tay có hương thơm, hồng cầu ấm nắng, sáng lên ngón cánh sao đưa lên cao ôm Ngôi sao Hà Nội.

2.10.2014