Những căn hầm tránh bom, một phần ký ức của Hà Nội

ANTD.VN - Ngày 5-8-1964, Mỹ gây hấn ném bom miền Bắc mở đầu cho cuộc chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Để hạn chế thiệt hại về người khi bị oanh tạc, đồng thời bảo đảm sản xuất và chiến đấu, Trung ương đã chỉ thị cho  Hà Nội yêu cầu  các cơ quan, xí nghiệp, trường học, nhà máy và người dân không có nhiệm vụ phải sơ tán về các vùng quê. Năm 1965 dân số Hà Nội khoảng hơn 1 triệu người, trong đó số dân ở nội thành là 565 nghìn người, nên Ủy ban hành chính thành phố kiên quyết chỉ giữ  lại khoảng 15 vạn người.  

Những căn hầm tránh bom, một phần ký ức của Hà Nội ảnh 1Người dân chuẩn bị xuống hầm trú ẩn ngay trên đường phố Hà Nội

Dấu ấn thời khói lửa

Ngày 25-6-1965, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội và 1 chiếc F4 đã bị bắn cháy rơi xuống Hòa Bình. Hệ thống báo động của thành phố được gấp rút cải tạo, xây dựng, còi tầm được sửa lại thành còi báo động.

Để hạn chế thương vong cho những người ở lại, thành phố đã ra lệnh cho các khu phố, cơ quan, xí nghiệp đào hầm trú ẩn cá nhân, hầm trú ẩn tập thể và hệ thống giao thông hào. Quyết tâm của thành phố là lo đủ cho dân 3 chỗ trú ẩn gồm ở nhà, trên đường, nơi làm việc, kiên quyết không để người dân bị thương vong vì không có hầm.

Tính đến cuối năm 1965, thành phố có 1.000 hầm tập thể, gần 1.000km giao thông hào và hơn 10 vạn hố cá nhân. Sang đầu năm 1966, số hầm cá nhân tăng lên 16 vạn, tính trung bình mỗi người dân có 3,97 chỗ trú ẩn. Hầm tránh bom tập thể xây bằng gạch, có 2 cửa hình chữ chi với mục đích nếu không may 1 cửa  bị bịt thì dân trú bom có thể thoát ra cửa kia. Hầm cá nhân thì được đúc bằng xỉ than trộn với vôi và một chút xi măng sau đó chôn xuống hè phố. 

Năm 2011, khi thi công quán bar trong khách sạn Metropole, các công nhân đã phát hiện ra một căn hầm tránh bom nằm dưới  lòng đất. Căn hầm rộng khoảng 40m2 với 2 lối vào, được xây dựng vào đầu năm 1966 (khi đó khách sạn này có tên là khách sạn Thống Nhất).

Trên bức tường của căn hầm, ông Bob Devereaux, một  nhà ngoại giao người Úc đã khắc tên mình lên đó. Khi được hỏi về chuyện này, ông Bob nói rằng: “Có thể lúc đó tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có việc gì để làm. Trong lúc mò mẫm chai rượu bị ngập, tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường”.

Căn hầm cũng đã đi vào  bài hát “Where are you now my sun” (Con trai ơi, giờ này con ở đâu?) của ca sĩ người Mỹ Joan Beaz. Tháng 12-1972, Joan đã ở trong căn hầm và ca sỹ đã kể lại: “Chúng tôi tụ tập ở sảnh chờ đón Giáng sinh... Trở lại căn hầm tránh bom nơi có 2 người phụ nữ ở đó... Rực sáng hơn hết thảy những quả bom ném xuống Hà Nội trong đêm...”.

Thực ra hầm bom đã được đào ở Hà Nội từ năm 1945, khi quân Đồng Minh ném bom vào các vị trí quân đội Nhật. Dù trước khi máy bay Đồng Minh ném bom họ đã thông báo cho dân chúng bằng cách rải truyền đơn, tuy nhiên bom không có mắt và vẫn rơi vào khu dân cư mà một trong những lầm lẫn đó là bom rơi ở chợ Hàng Da khiến nhiều dân thường bị chết.

Để hạn chế thiệt hại cho quân đội Nhật và dân chúng, thị trưởng Hà Nội Maruyama (nắm quyền từ tháng 3 đến tháng 7-1945) đã ra lệnh đào hầm trú ẩn ở khu phố cổ, đồng thời cho gắn biển chỉ dẫn nơi có hầm tránh bom bằng chữ Pháp và chữ Việt. Maruyama cũng cho đào hầm ở vườn hoa Chí Linh (Công viên Lý Thái Tổ ngày nay) làm chỗ tránh bom cho nhân viên Tòa thị chính. Khi có báo động các nhân viên sẽ theo đường hào từ Tòa thị chính chạy ra hầm này. Trong chiến tranh chống Mỹ, căn hầm xây bằng gạch hình chữ chi trở thành hầm tránh bom công cộng. Năm 2004 khi dựng tượng Lý Công Uẩn, UBND thành phố quyết định giữ lại căn hầm này bằng cách xây bệ đặt tượng Lý Công Uẩn lên trên nóc hầm.

Những căn hầm tránh bom, một phần ký ức của Hà Nội ảnh 2Tự vệ nhà máy thiết bị bưu điện Hà Nội khẩn trương tu sửa nắp hầm, chuẩn bị tốt hầm hào chiến đấu

Nơi đưa ra những quyết sách kiên cường

Như vậy căn hầm tránh bom đầu tiên ở Hà Nội đã xuất hiện cách đây 74 năm. Và sau khi Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris thì một số hầm trú ẩn cá nhân trên phố bị lấp. Thế nhưng tháng 4-1972 Mỹ ném bom trở lại miền Bắc trong đó có Hà Nội thì ngay lập tức thành phố lại cho đào thêm hầm trú ẩn cá nhân.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, máy bay Mỹ đã ném bom Hà Nội giết hại nhiều dân thường ở phố Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai, các xã thuộc huyện Gia Lâm và Đông Anh, gây thiệt hại lớn về người và  tài sản. Tuy nhiên cuộc họp ngày 28-12-1972 tại căn hầm chỉ huy của Thành ủy ở 62 phố Trần Quốc Toản, Bí thư Thành ủy khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Trân đã nhận định “Nếu không có hầm tránh bom thì số người chết sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Không chỉ có hầm tránh bom cho dân chúng mà Hà Nội hiện có những căn  hầm chỉ huy rất đặc biệt, đó là hầm Chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1965 trong khu vực Hoàng thành. Tại đây đã diễn ra rất nhiều cuộc họp do các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chủ trì, đưa ra những quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đặc biệt, đêm 18-12-1972, tại hầm này, Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng phòng không mở màn trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm để làm nên một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội. Một căn hầm khác vừa là nơi chỉ huy cũng là nơi làm việc của Thành ủy từ năm 1966 đến 1968 là căn hầm ở đình Võng Thị (nay thuộc phường Bưởi).

Hầm không chỉ là nơi tránh bom mà trong ký ức của nhiều người nó còn là nơi thể hiện tình người trong thời chiến, người ta nhường nhau chỗ trú khi có báo động, hỗ trợ nhau khi chẳng may gạch đất trùm lấp nắp hầm. Và có cả tình yêu nảy nở trong tiếng bom của kẻ thù… 

Tin đọc nhiều