chất vấn và trả lời chát vấn trước hội đồng nhân dân TP hà nội khóa XIV:

Những bức xúc vẫn... y nguyên

ANTĐ - Hôm qua, 12-7, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XIV bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn. 2 Phó Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở Xây dựng đã lần lượt đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu HĐND TP.

Quang cảnh còn nhếch nhác của Trung tâm tổ chức sự kiện nằm trong khuôn viên 

dự án Công viên Tuổi trẻ

1 công viên, 2 nhiệm kỳ vẫn dở dang

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi là người đầu tiên trả lời về vấn đề quản lý, xây dựng các công viên, vườn hoa. ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) hỏi: “Ai chịu trách nhiệm việc cho phép điều chỉnh quy hoạch công viên hồ Thành Công, không cẩn thận thì công viên biến thành ao làng? Dự án Công viên Tuổi trẻ sai phạm kéo dài 10 năm, trách nhiệm của TP thế nào?”. ĐB Nguyễn Tùng Lâm (Đống Đa) tiếp: “Vào công viên nào cũng mất tiền, có miễn được vé không?”. ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) chất vấn: “Xã hội hóa công viên sao quá chậm trễ, mắc ở đâu? Sao cử tri có thể hài lòng với những công trình công viên kéo qua 2 nhiệm kỳ vẫn chưa xong?”.

Phó Chủ tịch UBND TP đáp: “Xã hội hóa đúng là rất khó khăn. Nhà đầu tư nào cũng muốn điều chỉnh quy hoạch, mà như thế thì không được nên dự án tắc. TP đã cố gắng hết sức nhưng cũng mới xã hội hóa được... 2 công viên”. Thừa nhận đầu tư công viên rất chậm do thiếu vốn, GPMB phức tạp, quản lý lỏng lẻo... ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, cuối năm 2012, TP sẽ chuyển đổi mô hình quản lý công viên để khắc phục những hạn chế trên. “Xin rút kinh nghiệm vì cưỡng chế, giải tỏa sai phạm ở các dự án công viên thời gian qua có chậm”, vị đại diện UBND TP hứa, “sẽ xử lý dứt điểm những sai phạm đó trong quý IV-2012”. 

Chưa thỏa mãn, nhiều ĐB HĐND tiếp tục đứng lên đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND TP và Sở Xây dựng trong việc để các dự án công viên chậm trễ hàng chục năm qua. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt lên tiếng: “Chưa rõ trách nhiệm! Phải xem xét trách nhiệm từ trên xuống. Nếu không làm rõ thì lần này chất vấn, lần sau lại chất vấn mà cử tri cứ bức xúc mãi...”. ĐB Đặng Đình An (Đống Đa) nói: “TP phải làm rõ ai quản lý chứ để năm cha ba mẹ thành ra không rõ trách nhiệm. Phải trả lại các công viên đúng ý nghĩa là công trình phục vụ nhân dân. Không thể để bức tường công viên ngày càng kiên cố hơn”. Phó Chủ tịch UBND TP trả lời: “Việc lớn hay nhỏ đều thuộc trách nhiệm của UBND TP. Chúng tôi không đổ trách nhiệm cho ai hết. Nhưng có những tồn tại từ nhiều năm trước, giờ TP đang phải khắc phục. Dù có phân cấp cho quận, huyện nhưng trách nhiệm quản lý chuyên ngành ở đây thuộc Sở Xây dựng...”. Phân trần chuyện vé vào cửa, Phó Chủ tịch UBND TP nói: “Giờ đều là xã hội hóa, doanh nghiệp đã đầu tư thì cũng phải thu phí để bù đắp...”.

Xem xét điều chỉnh trần phí dịch vụ chung cư

Mở đầu phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, ĐB Bùi Huyền Mai (Đông Anh) hỏi: “Xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp tại các khu chung cư, trách nhiệm của thành phố ở đâu?”. ĐB Nguyễn Hoài Nam tiếp: “Quản lý rõ ràng có vấn đề. Cơ quan quản lý phải thể hiện trách nhiệm của mình chứ không thể bỏ mặc người dân tranh cãi với chủ đầu tư”. ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Chương Mỹ) lên tiếng: “TP đã ban hành trần phí dịch vụ chung cư nhưng sao tranh chấp vẫn liên miên, giải pháp xử lý như thế nào?”.

Giám đốc Sở Xây dựng thanh minh: “Cơ quan quản lý có đứng ra giải quyết tranh chấp chứ không bỏ mặc. Khi có vụ việc, chính quyền địa phương, Sở Xây dựng đều vào cuộc cùng với người dân, chủ đầu tư phối hợp tìm hướng giải quyết”. Về phí dịch vụ chung cư, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội là thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành mức trần. Tuy nhiên, tới nay, quy định này đã xuất hiện những bất cập. Sở Xây dựng đã báo cáo TP để điều chỉnh.

Trả lời câu hỏi của một số ĐB HĐND TP về việc cấp “sổ đỏ” cho nhà chung cư ở Hà Nội đạt tỷ lệ rất thấp khiến người dân bức xúc, ông Nguyễn Thế Hùng “giới thiệu” phần này thuộc trách nhiệm Sở TN-MT Hà Nội. Kết quả, hướng khắc phục tình trạng “sổ đỏ” bị “treo” đã không có lời đáp.

Là thành viên UBND TP cuối cùng đăng đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên) hỏi: “TP cần làm rõ gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng đang sống dở, chết dở hiện nay?” ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân) thắc mắc: “DN ngắc ngoải trong khi ngân hàng vẫn lãi lớn, TP có hướng giải quyết không?”. ĐB Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn) nêu vấn đề: “Đà Nẵng vừa rồi chi tiền ngân sách mua căn hộ để hỗ trợ DN bất động sản. Hà Nội có giải pháp riêng nào tương tự như thế không?”.

Ghi nhận những khó khăn của DN, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nói: “Đầu tư công cắt giảm. Bất động sản đóng băng. Tín hiệu phục hồi chưa rõ. Nhiều ngành hàng tồn kho rất lớn, đầu ra không có. TP biết rõ tình hình này nên đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN xây dựng. Dù thắt chặt đầu tư công nhưng dự án nào đã được duyệt thì vẫn làm, mắc ở đây chỉ là thủ tục. TP sẽ khẩn trương tháo gỡ...”.


Đánh thuế lũy tiến biệt thự bỏ hoang

Trả lời câu hỏi về biện pháp khắc phục tình trạng biệt thự bỏ hoang, UBND TP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, Hà Nội có 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Về giải pháp, UBND TP cho biết, sẽ hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, nhất là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Đồng thời, xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô; bàn giao nhà hoàn thiện. TP cũng kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. TP cũng cam kết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng theo các thời hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm bỏ hoang biệt thự.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh: Ghi lại tiến độ thực hiện lời hứa

“Quan trọng là các giải pháp đưa ra thực hiện như thế nào. UBND TP cần tập trung giải quyết có hiệu quả các nội dung chất vấn bao gồm những nội dung trả lời tại hội trường và trả lời bằng văn bản theo hướng rõ cơ quan, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ thời gian thực hiện. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những điều đã hứa, cam kết trước HĐND TP và cử tri. Sau kỳ họp, sẽ có thông báo kết luận phiên chất vấn để ĐB HĐND và cử tri theo dõi, giám sát việc giải quyết những nội dung chất vấn. UBND TP phải có báo cáo việc thực hiện các nội dung chất vấn tại kỳ họp để đăng báo công khai trước ngày khai mạc kỳ họp tới”. 

ĐB Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Trách nhiệm cá nhân chưa rõ

“Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã đi đúng và trúng vấn đề. Cách đặt câu hỏi chất vấn thẳng thắn, xây dựng, có trao đi đổi lại mang tính đối thoại. Phần trả lời của đại diện UBND TP đã nêu ra được các giải pháp với lộ trình thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, phần trả lời về trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan chưa được rõ. Không khí chất vấn thẳng thắn, đối thoại sẽ mang lại kết quả khả quan. Điều này không chỉ giải quyết một vấn đề cụ thể mà có tác dụng lan tỏa tới các cơ quan chức năng của thành phố ở những lĩnh vực, công việc khác. Phong cách làm việc mới của HĐND TP chắc chắn có tác động tích cực tới công việc điều hành chung của thành phố”.

ĐB Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP: Không chấp nhận hồ biến thành ao

“Cần khống chế, không thể điều chỉnh mật độ của các công trình xung quanh hồ Thành Công như đã làm đối với công trình của Tập đoàn Dầu khí vào năm 2004. Không thể nói công trình của Tập đoàn Dầu khí xây dựng cao tầng như vậy thì công trình khác cũng được xây cao. Trước đây, có thể xác định công trình này là điểm nhấn về kiến trúc nhưng nếu đồng ý cho các ô đất khác, công trình khác cũng được điều chỉnh thì hồ Thành Công sẽ trở thành... cái ao. Nếu đã điều chỉnh sai rồi thì có quyền điều chỉnh lại vì yêu cầu kinh tế - xã hội và yêu cầu cảnh quan kiến trúc”.