Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

Những câu chuyện cảm động là chất liệu tạo nên tác phẩm xuất sắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố năm 2020 của Hà Nội lần đầu tiên có một tác phẩm được trao giải Đặc biệt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng báo chí mang tên nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố, chưa từng có tiền lệ lập ra Giải đặc biệt, thay vì chỉ trao các Giải Nhất-Nhì-Ba và Khuyến khích như thường lệ hàng năm. Loạt 5 bài đoạt giải cao nhất mang tên: “Bản lĩnh người Đảng viên trong cuộc chiến chống “kẻ thù vô hình” SARS- CoV-2” của nhóm phóng viên Ban Kinh tế - Xã hội, Báo An ninh Thủ đô. Chúng tôi, những phóng viên thực hiện loạt bài này đã vào tâm dịch để ghi lại những câu chuyện cảm động trong thời khắc lịch sử chưa từng có.
Đồng chí Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (giữa) cùng cán bộ phường trong những ngày chống dịch Covid-19, tháng 3-2020

Đồng chí Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (giữa) cùng cán bộ phường trong những ngày chống dịch Covid-19, tháng 3-2020

Đối mặt thử thách

Hơn 1 năm đã trôi qua, dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều địa phương khiến người dân quay cuồng vừa làm việc, vừa theo dõi tin tức và tìm cách phòng chống dịch, giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng giữa sự bận rộn ấy, câu chuyện về “bệnh nhân số 17” ở phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) - bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Hà Nội khiến nhiều người vẫn chưa thể quên.

Chiều muộn một ngày đầu tháng 8-2020, tôi và Đại úy Nguyễn Chính Trung - Trưởng ban Kinh tế xã hội đến gặp anh Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch để tìm hiểu xem chính quyền và người dân nơi đây đã phòng chống dịch Covid-19 như thế nào. Chúng tôi muốn trực tiếp lắng nghe, trực tiếp nhìn thấy những con người cùng với câu chuyện cảm động của họ. Vị Chủ tịch phường có dáng người thư sinh, hốc mắt trũng sâu do thiếu ngủ và áp lực công việc hàng ngày. Trước đó, trong thời điểm chống dịch tại địa bàn của mình, chính anh đã sụt hơn 4kg. Trong suy nghĩ của tôi, anh Nguyễn Dân Huy là một người điềm đạm và kiệm lời, nhưng câu chuyện anh kể về công việc không vì thế mà kém phần hấp dẫn.

Trong những ngày chống dịch tháng 3-2020 tại phường Trúc Bạch, mỗi ngày anh Huy phải nghe hàng chục cuộc điện thoại. Đó là những chỉ đạo từ cấp trên, thông báo tình hình từ cấp dưới, những cuộc gọi từ người thân, bạn bè thăm hỏi... Chưa bao giờ mà số lượng cuộc gọi điện thoại của đồng chí Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch lại dồn dập đến thế. “Cứ nhận xong 1 cuộc là đã thấy báo tới 3-4 cuộc gọi nhỡ. Như vậy là đủ biết độ “nóng” của Trúc Bạch khi đó thế nào” - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ.

Không chỉ điện thoại liên tiếp đổ chuông, công việc của người “chỉ huy trưởng” phường Trúc Bạch cũng nhiều không kể hết. Có những khi đã quá nửa đêm, anh Huy cùng anh em cán bộ phường tranh thủ ăn bữa tối bằng bát mì tôm úp tạm thì lại nhận được lệnh đưa người đi cách ly, tiến hành phong tỏa khu vực có ca nghi nhiễm. Bỏ lại bữa ăn còn dang dở, các cán bộ phường Trúc Bạch lập tức lên đường làm nhiệm vụ vì chống Covid-19 không thể chậm trễ dù 1 phút. Khi xong việc trở về, bát mì đã nguội ngắt chẳng thể nuốt trôi.

Một lần khác, anh Huy không khỏi lo lắng khi trực tiếp chứng kiến chị Lan, cán bộ y tế phường Trúc Bạch đang làm nhiệm vụ thì bị chảy máu cam. “Chị ấy đã phải làm việc quá tải liên tục nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Tôi chỉ còn biết động viên chị Lan và anh em mà khó có thể làm được gì hơn vì còn nhiệm vụ, còn trong khu cách ly” - anh Huy bùi ngùi khi nhắc tới những cán bộ của mình.

Ngày 8-3-2020 đáng nhớ của cán bộ phường Trúc Bạch trong khu cách ly những ngày chống dịch

Ngày 8-3-2020 đáng nhớ của cán bộ phường Trúc Bạch trong khu cách ly những ngày chống dịch

Vững vàng để chiến thắng

“Trận chiến” chống Covid-19 của phường Trúc Bạch diễn ra chưa đầy 1 tháng, nhưng người “chỉ huy trưởng” và cán bộ của phường đã xử lý khối lượng công việc bằng mấy tháng cộng lại. Họ vừa chống dịch, vừa phải giải quyết các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn với nhiều đêm thức trắng, ăn nghỉ tạm bợ. Trong suốt thời gian ấy, ánh đèn trong phòng làm việc của UBND phường Trúc Bạch (khi ấy còn đang xây dựng dở dang) chưa bao giờ tắt. Bước chân của người cán bộ trong cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2 chưa bao giờ dừng lại vì nhiệm vụ cấp bách. Tâm dịch này cũng khó khăn hơn nơi khác bởi đây là nơi đầu tiên của Hà Nội có ca nhiễm Covid-19, kinh nghiệm chống dịch chưa có, trang thiết bị bảo hộ rất sơ sài chỉ với một chiếc khẩu trang, cán bộ không tránh khỏi áp lực, lo lắng, thậm chí có lúc hoang mang.

Trong các nhân vật tôi gặp gỡ để phỏng vấn, với tư cách là người dân tại phường Trúc Bạch, bà Nguyễn Thị Minh Trang - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Trúc Bạch cũng cho biết, ngày thường gặp cán bộ, người dân chỉ chào hỏi xã giao. Nhưng khi dịch đến, nhìn bữa cơm hộp khô khốc, nguội ngắt của cán bộ phường, tình đoàn kết, lòng yêu thương lại dâng lên. Thế nên nhiều người dân phường Trúc Bạch đã “tiếp sức” cho cán bộ phường những bữa ăn cải thiện. Tuy nhiên, cán bộ phường lại không dám nhận vì quy định phòng chống dịch.

Khi trở lại nơi đã từng là tâm dịch, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại những câu chuyện, những tình tiết chống dịch nơi đây để làm rõ vai trò của người Đảng viên trong “cuộc chiến” chống SARS-CoV-2, để nhân lên những hình ảnh đẹp, nâng cao ý thức người dân, từ đó sớm đẩy lùi dịch bệnh. Tôi cũng mường tượng về những câu chuyện, những hình ảnh mình có thể thu lượm được và dựng bài. Thông thường, để hoàn thành một bài viết dạng này mất khá nhiều thời gian. Nhưng ngoài dự liệu, từ câu chuyện của anh Nguyễn Dân Huy, của bà Nguyễn Thị Minh Trang, tôi thấy nhịp sống hối hả, khẩn trương trong những ngày Trúc Bạch chống dịch cũng đang thôi thúc mình.

Nhà báo Nguyễn Chính Trung - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội thay mặt nhóm tác giả An ninh Thủ đô đón nhận giải báo chí Búa liềm Vàng do lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng tháng 2-2021

Nhà báo Nguyễn Chính Trung - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội thay mặt nhóm tác giả An ninh Thủ đô đón nhận giải báo chí Búa liềm Vàng do lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng tháng 2-2021

Những tình tiết nhân vật được các nhân vật kể lại tự nó đã là những câu chuyện đầy chất liệu lay động lòng người, bởi những tình huống khắc nghiệt tưởng như khó có thể thấy trong cuộc sống yên bình hôm nay. Thế nên, tôi chỉ ghi lại câu chuyện một cách chân thật và nhanh chóng hoàn thành bài viết. Tôi cảm thấy câu chuyện này đã truyền cho bạn đọc cảm hứng, tinh thần trách nhiệm hoặc như tôi đã góp phần vẽ lại bức tranh của những ngày sôi động, khẩn trương, đầy tình người trong những ngày Hà Nội đối đầu với đại dịch.

Cuộc chiến nào cũng có sự khốc liệt riêng với những rủi ro, mất mát. Dù không có tiếng súng, nhưng SARS-CoV-2 lại là “kẻ thù vô hình” khó đoán định và đem đến nhiều nguy cơ. Hôm nay, cả nước vẫn đang gồng mình chống Covid-19, cuộc chiến chưa biết khi nào kết thúc. Với tác phẩm đoạt giải Đặc biệt của Giải thưởng báo chí Ngô Tất Tố, chúng tôi thấy may mắn vì được thành phố ghi nhận, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi đã là một trong những người ghi lại khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội trong những ngày đầu chống dịch.