Những bình yên lặng lẽ

ANTD.VN - Người Hà Nội có cái thú uống cà phê vỉa hè. Quán nhỏ, chủ khách quen mặt nhau, biết gu nhau đã từ lâu lắm. Đến “cữ”, khách tới kéo cái ghế gỗ con con không có lưng tựa, thế là không cần phải gọi, chỉ thoáng cái cà phê đã được mang ra, đặt vào chiếc ghế y hệt như thế trước mặt - làm bàn. Kiểu quán như thế, khách không nhiều, có khi chia ra 2 cữ sáng chiều chỉ ngót hai chục người. Đã vậy, khách lại thường ngồi lâu. Bởi thường là người già.

Những bình yên lặng lẽ ảnh 1Đọc báo ở phố (ảnh: Mai Kỳ)

Người già, quỹ thời gian cho cuộc đời còn lại có thể là ngắn, nhưng quỹ thời gian cho mỗi ngày lại rất dài. Tôi có đêm thức viết muộn, 3h sáng nhìn xuống đường đã thấy có người già đi tập thể dục. Mấy cụ mặc áo ấm, giày vải mềm, nhóm đôi, nhóm ba, cứ thế rủ rỉ đi vòng quanh hồ. Hết vòng này tới vòng khác, như không biết mệt, và chắc chắn là không biết chán.

Bạn - một thanh niên, hoặc trung niên - hàng ngày mắt nhắm mắt mở dậy lúc 7h kém, tất tả làm các thủ tục đầu ngày để đến công sở kịp lúc 8h, vật vã tới 17h về nhà, lại cơm nước nhà cửa con cái, cho đến khi ngả lưng xuống nghỉ ngơi thì đã là 21h và chỉ muốn đi ngủ. Bạn sẽ luôn than thở rằng ngày ngắn quá, thời gian cho bản thân ít quá, giá như mình phân thân ra được, giá như 1 ngày có 48 tiếng… Bạn sẽ chẳng có cách nào hiểu được, một người dậy tập thể dục lúc 3h sáng và kết thúc ngày bằng ấm trà lúc 23h đêm sẽ tiêu dùng thời gian như thế nào, sẽ có một ngày ra sao.

Có một bộ phim tài liệu tôi xem đã khá lâu không còn nhớ tên, nội dung nói về thế giới quan của những đứa trẻ mới chập chững tập đi. Phim rất hay, tự nhiên và chớp được nhiều khoảnh khắc đắt giá.

Để làm được điều đó, quay phim luôn trong tư thế ngồi xổm, hoặc bò toài, tóm lại sao cho góc máy quay ngang bằng với tầm nhìn của một đứa trẻ. Đặt mình vào vị thế của người khác - là cách hiệu quả nhất và tiệm cận nhất với mục tiêu thấu hiểu. Nhưng rất tiếc, chúng ta thường không đủ kiên nhẫn để làm điều này, nhất lại với người già.

Những bình yên lặng lẽ ảnh 2Nhà báo Phạm Gia Hiền

Bởi vì không được lắng nghe và chia sẻ, thường thì người già cô đơn. 

Nắng xiên qua vòm lá, và mọi thứ đều rất đẹp, rất bình yên. Dù tất cả các nhân vật trong khung cảnh ấy, đều đã rất già.

Nếu ở phương Tây, nhà dưỡng lão là lựa chọn phổ biến và tự nguyện của người già, thì ở những quốc gia mang nặng lễ giáo truyền thống như Việt Nam, điều đó đồng nghĩa với con cái không tròn đạo hiếu.

Vậy là mô hình tam - tứ đại đồng đường, được bảo tồn và duy trì phổ biến, dù nhiều khi là hình thức. Trong những ngôi nhà 4 - 5 tầng, đồng thời cũng vận hành 4 - 5 nếp sống, nếp tư duy khác biệt. Ở đó, ngay trong lòng Hà Nội ồn ào nhộn nhịp, những người già âm thầm cô đơn.

Tôi có người bạn vong niên, là một đạo diễn nổi tiếng, cũng là một nhiếp ảnh gia rất có tài. Giữa con phố sầm uất bậc nhất của Hà thành, nhà ông là một khoảng xanh, yên bình và chậm rãi.

Bạn bè đến bất cứ giờ nào, nếu có ông ở nhà thì hàn huyên, không có thì cứ thoải mái ngồi ở chiếc đôn trước cửa, thư thái. Đã cao tuổi, ông thi thoảng vẫn tự mình thực hiện các chuyến dã ngoại để chụp ảnh.

Sở trường ảnh đen trắng, máy phim, chụp rất ít, và rất đắt, ông tự làm buồng tối, tráng rửa ảnh, ghi chú, rồi cất đi. Gặp ai quý lắm, ông mới lôi ảnh ra cho xem. Ngồi với con người tài hoa ấy, đôi khi tôi cảm nhận thấy sự cô đơn. Không có nhiều người đồng cảm, không còn công chúng, bạn bè thưa vắng, mai một dần, người ta già đi một mình trong tâm trí, trước cả khi tuổi tác kịp tạo ra những dấu ấn quyền lực của mình.

Sợ hãi sự cô đơn, những người già ở phố tìm mọi cách nhóm họp nhau lại. Có thể bạn không nhận ra, nhưng các hội phụ lão chưa bao giờ đông đảo và hoạt động sôi nổi như hiện nay. Gần như tất cả những người có tuổi đều có thể tham gia, bất kể năng lực và sở thích.

Từ hoạt động thiện nguyện, đến sinh hoạt văn hóa, thơ ca nhạc họa, rồi thể thao, cả sinh hoạt chính trị lẫn các phương pháp thực dưỡng mới nhất được truyền miệng. Bất cứ điều gì mà một cụ ông hay cụ bà nào đó quan tâm, đều nhanh chóng trở thành mối quan tâm chung. Những niềm vui được chủ động tạo ra, những sở thích được chia sẻ. 

Chỉ có những nỗi buồn thì thân ai nấy giữ.

Bởi vì, dẫu có thế nào, những ông bố, bà mẹ, người ông, người bà, vẫn muốn giữ cái gọi là thể diện cho con cháu, cho gia đình mình. Cho nên, mỗi ngày mới, dù bắt đầu từ 3h sáng với sự cô đơn, hay kết thúc lúc nửa đêm bên chiếc ti vi bật cho có tiếng người, thì những tiếng thở dài vẫn luôn được nén vào trong.

Bởi vì thế, khi bạn ra công viên, gặp những hội cầu lông, hội thái cực quyền, hội xếp hàng đấm lưng cho nhau, thì bạn sẽ vẫn luôn thấy những nụ cười, chỉ những nụ cười mà thôi. 

Ở quán cà phê phố Hàng Cân mà tôi thỉnh thoảng ghé ngồi, có một cảnh tượng gợi nhiều suy cảm. Vào những chiều nắng đẹp, thường có một nhóm những cụ ông ngồi uống cà phê. Ở ban công tầng 2, phía bên kia đường, một cụ bà ngồi hong tóc. Nắng xiên qua vòm lá, và mọi thứ đều rất đẹp, rất bình yên. Dù tất cả các nhân vật trong khung cảnh ấy, đều đã rất già.