Những “Chiến sĩ Điện Biên” làng tôi

ANTĐ - Làng Bồng Thượng quê tôi nằm bên bờ Tả ngạn sông Mã, thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Bồng Thượng xưa được sử sách gọi là đất phát tích các đời Chúa Trịnh, đất hiếu học; nay tự hào vì được là quê hương của rất nhiều “chiến sỹ Điện Biên”.

Kéo pháo ở Điện Biên Phủ-1954. Ảnh tư liệu

Dồn cả cho tiền tuyến

Ngày ấy dù khó khăn gian khổ đến mấy, bà con xã Vĩnh Hùng vẫn rất lạc quan tin tưởng vào ngày chiến thắng. Hướng về Điện Biên, động viên nhau dốc hết lương thực, nhân lực cho tiền tuyến, cho dù đang gặp nạn đói, dân làng vẫn ăn khoai sắn độn rau má, thu gom lương thực thóc gạo, tổ chức liên tiếp các đợt tòng quân, các đợt dân công hoả tuyến để tiếp tế, bổ sung cho chiến dịch. Không thể tả hết không khí sôi động trong khắp xóm làng những ngày đông xuân năm ấy, Giáp Ngọ 1954. Đêm đêm các đoàn quân tấp nập hành quân qua làng; các đoàn dân công nhộn nhịp quang gánh, bao gạo, xe thồ từ các kho trạm vội vã lên đường. Các cuộc họp thanh niên, phụ nữ diễn ra sôi nổi khắp thôn xóm, ai ai cũng xin xung phong được tham gia chiến dịch Điện Biên.

Làng Bồng Thượng, với số dân chưa đầy 500 suất đinh, từ trẻ sơ sinh tới người già, mà số bộ đội là “chiến sĩ Điện Biên”  đã có tới 23 người, những người đã trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ. “Chiến sĩ Điện Biên” làng tôi có mặt ở hầu hết các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 351, các binh chủng pháo binh, công binh, hậu cần, vận tải, quân y, quân khí, những đơn vị trực tiếp chiến đấu lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Người ở lại, người về

Các thế hệ sau trong làng thường được nghe câu chuyện về liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm, tiểu đội phó Tiểu đội Trần Ngọc Doãn (Trung đoàn 165, Đại đoàn 312). Tiểu đội mũi nhọn có nhiệm vụ diệt chỉ huy sở địch và cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên cứ điểm đồi Độc Lập, một trong những trận đánh ác liệt nhất, trận đánh mở màn chiến dịch, mở toang “cánh cửa sắt” và diệt “con mắt” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hoàng Đạt Thiêm là người vinh dự thay mặt tiểu đội nhận cờ, tuyên thệ sẽ cầm cờ đi đầu và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt từ 3h30 đến 6h30 sáng 15-3-1954. Lọt qua lưới lửa của địch, Thiêm vọt lên trước phất cờ làm chuẩn nhưng rồi anh và một số đồng chí khác bị thương, trong mưa đạn, khói lửa mù mịt, người trước ngã, người sau đỡ tiếp không để cờ rời khỏi tay. Bị thương lần thứ 2, Thiêm ngã xuống nhưng vẫn gắng gượng tự băng bó, cố sức bật dậy, tiếp nhận lại cờ của đồng đội bị thương, dẫn đầu tiểu đội đánh thọc sâu vào tận hầm chỉ huy địch. Anh chọn chỗ cao nhất, phất mạnh lá cờ làm chuẩn báo tin nhiệm vụ đã hoàn thành. Trước khi chịu hàng, các hoả điểm xung quanh và trên cao bảo vệ chỉ huy sở của địch chống trả quyết liệt, Thiêm lại bị trúng đạn lần thứ 3, anh ngã xuống ôm cờ vào ngực, vết thương trào máu thấm ướt đẫm cờ. 

Tiểu đội phó Hoàng Đạt Ngôn, thương binh hạng 2/4, người đồng niên với Hoàng Đạt Thiêm, cùng nhập ngũ năm 1951, cùng đơn vị, cùng đánh trận đồi Độc Lập, nhưng anh chiến đấu ở Trung đội súng cối 60 ly, và cũng bị thương trong trận đánh ác liệt này. Sau 2 tuần ở bệnh viện dã chiến của mặt trận, vết thương ổn định anh xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu cho đến ngày quân ta giành toàn thắng 7-5-1954. Trước khi đánh trận Điện Biên Phủ, Hoàng Đạt Ngôn và Hoàng Đạt Thiêm đã tham gia chiến đấu giải phóng Nà Sản, Sơn La và sau khi giải phóng Điện Biên, Hoàng Đạt Ngôn tiếp tục cùng đơn vị đánh địch ở Thượng Lào, Sầm Nưa, ở sân bay Khăm Ma Leng, cho đến ngày Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết.

Những “Chiến sĩ Điện Biên” làng tôi ảnh 2
Huy chương chiến thắng hạng nhất truy tặng liệt sĩ Hoàng Đạt Thiêm người cắm cờ
“Quyết chiến Quyết thắng” của Bác Hồ trên cứ điểm đồi Độc Lập - Điện Biên Phủ
Ảnh: Gia đình liệt sĩ cung cấp

Niềm tự hào của quê hương

Trong số các “chiến sỹ Điện Biên” làng tôi, có Lê Đình Tân, Nguyễn Quang Vinh, Trịnh Thư, Lê Văn Quyên, Trịnh Đình Thi…, những chiến sĩ của Trung đoàn 66, Trung đoàn 44, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, đơn vị có nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm, nhiệm vụ bao vây, cô lập, ngăn chặn mọi sự chi viện cho phân khu trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm và phối hợp tác chiến cùng đơn vị bạn tiến công, truy kích, tiêu diệt địch ở Thượng Lào. Còn Lê Đăng Điệng, Hoàng Đình Vóc, Lê Văn Muôn, Trịnh Đình Hồng, Hoàng Đình Hùng, Đặng Văn Y…, những chiến sĩ của Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, cùng với Trịnh Đình Lặt chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, trước khi vào trận, đã từng tham gia làm đường, kéo pháo trải qua những trận đánh truy kích địch trên đường dài hàng trăm cây số núi rừng trùng điệp, vô cùng gian khổ ác liệt  ở Lai Châu - Điện Biên - Thượng Lào, tiến công tiêu diệt tuyến phòng thủ sông Nậm Hu và cắt đứt hành lang nối liền Luang Prabang với Điện Biên Phủ,chịu đựng đói rét, nước suối, rau rừng cầm hơi, ngày đêm đuổi giặc, thực hiện mục tiêu chiến lược nghi binh, cắt đường chi viện và đường rút chạy của địch, siết chặt vòng vây, cô lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tiêu diệt chúng.

Hay Lê Đình Bách, Lê Văn Thong, Trịnh Thế Ngọt, Lê Đình Bốc, Lê Văn Thắm…, những chiến sĩ Trung đoàn 151 (Đại đoàn Công-Pháo 351), trung đoàn công binh nổi tiếng với chiến công “mở đường lên Tây Bắc” lịch sử, mở đường ô tô để xe, pháo và vận tải cơ giới vào trận, bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Những chiến sĩ công binh can trường dũng cảm, 55 ngày đêm bám đường, trên các trọng điểm địch đánh phá ác liệt: Pha Đin, Lũng Lô, bến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi…, chữa đường, phá bom bảo đảm con đường huyết mạch thông suốt cho mọi nẻo đường từ hậu phương lên Tây Bắc, kịp thời chi viện cho Điện Biên Phủ.

Chiến dịch kết thúc trong thắng lợi giòn giã, những “chiến sĩ Điện Biên” làng Bồng Thượng tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ, đã vượt qua bao thử thách gian nguy. Người mất, người còn, người bị thương đều đã thể hiện một ý chí chiến đấu ngoan cường, đức hy sinh cao cả, chiến đấu vì độc lập tự do. Với truyền thống Điện Biên, mang theo tinh thần và khí phách Điện Biên, họ bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vào công cuộc đổi mới, đều trưởng thành và phát huy được bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, người “chiến sĩ Điện Biên” dù ở bất cứ nơi nào.