Những chuyện cười mà đau lòng với sở hữu chéo ngân hàng

ANTĐ - Khởi đầu của sở hữu chéo khá đơn giản. Vào buổi sớm mai của thời đại mang tên ngân hàng thương mại (NHTM), mọi ngân hàng đều mở cửa nhận tiền gửi, mở cửa cho vay, miễn là có thế chấp, mở cửa bán cổ phiếu mà không ai hỏi tiền ở đâu. Vậy làm chủ ngân hàng thôi, mỡ để miệng mèo. 

Có mười đồng, họ vay ngân hàng một đồng, thành ra có hai mươi đồng. Lấy hai mươi đồng ấy mua cổ phiếu ngân hàng, mang cổ phiếu thế chấp, vay tiền mua tiếp. Cách thức đầu tư ngân hàng là cuốn chiếu. Vay tiền ngân hàng A đầu tư ngân hàng B. Vay tiền ngân hàng B đầu tư ngân hàng C. Vay tiền ngân hàng C đầu tư ngược trở lại ngân hàng A…Chỉ cần 10 đồng vốn, với cách đó sẽ nhân được thành 100 đồng và khi đã khống chế được một ngân hàng, bằng uy tín của ông chủ, anh ta có thể chỉ đạo cho các doanh nghiệp sân sau, hay đúng hơn của chính anh ta vay những số tiền khổng lồ với những tài sản thế chấp ảo như chính đồng vốn của anh ta. Xoay một vòng, vốn anh ta thành vốn thật, nợ của các doanh nghiệp sân sau thành nợ xấu. 

Trong buổi chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29-9 vừa qua, lần đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận số nợ xấu có thời điểm đã lên đến 500.000 tỷ đồng. Có bao nhiêu % số tiền đó nằm ở chính vốn pháp định của các ngân hàng thương mại (NHTM)? Không ai có thể trả lời được, chỉ biết rằng sở hữu chéo ngân hàng đang là vật cản lớn thứ hai, sau nợ xấu, làm chậm công cuộc tái cơ cấu ngân hàng. 

Những chuyện cười mà đau lòng với sở hữu chéo ngân hàng ảnh 1

Thực trạng sở hữu chéo ngân hàng

Mới đây nhất, đầu tháng 9-2014, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân và các cộng sự đã công bố một công trình điều tra nghiên cứu về thực trạng thị trường tài chính Việt Nam. Theo nghiên cứu, hiện đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau: Nhóm 1 là sở hữu của các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; Nhóm 2 là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM trong nước; Nhóm 3 là cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ; Nhóm 4 là sở hữu của các NHTMNN tại các NHTMCP; Nhóm 5 là sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP; Nhóm 6 là sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân. 

Sự hình thành của các nhóm cũng đơn giản. Khi định hướng thành lập hệ thống ngân hàng cổ phần, Chính phủ chủ trương, trong mỗi ngân hàng cổ phần, cần có sự góp vốn của ngân hàng quốc doanh hoặc tổng công ty Nhà nước, nhằm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, quản trị nhân sự, tạo hướng đi cho ngân hàng cổ phần non trẻ; đồng thời giám sát đảm bảo hoạt động ngân hàng cổ phần không vượt ngoài khuôn khổ pháp lý, vì thế mà sở hữu chéo theo nhóm 4 và 6 hình thành.

Tiếp theo đó, khi bắt đầu mở rộng hoạt động, nhằm tiếp thu nghiệp vụ ngân hàng từ các ngân hàng cổ phần lớn cũng như tăng cường mối quan hệ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhiều ngân hàng cổ phần lại sở hữu chéo lẫn nhau, hình thành nên nhóm 5. Vậy là chính ngân hàng này lấy tiền gửi của dân ra để sở hữu ngân hàng khác. Các doanh nghiệp vay tiền ngân hàng đầu tư ngân hàng, nhiều khi là vay tiền một ngân hàng để mua cổ phiếu của chính ngân hàng ấy. Những hoạt động đầu tư kiểu này làm tăng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng, giảm tính minh bạch, khiến hoạt động quản trị của ngân hàng bị bóp méo. Các cuộc họp giữa các cổ đông và hoạt động của Ban kiểm sát đều sơ lược và phần lớn là bỏ qua. Cơ chế biểu quyết theo số đông là không hiệu quả và trong thực tế, nhóm cổ đông sở hữu chéo sẽ trở thành cổ đông quan trọng của công ty, làm suy yếu vị trí và ảnh hưởng của cổ đông khác trong các công ty.

Chuyện Bầu Kiên thì ai cũng biết, nhưng còn nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khác. Trong nhiều ông chủ, nắm cổ phần chi phối của một ngân hàng và cổ phần đáng kể của nhiều ngân hàng khác có một ông chủ, xuất thân cũng chỉ là một doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa một mặt hàng điện bé tý teo. Trong sự động viên của chính sách, ông đứng ra cùng một số anh em lập một ngân hàng cổ phần bé tý. Ngân hàng bé, vốn điều lệ tý ty. Với tài sản của ông, ông có thể thế chấp vay mượn vài chục tỷ, dùng vài chục tỷ, ông ta có thể vay thêm vài chục tỷ nữa, và vẫn cấp số nhân ấy, ông ta lo xong vốn của ngân hàng. Ngay sau đó với lãi suất tiền gửi khá khủng, ngân hàng nhanh chóng huy động được những khoản tiền gửi khổng lồ.

Đến khi NHNN yêu cầu tăng vốn điều lệ, ông cũng như nhiều chủ ngân hàng khác đều vội tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, 4.000 tỷ đồng. Phương cách đơn giản, mỗi ông có vài doanh nghiệp của ông và của người thân, ngân hàng ông cho doanh nghiệp tôi vay, tôi sẽ cho doanh nghiệp của ông vay, và vốn điều lệ tăng lên một cách dễ dàng với nhiều cổ đông con, cổ đông cháu... Trong ba năm qua, hàng loạt NHTM đã nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế, gần như không có đồng vốn mới được bổ sung vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, do vốn điều lệ tăng, các ngân hàng được phép huy động tiền gửi lớn hơn và hàng nghìn tỷ đồng vốn từ ngân hàng lại được giải ngân cho những dự án sân sau của chính các ông chủ ngân hàng. Không có ông chủ ngân hàng nào không kinh doanh bất động sản cả.

Vẫn chiêu: anh cho tôi vay, tôi cho anh vay... Các dự án bất động sản khủng mọc ra và ngốn tiền, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Đánh đùng một cái, bong bóng bất động sản vỡ. Một loạt ngân hàng nhỏ với những khoản vốn ảo rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Kiểm toán lần 1 vốn chủ sở hữu còn 4.000 tỷ đồng, ba tháng sau, kiểm toán lại, vốn chủ sở hữu còn 200 tỷ. Tiền đi đâu rồi? Nó nằm ở chỗ anh cho tôi vay, tôi cho anh vay và tất cả thành nợ xấu, nợ không thu hồi được, nằm ở những khoản đầu tư của ông chủ đứng tên ngân hàng... Thời điểm đó, chưa có quy định cho ngân hàng phá sản và dĩ nhiên chỉ còn cách bán ngân hàng dưới danh nghĩa sáp nhập. Tổng Giám đốc biến thành nhân viên thu nợ và cũng như nhiều lãnh đạo ngân hàng khác trở thành nhân viên thu nợ, họ không thể thu nợ chính mình với tài sản thế chấp là những dự án dở dang...

Biện pháp mới và những chiêu cũ 

Và với tái cơ cấu ngân hàng, hàng loạt chính sách để loại trừ sở hữu chéo. Rất nhiều điều cấm kỵ đã được đưa ra. NHNN đã triển khai cơ chế giám sát chặt chẽ các cổ đông, việc chấp hành giới hạn sở hữu cổ phần và quan hệ tín dụng của cổ đông, người có liên quan với tổ chức tín dụng; định kỳ xem xét, đánh giá thực trạng cơ cấu sở hữu vốn điều lệ và mức độ ảnh hưởng cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn và người có liên quan của các cổ đông lớn đối với quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD. Bên cạnh đó, trong hoạt động tái cơ cấu, NHNN sẽ chú ý đặc biệt các cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn góp từ các cổ đông cũ tại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các cổ đông này phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, vốn huy động từ chính TCTD đó hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, NHNN thông qua các công cụ theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thêm các biện pháp xác minh nguồn tiền hợp pháp của cổ đông mới. Khi cho phép một số nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia làm cổ đông để giúp TCTD yếu kém tự chấn chỉnh, củng cố tiềm lực, NHNN cho biết đã tiến hành thận trọng. 

Những tưởng trật tự sẽ được lập lại thì đùng một cái, ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh, một chủ mới của Ngân hàng Xây dựng bị bắt vào cuối tháng 7/2014. Khởi đầu từ một vụ án khác nhưng cuối cùng thì lộ ra: Tiền mua cổ phần Ngân hàng TMCP Xây dựng với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng là... tiền vay ngân hàng và các TCTD. Tại phiên điều trần trước UBTV Quốc hội ngày 29/9, Thống đốc NHNN phải thừa nhận không thể nắm hết được nguồn tiền của các nhà đầu tư mới. Chỉ sau khi bị bắt, công an điều tra có kết quả, NHNN mới biết. Trong một nền kinh tế vận hành chủ yếu bằng tiền mặt hiện nay, không ai có thể xác định chính xác nguồn gốc một khoản tiền nào. Trong một nắm tiền cùng mệnh giá, không thể nhận ra đồng nào mua muối, đồng nào mua rau... Nghĩa là khả năng chống sở hữu chéo vẫn còn quá thấp và những biện pháp đề ra của NHNN vẫn còn chưa đủ mạnh.

Những giải pháp khả dĩ

Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế sở hữu chéo và các hậu quả xấu của nó cần sớm thực hiện các biện pháp: Một là, rà soát cơ cấu vốn sở hữu toàn bộ NHTM đang hoạt động để nắm được tỷ lệ sở hữu NHTM của người sở hữu sau cùng.Yêu cầu công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu ngân hàng đối với các đối tượng: các cổ đông, nhóm cổ đông, có tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 1% trở lên. Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định vốn chủ sở hữu theo hướng, vốn chủ sở hữu là cơ sở để xác định nhiều chỉ số an toàn hoạt động của NHTM. Sớm loại bỏ phần vốn sở hữu chéo giữa hai NHTM (kể cả vốn góp đối với công ty con của NHTM) ra khỏi cách tính vốn tự có của mỗi ngân hàng. Ba là, việc hạn chế sở hữu chéo cần được đề cập trong Luật Các tổ chức tín dụng, để có cơ sở, biện pháp kiểm soát, xử lý. Và sắp tới, có lẽ số lượng các cuộc thanh tra phải tăng lên nhiều lần. 

Tin cùng chuyên mục