Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2012

ANTĐ - Hôm nay (1/1/2012) là ngày bắt đầu có hiệu lực của nhiều chính sách mới quan trọng như: Luật Viên chức, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội, miễn tiền sử dụng đất nông nghiệp đối với cơ sở cai nghiện ma túy, phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu, gas...
6 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012
Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 - Ảnh minh họa
Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 - Ảnh minh họa
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Viên chức; Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 6 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Trong đó, Luật Viên chức kết cấu gồm 6 Chương, 62 Điều, với điểm mới cơ bản so với Pháp lệnh cán bộ, công chức là đã làm rõ khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức. Viên chức được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập và đặc điểm nghề nghiệp của viên chức là không mang tính quyền lực công mà chủ yếu là mang tính chuyên môn, nghề nghiệp. Một trong những điểm đáng chú ý khác của Luật Viên chức là quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức và các quy định chuyển tiếp.
Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định 8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Đó là nhóm hàng hóa xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thu từ 1.000đ -4.000đ/lít); than đá mức thu từ 10.000đ - 50.000đ/tấn; dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa mức thu từ 1.000đ - 5.000đ/kg); túi nilon mức thu từ 30.000đ - 50.000đ/kg; thuốc trừ cỏ từ 500đ - 2.000đ/kg; thuốc bảo quản lâm sản mức thu từ 1.000 – 3000đ/kg; thuốc khử trùng kho mức thu từ 1.000 – 3.000đ/kg; thuốc trừ mối các loại hạn chế sử dụng mức thu từ 1.000 – 3.000đ/kg. Như vậy, các sản phẩm được lựa chọn đưa vào đối tượng chịu thuế phải là những sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng mới gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Từ 1/1/2012, thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội
Từ ngày 1/1/2012, tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ là 24% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của người lao động, tăng 2% so với hiện nay. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 17% và người lao động đóng 7% BHXH.
Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thực hiện mức đóng BHXH như sau:
Người lao động đóng bằng 7% mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH (hiện nay là 6%); người sử dụng lao động đóng bằng 17% (hiện nay là 16%).
Tổng mức đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc của cả người lao động và người sử dụng lao động là 24% (trong đó: 3% đóng góp vào quỹ ốm đau, thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 20% vào quỹ hưu trí, tử tuất).
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đóng góp bằng 20% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng BHXH (hiện nay là 18%).
Miễn tiền sử dụng đất nông nghiệp đối với cơ sở cai nghiện ma túy
Miễn tiền sử dụng đất nông nghiệp đối với cơ sở cai nghiện ma túy - Ảnh minh họa
Miễn tiền sử dụng đất nông nghiệp đối với cơ sở cai nghiện ma túy - Ảnh minh họa
Theo Quyết định 61/2011/QĐ-TTg, từ 1/1/2012, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích tổ chức lao động, sản xuất phục vụ chữa trị cai nghiện ma túy của các cơ sở cai nghiện ma túy (công lập và ngoài công lập) được thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quyết định này, cơ sở cai nghiện ma túy được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như nêu trên thì không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, tặng cho, góp vốn, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Giảm thuế xuất khẩu của mặt hàng “đá vôi trắng đã qua chế biến”
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 (Biểu thuế năm 2012). So với Biểu thuế năm 2011, Biểu thuế năm 2012 có nhiều điểm thay đổi cả về danh mục hàng hóa (tên hàng hóa, mã số hàng hóa) và mức thuế suất.
Trong đó, thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu của 24 nhóm mặt hàng “phế liệu và mảnh vụn của kim loại” theo cam kết WTO năm 2012. Cụ thể, mức thuế suất thuế xuất khẩu của các mặt hàng phế liệu và mảnh vụn kim loại đã được điều chỉnh giảm từ mức 29% và 22% xuống theo đúng mức cam kết WTO năm 2012 tương ứng là 22% và 17%.
Giảm thuế xuất khẩu của mặt hàng “đá vôi trắng đã qua chế biến” từ 17% xuống 14% để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Vi phạm quy định về thời gian bán xăng dầu phạt đến 50 triệu đồng
Theo Nghị định 104/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu, phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi vi phạm sau: Không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, dễ thấy.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu vi phạm quy định phòng chống cháy, nổ trong kinh doanh gas
Phạt đến 20 triệu đồng nếu vi phạm quy định phòng chống cháy, nổ trong kinh doanh gas
Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu có một trong các hành vi như: Cắt giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng; không bán hàng hoặc ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng; giảm lượng bán hàng ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Phạt tiền từ 40-50 triệu dồng đối với tổng đại lý, thương nhân đầu mối có hành vi cắt giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu vi phạm quy định phòng chống cháy, nổ trong kinh doanh gas
Theo Nghị định 105/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (gas), cửa hàng, đại lý bán gas chai không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; mua, bán gas và gas chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ… sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng. 
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với các hành vi: Không cung cấp cho khách hàng bản hướng dẫn an toàn sử dụng gas, trong đó có ghi số điện thoại của trạm cấp gas, nhân viên trực tiếp quản lý trạm cấp gas để tiện liên hệ khi cần thiết.
Nếu san chiết, nạp gas, sửa chữa chai gas không đúng nơi quy định; bán gas cho khách hàng không tuân thủ quy định về an toàn sử dụng gas, phòng chống cháy, nổ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Quy định bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh
Nghị định 102/2011/NĐ-CP quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trong đó quy định cụ thể mức trách nhiệm bảo hiểm, nguồn kinh phí mua bảo hiểm và lộ trình tham gia bảo hiểm.
Phạm vi bảo hiểm được quy định cụ thể là: bảo hiểm đối với tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gây ra cho người bệnh. Các trường hợp khác do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận.