Những “chướng ngại vật" gây khó cho công tác phòng cháy, cứu nạn, cứu hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH là chạy đua từng giây, từng phút với thời gian. Thế nhưng, do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường cứu nạn, chữa cháy đã bị rào chắn, thậm chí nhiều nơi còn hàn cứng rào chắn hoặc dùng nhiều khối bê tông cỡ lớn, kiêu gạch... ngăn chặn người qua lại, bảo vệ “vùng xanh” đã cản trở xe chữa cháy làm nhiệm vụ, gây mất mĩ quan đô thị bởi hàng rào được dựng từ các loại "vật liệu" như giát giường, chăn, màn cũ và nhiều đồ phế thải khác...
Các vật cản dùng để chặn người qua lại tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Long Biên trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CP của Chính phủ

Các vật cản dùng để chặn người qua lại tại một số tuyến đường trên địa bàn quận Long Biên trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CP của Chính phủ

Hàng rào gây cản trở công tác PCCC

Sức hủy diệt của nước và lửa không cần nói thì ai cũng hiểu và khi xảy ra không gì mạnh bằng nó. Đối với đô thị lớn như Hà Nội hiện nay, dân cư dày đặc, đông đúc trong khi các hạng mục hạ tầng còn thiếu đồng bộ, thậm chí một số đang xuống cấp dẫn đến tình trạng tiềm ẩn cháy, nổ rất cao. Khi có vụ cháy xảy ra, những bất cập trên làm hạn chế công tác tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy…

Theo thống kê của CATP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hàng nghìn ngõ nhỏ, sâu chằng chịt. Giao thông chữa cháy như vậy đang là thách thức đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khi không may xảy ra sự cố hỏa hoạn. Hơn nữa, những con ngõ vốn dĩ đã nhỏ lại càng bé hơn bởi sự lấn chiếm, chất đồ đạc càng làm sự cản trở hoạt động của công tác tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, một trong những yếu tố quan trọng của công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn là lối tiếp cận phương tiện chữa cháy nhanh nhất sẽ hiệu quả nhất. Đã có nhiều vụ cháy từ nhỏ thành cháy lan, cháy lớn xuất phát từ nguyên nhân các vật cản do ý thức của người dân. Trong công tác chữa cháy, thời gian chỉ tính bằng giây, bằng phút, nếu thời gian dài hơn việc tìm kiếm cứu người sẽ rủi ro cao với những người bị nạn. Chính vì thế, trong công tác PCCC và CNCH luôn lựa chọn phương châm “4 tại chỗ”, để giải quyết vấn đề “nước xa và lửa gần”.

Tuy nhiên, với lực lượng chữa cháy ở cơ sở như hiện nay thì mới chỉ xử lý được những đám cháy nhỏ và phải phát hiện kịp thời. Chính vì thế, các biện pháp an toàn PCCC và CNCH, trong đó có tuân thủ nghiêm quy định khoảng cách đường xe chữa cháy tiếp cận, không lấn chiếm, làm vật cản lối thoát nạn, chữa cháy của khu vực, tuyến đường.

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 12h15 ngày 10-3, tại số nhà 17, ngõ Gầm Cầu, phố Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã khiến người dân trong ngõ hoảng loạn. Phải đến 13h15 cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế, tuy nhiên khói đen vẫn bốc ra nghi ngút từ phía trong căn nhà nơi xảy ra vụ hỏa hoạn. Theo chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm, con ngõ nhỏ sâu và chật hẹp, người dân lại để nhiều đồ đạc gây cản trở khiến việc dải vòi chữa cháy rất mất thời gian, do đó công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn gặp khó khăn.

Bảo vệ "vùng xanh", nhưng phải đảm bảo lối đi cho xe chữa cháy

Trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, người dân thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở yên đó” để bảo vệ vùng an toàn, tránh Covid-19 lây lan trên diện rộng.

Nhằm hạn chế việc di chuyển của người dân, đảm bảo công tác phòng chống Covid-19, nhiều địa bàn đã cẩu bê tông, kiêu gạch lớn chặn ngang một số tuyến đường, việc này đã ảnh hưởng đến công tác cứu nạn, cứu hộ và PCCC khi có sự cố xảy ra...

Việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cần phải quyết liệt. Trong đó, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC thì việc xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã và đang được chính quyền các cấp thực hiện.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù thành phố Hà Nội đã thực hiện chỉ thị 15 của Chính phủ, đồng thời không kiểm soát giấy đi đường trong nội đô. Thế nhưng, nhiều nơi, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố vẫn để tồn tại rào chắn chưa thực hiện dỡ bỏ, gây bất tiện cho người dân, đặc biệt việc này gây khó khăn trong công tác xử lý sự cố cháy, nổ khi có cháy xảy ra.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 có nhiều tuyến đường, phố thiết lập hàng rào cứng, xe cộ không thể đi qua.

Do đó, đơn vị đã chủ động có phương án để tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Công an các quận, huyện chủ động tham mưu chính chính quyền địa bàn đặt chốt phong tỏa cứng nhưng phải tính toán hợp lý khi xe cấp cứu, xe chữa cháy lưu thông thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát PCCC quận, huyện phải chủ động cập nhật tình hình giao thông, nguồn nước trên địa bàn để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện xử lý các sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.

Nhiều cống bê tông cỡ lớn dùng chặn đường tại địa bàn quận Long Biên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Nhiều cống bê tông cỡ lớn dùng chặn đường tại địa bàn quận Long Biên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Đồng thời, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng có phương án xử lý khi xe chữa cháy gặp hàng rào cứng. Trên các xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ đều trang bị các phương tiện phá dỡ như kìm cắt, búa tạ… để phá hàng rào mở đường cho xe chữa cháy di chuyển. Lực lượng cơ sở tại phường, khu phố cũng có trang bị dụng cụ phá dỡ rào chắn như kìm cắt, búa tạ mở đường cho lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường.

Đó là đối với những nơi làm rào chắn có thể xử lý được, tuy nhiên thời gian qua, nhiều khu vực dùng vật cản lớn như khối bê tông, kiêu gạch, hộp cống “khủng” chặn thì việc di chuyển không hề đơn giản và nếu gặp sự cố cháy, nổ những “chướng ngại vật” của “vùng xanh” sẽ làm chậm trễ tiến độ tìm kiếm cứu nạn, cháy lan, cháy lớn phát triển nhanh hơn.