Những cổ vật quý vừa được tìm thấy tại di chỉ Óc Eo và giá trị nổi bật để trở thành Di sản thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 4 năm tiến hành khai quật khảo cổ học và nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố toàn bộ việc thực hiện Đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa. Đây là đề án khoa học có quy mô lớn, được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện từ năm 2017 - 2021. Cùng gia thực hiện Đề án này có 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam đó là: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Óc Eo- nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS.TS Bùi Nhật Quang cho biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” gọi tắt là Đề án Óc Eo.

Đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa do 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam đó là: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa do 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam đó là: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Nhiệm vụ chính của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt là cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.

Những hiện vật vô giá được tìm thấy qua cuộc khai quật khảo cổ học ở Óc Eo và Nền Chùa từ 2017-2021

Những hiện vật vô giá được tìm thấy qua cuộc khai quật khảo cổ học ở Óc Eo và Nền Chùa từ 2017-2021

Kết quả khai quật đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.

Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng đã phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.

Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, Việt Nam và khu vực, có liên quan mật thiết tới lịch sử hình thành, phát triển của vương quốc Phù Nam vào đầu Công nguyên.

Nền văn hóa Óc Eo với khái niệm và nội hàm của “Văn hóa Óc Eo” lần đầu được phát hiện bởi L. Malleret (L. Malleret, 1959). Thông qua cuộc khai quật lịch sử vào mùa khô năm 1944 và những nghiên cứu tập trung ở miền Tây sông Hậu, nền văn hóa này khi đó được xác định là nền tảng vật chất, là “bộ phận biển” của vương quốc Phù Nam và tồn tại gắn liền với vương quốc này khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 7.

Nhẫn bò Nandin bằng vàng vừa được công nhận Bảo vật quốc gia cuối năm 2021

Nhẫn bò Nandin bằng vàng vừa được công nhận Bảo vật quốc gia cuối năm 2021

Có thể nói, L.Malleret là người có công đầu trong việc đặt nền tảng nghiên cứu về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, Việt Nam. Trong những công trình nghiên cứu của ông bước đầu đã làm rõ nhiều vấn đề cơ bản của nền văn hóa này như nguồn gốc hình thành văn hóa Óc Eo, nhận diện các vấn đề quan hệ thương mại biển, quan hệ văn hóa với Trung Hoa, Ấn Độ, Lưỡng Hà, La Mã và khu vực hải đảo… cũng như tìm cách lý giải cho sự tàn lụi của vương quốc Phù Nam sau thế kỷ 7.

Kế thừa các thành quả nghiên cứu của các học giả phương Tây, từ sau năm 1975, các nhà khoa học Việt Nam đã có những nỗ lực tìm kiếm, phát hiện và nghiên cứu phục dựng một cách căn bản diện mạo của văn hóa Óc Eo từ không gian phân bố, nguồn gốc bản địa của nền văn hóa thông qua những phát hiện mới khảo cổ học. Đặc biệt là xác định một cách cơ bản giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của văn hóa Óc Eo từ hàng trăm di tích đã thám sát, khai quật và hàng ngàn di vật có giá trị đang được lưu giữ tại bảo tàng các tỉnh Nam Bộ.

Một chiếc nhẫn thuộc Nền văn hóa Óc Eo TK1 đến TK7

Một chiếc nhẫn thuộc Nền văn hóa Óc Eo TK1 đến TK7

Trên nền tảng của những phát hiện mới, các nhà khoa học Việt Nam đã xác lập được quá trình phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đồng thời từng bước làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề khoa học liên quan như cơ cấu kinh tế xã hội, các mối quan hệ giao lưu văn hóa và trao đổi thương mại nội vùng và quốc tế qua con đường hải thương.

Phát lộ vô vàn những cổ vật quý giá

Trong 4 năm tiến hành khai quật và nghiên cứu tại 2 di chỉ Óc Eo Ba Thê và di chỉ Nền Chùa các nhà khoa học đã tìm thấy tổng cộng 2.790.912 hiện vật có giá trị. Trong đó, tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê tìm thấy 2.376.466 hiện vật, thuộc nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Trong đó, hạt chuỗi thủy tinh Indo-Pacific có số lượng rất lớn 1.038.131 hạt với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau, cùng với 1.337.910 mảnh gốm đất nung, 17 hiện vật tôn giáo, 395 dụng cụ sản xuất và sinh hoạt cùng một số hiện vật đặc biệt như gương đồng, nhạc cụ... Hiện vật thu được chủ yếu là các loại đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt, sản xuất cùng các loại đồ trang sức, vật thờ trong tôn giáo và gần như vắng bóng các loại vũ khí. Điều này phản ánh rõ nét tính chất của một đô thị với sinh kế nông nghiệp và thương mại của khu di tích Óc Eo - Ba Thê trong quá khứ.

Đồ trang sức bằng đá quý

Đồ trang sức bằng đá quý

Khu di tích Nền Chùa tìm thấy 414.446 hiện vật khảo cổ, bao gồm đồ gốm, đồ kim loại, đồ trang sức, đồ thủy tinh, nhạc cụ... Trong đó có nhiều loại hình di vật là đồ dùng trong sinh hoạt (các loại hình đồ dùng, vật dụng bằng gốm, bằng đá hay bằng gỗ), các loại dụng cụ sản xuất thủ công nghiệp và nông nghiệp (khuôn đúc đồ trang sức, nồi nấu kim loại, dọi xe sợi dệt vải, dụng cụ chế tác gốm, bàn nghiền, chày, cối...), đặc biệt là trong số đó có một số lượng đáng kể là đồ gốm nước ngoài.

Trong số các di vật được phát hiện, có 2 hiện vật đã nhanh chóng được công nhận là Bảo vật Quốc gia trong đợt công nhận mới nhất cuối năm 2021. Đó là phiến đá khắc hình tượng Phật ngồi thiền và nhẫn bò Nandin bằng vàng.

Những giá trị nổi trội để trở thành Di sản Thế giới

Từ những biểu hiện vật chất còn lại của di chỉ khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã chứng minh sự tồn tại của một nền văn hóa gắn liền với vương quốc Phù Nam - một vương quốc giàu mạnh ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ thứ VII. Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là điểm trung chuyển chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua eo biển Kra ở miền nam Thái Lan thời bấy giờ. Di sản này chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu cho một trong những nền văn minh cổ đại đã biến mất.

Số lượng hạt vòng được tìm thấy lên tới cả triệu hạt

Số lượng hạt vòng được tìm thấy lên tới cả triệu hạt

Những nhà khoa học thực hiện Đề án Óc Eo đã cùng thống nhất và đưa ra nhận định dựa trên những tài liệu nghiên cứu và di vật: Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến thương mại châu Á nối Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, Óc Eo-Ba Thê đã nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông.

Đô thị cổ Óc Eo với những xưởng thủ công lớn, trình độ kỹ thuật cao, vừa đa ngành, vừa chuyên môn hóa, đặc biệt là kim hoàn, chế tác thủy tinh, đá quý ... Sản phẩm sản xuất ra ở đây đã được tiêu thụ sang các nước, vùng, lãnh thổ mà ngày nay là Nam Thái Lan, Bắc Malaysia, Java, miền Trung Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc ... Đây cũng là điểm giao thoa, tiếp biến văn hóa và kỹ thuật của các quốc gia có nguồn gốc từ Ấn Độ và các quốc gia khác ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương ... thông qua các sản phẩm của thương mại và quan hệ quốc tế trong thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII.

Trong không gian tự nhiên và xã hội tương đối tách biệt, tính bản địa của văn hóa Óc Eo được hình thành trong một quá trình vận động và phát triển lâu dài từ thế kỷ 2 - 1 trước Công nguyên đến “hậu Óc Eo” khoảng thế kỷ thứ 8-9 sau Công nguyên, tính bản địa đó được thể hiện qua các công cụ làm gốm, đồ gỗ, đá; kỹ thuật xây dựng kiến trúc tôn giáo, kiểu nhà ở, hình thức chôn cất người chết... Nhiều hiện vật thể hiện trình độ tư tưởng nghệ thuật cao như Tượng Phật bằng gỗ, các bức tượng bằng sa thạch; sản phẩm gốm có họa tiết, phiến đá có chạm trổ hoa văn, khắc chữ cổ ... trong đó tượng Phật đứng bằng gỗ là nét tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Óc Eo riêng biệt.

Sống ở vùng đồng bằng thấp, tiếp xúc với biển, ngập lụt theo mùa, xâm nhập mặn ... cộng đồng Óc Eo cổ đại đã biết cách thích nghi với môi trường, vận dụng đúng các quy luật tự nhiên để tồn tại cả về các hoạt động thể chất và tinh thần.Với những chiếc cột, xà, lan can bằng gỗ,… sưu tầm được cùng với nhiều dấu vết gỗ phân hủy trên cánh đồng Óc Eo đã thể hiện rõ hình thức cư trú truyền thống của cư dân Óc Eo xưa chủ yếu định cư trên nhà sàn gỗ quanh các gò đất cao ở chân núi. Họ đã đào và lấp nhiều kênh mương để khai thác đất trồng trọt theo mùa vụ.

Bảo vật quốc gia phiến đá khắc hình tượng Phật ngồi thiền

Bảo vật quốc gia phiến đá khắc hình tượng Phật ngồi thiền

Kể từ những công bố khoa học của L. Malleret (1959-1962) về văn hóa Óc Eo, đã có hàng trăm công trình khoa học trong và ngoài nước về nền văn hóa này và di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê đã được công bố; nhiều cuộc hội thảo chuyên sâu được tổ chức. Năm 1997-2002, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) phối hợp với các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành điền dã, khảo sát và khai quật khảo cổ học trên quy mô lớn từ sườn núi Ba Thê đến cánh đồng Óc Eo. Thực hiện dự án Nghiên cứu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo) của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2020, đã có hơn 10 di tích khảo cổ học được khai quật liên tục với quy mô lớn.

Năm 2012 Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đã được Chính Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; tháng 1/2021 có Quyết định quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích cho toàn bộ 433,2 ha trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt.

Xuất bản ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Đề án, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đề án đã quyết định biên soạn xuất bản ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”. Cuốn sách nhằm công bố bước đầu về những kết quả thực hiện của đề án. Bao gồm các bản vẽ bản vẽ, bản ảnh di tích và hiện vật khảo cổ học tại khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa, còn có rất nhiều bức ảnh vệ tinh và flycam chất lượng cao về các địa điểm khảo cổ học thuộc Đề án Óc Eo, cũng như các mô hình 3D di tích được phục dựng từ kết quả nghiên cứu so sánh.

Sách gồm có 4 chương chính: “Khu di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ”; “Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê”; “Những phát hiện khảo cổ học tại Di tích Nền Chùa”; và “Đánh giá tổng quan kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa năm 2017-2020.” Sách do ba nhà nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của ba cơ quan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ biên: PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành; Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.

Quá trình khai quật khảo cổ học Óc Eo- Nền Chùa diễn ra trong 4 năm

Quá trình khai quật khảo cổ học Óc Eo- Nền Chùa diễn ra trong 4 năm

PGS.TS. Bùi Văn Liêm Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định: Đây là công trình công bố những kết quả cơ bản trong thực hiện Đề án. Cuốn sách đã đưa ra những điểm nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn, những quan điểm khoa học mới: khẳng định Óc Eo - Ba Thê là trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo quan trọng của văn hóa Óc Eo -Vương quốc Phù Nam; Nhận thức sâu rộng hơn về tính chất, chức năng của hai phân khu: Trung tâm tôn giáo nơi sườn núi Ba Thê và Khu vực đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo; Làm rõ chức năng của không gian đô thị Óc Eo, làm rõ khái niệm “đô thị” và “cảng thị”. Từ đó khẳng định rằng, Óc Eo có vai trò là một “đô thị”…; Làm rõ vai trò đô thị Óc Eo trong hệ thống thương mại quốc tế; Nhận thức mới về Nền Chùa là trung tâm dân cư và tôn giáo lớn rất hưng thịnh trong giai đoạn thế kỷ 4 - 6, nơi đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tôn giáo của cộng đồng. Nền Chùa có mối quan hệ chặt chẽ với đô thị cổ Óc Eo, trung tâm tôn giáo Ba Thê và các vùng phụ cận.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì cho rằng: Những nhận định về khu di tích Óc Eo - Ba Thê cũng như Nền Chùa, dù là bước đầu, nhưng đã phần nào khẳng định những đóng góp khoa học quan trọng, cụ thể, làm sáng rõ hơn tính chất, chức năng, niên đại và vai trò ở ba khu di tích đối với văn hóa Óc Eo. Những nhận định ấy còn là những gợi mở mang tính định hướng cho những chương trình, dự án nghiên cứu tiếp theo về văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn bộ Vương quốc Phù Nam nói chung. Rất nhiều ý trong những nhận định này có thể khai thác để xây dựng những tiêu chí trong hồ sơ trình Unesco ghi danh Văn hóa Óc Eo vào Di sản văn hóa thế giới, khi những tư liệu sau chỉnh lý minh định một cách thuyết phục cho những tiêu chí sẽ được xây dựng.