Những chuyện khó tin về nhà văn bị kiện

ANTD.VN - Văn chương là hư cấu, nhưng có những lúc, sự hư cấu lại giống người thật, việc thật đến mức không ít nhà văn đã từng bị kiện với lý do: dám mang gia đình, dòng họ của người ta ra viết truyện. 

Sau khi “Sóng ở đáy sông” được chuyển thể thành phim, còn có người đến đòi “chia nhuận bút” với nhà văn Lê Lựu

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” của nhà văn Lê Lựu sau khi xuất bản đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập. Tiểu thuyết lại được đăng dài kỳ trên Báo Hải Phòng nên nhiều bạn đọc rất háo hức theo dõi bộ phim cùng tên. Phim vừa chiếu được mấy buổi, bỗng dưng có mấy người tự xưng là anh em Núi, con ông Đại, nguyên mẫu của nhân vật trong tiểu thuyết kéo đến tòa soạn báo. Họ dồn dập hỏi các biên tập viên ở đó về “nhuận bút”, rồi hỏi Lê Lựu là ai, ở đâu.

Sau đó họ lên Hà Nội, đến tận phố Lý Nam Đế gặp nhà văn Lê Lựu. Một người sau lời tự giới thiệu: “Chúng tôi là anh em Núi mà ông  lấy nguyên mẫu để viết thành sách thành phim đây, chúng tôi lên yêu cầu ông chia nhuận bút cho công bằng”.

Mặc dù biết rõ mười mươi sự vô lý khi mấy ông khách không mời mà đến đặt ra, nhưng nhà văn vẫn vui vẻ chuyện trò, sau đó giải thích nếu giúp được gì trong khả năng của mình thì ông sẽ cố gắng hết sức, chứ tiền nhuận bút chỉ hết sức “tượng trưng” và đã được chuyển hết thành sách biếu.

Mấy nhân vật tự xưng thấy vẻ nhũn nhặn, thành thật của nhà văn, không còn thái độ gây hấn nữa mà vui vẻ kéo nhau ra về.

Ba năm không dám về làng

Năm 1992, nhà văn Sương Nguyệt Minh còn công tác tại Bệnh viện Quân đội 103 có gửi truyện ngắn đầu tay đến dự thi ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sau khi in, truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” của ông đã bị chính người trong họ Nguyễn của mình và người họ Ninh ở làng kiện.

Nội dung tác phẩm là câu chuyện mối thù truyền kiếp giữa dòng họ Nguyễn và dòng họ Ninh ở làng Hạ. Gia tộc tương tàn, đỉnh cao là mộ tổ họ này táng vào mộ tổ họ kia, rồi xảy ra đào mộ và chặt xương chia cho mỗi đinh một mảnh.

Thêm hai cái chết nữa của cặp tình nhân bị hai dòng họ ngăn cấm trong ngùn ngụt lửa cháy, để cuối cùng hóa giải được mối thù truyền đời, cho cặp trai gái mới lớn lên của hai dòng họ yêu nhau. Dù tên nhân vật, địa danh không trùng với người và tên làng, nhưng người ta đọc thấy câu chuyện giống dòng họ mình, giống làng quê mình nên kiện nhà văn đã bêu riếu dòng họ, quê hương; còn những tình tiết hư cấu thì bị kiện là “xuyên tạc, bóp méo sự thật”... Tình hình khá căng thẳng, đến mức anh trai nhà văn phải viết thư bảo tác giả hãy khoan về làng.

Viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Nếu không được bảo vệ, sẽ làm thui chột cảm hứng sáng tạo của các nhà văn

Đơn kiện được gửi đến Tạp chí Văn nghệ quân đội. Lúc đó, nhà văn Hồ Phương - Phó Tổng biên tập, đã cùng một vị trung tướng là đồng đội cũ của ông (và cũng chính là người chú họ của Sương Nguyệt Minh) về địa phương giải quyết việc kiện cáo.

Với uy tín của hai ông Hồ Phương, cộng thêm lá thư tòa soạn gửi hai dòng họ, cuối cùng mọi chuyện cũng được thu xếp êm đẹp. Tuy nhiên, tính từ khi đăng truyện ngắn đến khi cả hai dòng họ lắng dịu đi phải mất ba năm nhà văn mới dám về lại nơi chôn nhau cắt rốn.

Đi hầu tòa vì “ám chỉ”

Sau khi truyện ngắn “Một đám cưới” của nhà văn Xuân Mai được đăng trên Báo Vĩnh Phúc, một số con cháu của một dòng họ ở tỉnh này đã bức xúc  đe dọa đuổi đánh và ném chất bẩn vào nơi ở của nhà văn. Họ cho rằng truyện ngắn viết để ám chỉ, xúc phạm, bôi nhọ gia đình vì trong đó có 4 nhân vật trùng tên với người của gia đình này và nhiều tình tiết gần giống với chuyện trong nhà của họ.

Đại diện gia đình đã viết đơn khởi kiện báo Vĩnh Phúc và nhà văn Xuân Mai, đề nghị tòa xử để buộc Báo Vĩnh Phúc phải đăng cải chính, yêu cầu nhà văn Xuân Mai phải xin lỗi các thành viên gia đình họ bằng văn bản và bồi thường tổn thất về mặt tinh thần số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu tại thời điểm đó (tính ra bằng 8,3 triệu đồng).

Trước vụ việc này, để bảo vệ quyền tự do sáng tác của hội viên, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi TAND thành phố Vĩnh Yên, đồng thời cử một thành viên của hội về tham dự phiên tòa với tư cách đại diện hợp pháp.

Tại đây, đại diện Hội Nhà văn đã chứng minh tác phẩm do nhà văn Xuân Mai hư cấu, các tình tiết, chi tiết không hoàn toàn giống, không có ý ám chỉ chuyện gia đình cụ thể nào cả, đồng thời nhấn mạnh: “Với tư cách là nhà văn, bạn viết và là người bảo vệ quyền hợp pháp cho nhà văn Xuân Mai, tôi lưu ý Tòa về ý nghĩa và ảnh hưởng xã hội của phiên tòa đối với công việc viết văn, vì viết về các mặt trái xã hội bao giờ cũng rất khó khăn và nguy hiểm; nếu tòa không công tâm sẽ làm thui chột cảm hứng sáng tạo của các nhà văn, một công việc được hiến pháp và pháp luật bảo hộ”.

Phiên tòa khép lại sau khi thẩm phán bác đơn khởi kiện của gia đình nọ và tuyên: truyện ngắn “Một đám cưới” của nhà văn Xuân Mai không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí: Xúc phạm đời tư của công dân.