Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (Bài 3)

Những căn hầm tuyệt mật trong lòng Hoàng thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cũng kể từ khi khu di chỉ 18 Hoàng Diệu phát lộ và sau đó Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010, nhiều bí mật về không gian “thiêng” Hoàng thành - Thăng Long đã được mở ra khiến người ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong đó phải kể đến hệ thống các căn hầm đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - chiến tích kỳ diệu vang dội khắp năm châu!
Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà D67

Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà D67

“Cung điện ngầm” nằm sâu 9m dưới lòng đất

Năm 2004 khi Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách tham quan thì một di tích đặc biệt cũng đồng thời được phục hồi và giới thiệu với mọi người, đó là di tích nhà D67. Tòa nhà được Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế và xây dựng vào tháng 4-1967 trên diện tích hơn 600m2 với tên gọi đầy đủ là Nhà Hầm Quân ủy Trung ương.

Thoạt nhìn bên ngoài, khu nhà trông không có gì đặc biệt, thậm chí quy mô có vẻ còn khiêm tốn so với hình dung về một công trình quân sự kiên cố. Tuy nhiên, khi bước vào trong nơi này mới cảm nhận được hết tính ưu việt trong từng thiết kế. Theo đó, toàn bộ tường, mái nhà đều được xây bằng bê tông cốt thép nguyên khối. Cụ thể, tường ngoài dày 0,6m, tường ngăn dày 0,28m; mái có ba lớp: trần dày 0,15m, giữa đệm cát dày từ 0,7 - 1,15m, lớp trên dày 0,35m.

Trong khu nhà D67 thì căn phòng lớn nhất có diện tích 75m2 nằm ở giữa chính là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Căn phòng này được lắp đặt các thiết bị điện thoại, ghi âm nhằm đảm bảo thông tin liên lạc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa Xuân 1975.

Đây là nơi các danh tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng… đã làm việc trên 7.000 ngày đêm để lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Bên cạnh đó là 3 căn phòng khác gồm: phòng nghỉ giải lao, phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phòng làm việc của Tổng Tham mưu trưởng - Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đặc biệt, từ nhà D67 có hai cầu thang, mỗi bên 45 bậc, đường hầm rộng khoảng 1,2m dẫn xuống hầm D67 (còn gọi là hầm Quân ủy Trung ương).

Nhắc đến căn hầm D67 thì nơi đây còn được mệnh danh là “cung điện ngầm” nằm sâu chục mét dưới lòng đất. Căn hầm này không chỉ được thiết kế kiên cố với nhiều lớp cửa ngăn được nước lẫn chống bom hạng nặng, mà còn có phòng riêng chứa các thiết bị thông hơi, lọc độc, cung cấp không khí sạch để có thể ứng phó với những cuộc tấn công hóa học, sinh học. Phía trong hầm có phòng họp lớn rộng hơn 35m2 và phòng trực ban có diện tích khoảng 13m2 để làm việc. Các căn phòng dưới hầm đều được kết nối với điện máy phát, hệ thống thông tin liên lạc, hậu cần, lương thực...

Đặc biệt, từ tháng 9-1968 đến 30-4-1975, nơi này đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam để đề ra các chủ trương, kế hoạch chiến lược và phát đi mệnh lệnh chiến đấu với tinh thần: “Thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận”. Trong đó có quyết định tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 12 ngày đêm năm 1972, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia, giải phóng biển đảo, cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Theo tư liệu lịch sử, cũng chính tại khu Nhà và Hầm D67, trưa 30-4-1975, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chạy ùa ra sân “Nhà Con Rồng” để đón tin giải phóng miền Nam trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Nơi diễn ra “cuộc đấu trí” với Lầu Năm Góc

8 năm sau khi mở cửa đón khách tham quan Nhà và Hầm D67 thì Ban quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới quyết định “giải mã” thêm một căn hầm nữa. Đó là hầm chỉ huy tác chiến T1 nằm bên dưới tòa nhà Cục Tác chiến - công trình quân sự được đánh giá là một trong những kiến trúc kiên cố và hiện đại nhất thời bấy giờ.

So với hầm D67 thì hầm T1 có quy mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn song lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn hầm này có kết cấu “nửa nổi nửa chìm” trên tổng diện tích 64m2, hầm được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép nguyên khối và chia ra làm 3 phòng: phòng trực ban tác chiến, phòng giao ban tác chiến và phòng kíp trực.

Nóc hầm nhô lên khỏi mặt đất khoảng 1,5m và chia thành 3 lớp - hai lớp bê tông và lớp giữa là cát để có thể chịu được sức công phá của bom tấn và tên lửa không đối đất, trụ được qua một vụ tấn công nguyên tử, vũ khí hóa học, sinh học… đồng thời có thể tồn tại trong điều kiện bị dìm sâu trong mực nước ngầm. Bên trong hầm được trang bị nội thất tương đối hiện đại, đồng bộ với hệ thống tiêu đồ, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch. Cũng như hầm D67 thì hầm T1 cũng có phòng lọc khí độc và phòng thu phát sóng.

Được biết việc xây dựng khu hầm này diễn ra từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1966 sự tham gia của khoảng 300 cán bộ chiến sĩ được điều động từ nhiều trung đoàn chuyên môn về đây để làm nhiệm vụ đào, xây hầm. Đặc biệt, để đảm bảo giữ bí mật công việc này, Bộ Tư lệnh Công binh được lệnh phá sập toàn bộ tầng 2 của tòa nhà Cục Tác chiến để ngụy trang, che mắt máy bay do thám của địch. Không ai ngờ ở phía dưới đống đổ nát do bị đánh sập đó, hàng trăm người vẫn ngày đêm gấp rút đào đất, xây hầm. Nhiều thiết bị như: máy thông hơi, lọc khí, cửa sắt, điện đài, loa truyền thông… phục vụ cho hoạt động Cách mạng ở phía trong hầm đều được nhập từ Liên Xô.

Hầm T1 cũng chính là nơi đầu não Trung ương Đảng đưa ra những quyết định có tính lịch sử làm nên dấu mốc vàng son trong sự nghiệp giải phóng dân tộc như: quyết định tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, cuộc tổng tiến công năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng và thống nhất Tổ quốc. Sau năm 1975, Quân ủy Trung ương còn tổ chức một số hội nghị tại nhà D67 để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Tới ngày nay, trong căn hầm này vẫn còn lưu giữ dấu tích về một chiếc điện thoại vô cùng đặc biệt, được đặt tên là “máy số 1”. Tính chất đặc biệt của chiếc điện thoại này ở chỗ, nó được nối trực tiếp với điện thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại nhà sàn của Phủ Chủ tịch. Theo đó, “máy số 1” được đặt ngay gần bàn làm việc của trực ban trưởng (lãnh đạo Cục Tác chiến) để có thể lập tức trực tiếp trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người gọi hỏi về tình hình chiến sự hoặc động viên anh em cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực chiến tại đây. Sau năm 1975, căn hầm này gần như không được sử dụng. Năm 2012, hầm được chỉnh trang, tu sửa và năm 2017 chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Phòng trực ban tác chiến tại hầm T1

Phòng trực ban tác chiến tại hầm T1

Vẫn còn những bất ngờ chờ “giải mã”

Cuối năm 2018, Ban quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long chia sẻ thêm thông tin về 2 căn hầm nữa nằm trong không gian khu di sản văn hóa này. Đó là hai căn hầm có tên gọi hầm D66 và hầm D59.

Theo đó, hai căn hầm này được xây dựng ở phía Bắc nền Điện Kính Thiên, là nơi các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng từng làm việc trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến, chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Thời điểm tiếp nhận và bắt đầu khai phá, tu sửa để bảo tồn, những căn hầm này đều ngập nước và hiện vật gần như không còn nguyên trạng. Tên của hai căn hầm này được đặt theo năm xây dựng còn ghi lại ở nóc hầm là 1959 và 1966. Đến thời điểm này cả hai căn hầm vẫn đang trong giai đoạn chỉnh trang lại, bổ sung thêm tư liệu và hiện vật lịch sử nên vẫn chưa mở cửa đón khách tham quan.

Tìm hiểu được biết, hầm 66 được xây dựng vào ngày 10-2-1966, nằm sâu dưới lòng đất khoảng 6-7m. Hầm có 2 cửa, một cửa quay về phía Nam, cửa còn lại quay về phía Tây. Hầm có kết cấu được chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn rộng khoảng 5m2, có lỗ thông gió, đèn điện và đường điện chìm. Hầm được sử dụng chủ yếu trong thời gian Mỹ ném bom Hà Nội và các tỉnh phía Bắc năm 1972. Còn hầm 59 được khởi công xây dựng vào tháng 9-1959 và hoàn thành vào tháng 12-1959. Hầm không nằm sâu dưới lòng đất như 66, thiết kế hầm với mái vòm và các ngách như địa đạo. Đây cũng là căn hầm chống bom đầu tiên được xây dựng tại Thành cổ.

Cả hai căn hầm trên đây từng là nơi các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng làm việc trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ; đồng thời là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, những quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng dẫn đến thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1973, đỉnh cao là sự chỉ đạo thắng lợi trận “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972. Hầm 59 và hầm 66 còn là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến nhằm chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Hiện tại trong hai căn hầm ý nghĩa trên vẫn còn lưu giữ một số hiện vật như: máy đánh chữ Ốttêma của Đức, sổ kẹp tài liệu, giấy than… Tại hầm 66, các cán bộ cơ yếu được giao nhiệm vụ đánh máy các công văn, chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định của lãnh đạo cấp cao gửi các chiến trường, mặt trận để chỉ đạo các lực lượng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ. Đặc biệt, nhiều tài liệu khẩn viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đưa cơ yếu mã dịch rồi chuyển đi ngay trong vòng hơn một tiếng đồng hồ.

Để có thể mở cửa hai căn hầm 59 và 66 để đón khách tham quan, phía Ban quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tiến hành gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử từng làm việc tại hai căn hầm này để sưu tầm thêm các thông tin và hiện vật liên quan. Tuy nhiên những gì thu thập được chưa đủ căn cứ để khôi phục và trưng bày.

Theo ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, các di tích Cách mạng là một trong những tiêu chí góp phần đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010. Và để bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị các di tích cách mạng, năm 2018 này, Trung tâm đã triển khai kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về các di tích cách mạng, đặc biệt nguồn tư liệu về 2 căn hầm 59 và 66, gặp gỡ nhân chứng, hoàn thiện hồ sơ khoa học…