Bộ phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua”:

Những chuyện chưa biết về ban nhạc Bức Tường

ANTD.VN - Bức Tường là ban nhạc Rock đầu tiên của Việt Nam được dựng thành phim tài liệu. Thậm chí, bộ phim này còn được đưa ra ngoài rạp chiếu và bán vé. 

“Chuyện ngày hôm qua” là tựa đề bộ phim tài liệu làm về ban nhạc Bức Tường, lấy cảm hứng từ một sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Lập - người luôn được xem là linh hồn và thủ lĩnh của ban nhạc này. Lịch công chiếu bộ phim này được ấn định trước ngày giỗ đầu của Trần Lập vài hôm, song vì một số lý do khách quan nên được rời lại đúng ngày giỗ của anh, 17-3.

Buổi ra mắt vì thế càng có ý nghĩa đặc biệt khi vợ con, bạn bè đồng nghiệp và cả những người yêu mến anh tề tựu bên nhau, xem những hình ảnh chưa từng được công bố, nghe những câu chuyện chưa từng được kể về anh và cả Bức Tường.

Những chuyện chưa biết về ban nhạc Bức Tường  ảnh 1Chân dung người thủ lĩnh của ban nhạc Bức Tường xuyên suốt trong “Chuyện ngày hôm qua”

Những tư liệu quý

75 phút phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” mở ra trong khung cảnh những thành viên còn lại trong ban nhạc Bức Tường ngồi hàn huyên trò chuyện với nhau bên hồ, nhâm nhi tách cà phê, ôm đàn guitar và hồi tưởng lại câu chuyện về tuổi thanh xuân. Cuộc trò chuyện thiếu đi người thủ lĩnh của họ - nhạc sĩ Trần Lập nên không khí càng nhuốm màu hoài niệm. 

Những thước phim đưa người xem lội ngược thời gian trở về với những năm đầu thập niên 90, khi các chàng sinh viên trẻ đam mê Rock cùng nhau lập nên ban nhạc  Bức Tường. Ở đó, có câu chuyện thú vị về việc Trần Lập là thành viên duy nhất trong ban nhạc không phải sinh viên trường Đại học Xây dựng nên không được hưởng các chế độ ưu đãi từ nhà trường như đi tham quan, nghỉ mát.

Có kỷ niệm về việc lần đầu tiên Bức Tường được nhà Đài mời hát trên sóng truyền hình và dứt khoát từ chối lời đề nghị mặc trang phục chỉn chu thay vì phong cách bụi bặm đậm chất Rock; rồi những đêm diễn đầy nhiệt huyết mà chỉ cần nhìn xuống phía dưới khán đài cũng có thể thấy sức nóng ngùn ngụt tỏa ra từ những trái tim yêu Rock và mê Bức Tường đến nhường nào. Rất nhiều câu chuyện hậu trường về Bức Tường mà có lẽ nếu không có bộ phim này, người ngoài khó lòng biết được. 

Cũng trong cuộc hành trình dựng lại Bức Tường từ thời “mơ ước cao nhất chỉ là có một cây đàn”, bộ phim có nhiều chi tiết khiến người xem bật cười thích thú để rồi rưng rưng xúc động.

Trong đó, bức chân dung về người thủ lĩnh của họ - nhạc sĩ Rocker Trần Lập trở thành điểm nhấn xuyên suốt toàn bộ cuộc hành trình đó qua lời kể của các thành viên trong nhóm, của những người từng cộng tác với Rocker này, của chị gái Trần Lập, của vợ anh và của cả người bạn hàng xóm thân tình.

Không ít tình tiết bất ngờ về anh và ban nhạc Bức Tường lần đầu tiên được tiết lộ trên phim, trong đó có cả “tiểu sử” ca khúc “Bông hồng thủy tinh” mà anh sáng tác dựa trên câu chuyện tình yêu có thật của mình. Hay mối quan hệ thân thiết giữa anh và guitarist Trần Tuấn Hùng được bạn bè nói vui như cặp vợ chồng già, suốt ngày khục khặc cãi nhau nhưng chẳng bao giờ bỏ được nhau.

Dư âm đẹp và tiếc nuối

“Chuyện ngày hôm qua” là bộ phim tài liệu đầu tiên của nữ đạo diễn Đặng Linh. Kịch bản bộ phim này cũng do chính nhà làm phim trẻ này viết. Phim được thực hiện trong vòng 7, 8 tháng - thời gian không phải là nhiều đối với một tác phẩm phim tài liệu. Có lẽ vì thế mà khi xem, nhiều người không khỏi tiếc nuối bởi nếu có thời gian, chắc chắn những gì mà khán giả chờ đợi được nghe và xem ở bộ phim này còn được thỏa mãn nhiều hơn. 

Không thể phủ nhận chất liệu để làm nên “Chuyện ngày hôm qua” gồm nhiều tư liệu “đắt”, từ những bức ảnh hiếm hoi thời trẻ của Bức Tường, các đoạn clip được các thành viên trong nhóm chủ ý hay vô tình ghi lại, đến lời kể của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Chưa kể đến sức mạnh từ âm nhạc của Bức Tường khi chỉ cần một giai điệu quen thuộc của ban nhạc này vang lên cũng đủ khiến người ta như tìm lại được một phần ký ức tuổi trẻ của chính mình. 

Tuy nhiên cách dẫn dắt câu chuyện chưa để lại ấn tượng nhiều cho khán giả, chỉ đơn giản là một câu chuyện kể tròn trịa có đầu và có cuối. Có lẽ bởi thế mà bộ phim thiếu đi một sự đọng lại hay ám ảnh dài lâu khi người xem bước chân ra khỏi rạp.

Có thể nói đạo diễn Đặng Linh khi thực hiện bộ phim này là đã có được một câu chuyện hay, một kho tư liệu quý chưa ai khai thác và trở thành người đầu tiên làm phim tài liệu về ban nhạc. Cái may của cô là nhận được sự hậu thuẫn và ủng hộ hết mình từ phía Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khi mạnh dạn đưa bộ phim này ra rạp. Với một tác phẩm đầu tay của một đạo diễn trẻ, chừng ấy đã đủ để được xem là bước đệm thành công.