Những bí mật trong lòng công viên đầu tiên của Hà Nội

ANTD.VN - Tôi vẫn nhớ cái lần đầu tiên vào Vườn Bách Thảo Hà Nội. Khi ấy tôi mới là cậu sinh viên chân ướt chân ráo đến Thủ đô, sao giữa thành phố đông đúc mà có một không gian yên bình, nhiều cây xanh và những cặp đôi yêu nhau tình tứ đến thế. Cái ấn tượng ban đầu ấy thật mạnh mẽ, khó quên và giờ đây khi đã trưởng thành, tôi vẫn thấy đó là một chốn yên bình hiếm có giữa không gian phố thị ồn ã.

Bia mộ danh tướng nằm trong lòng đất Vườn Bách Thảo

Vườn Bách Thảo là công viên đầu tiên của Hà Nội, do người Pháp xây dựng, khánh thành năm 1890. Ban đầu người ta định dùng nó làm vườn thí nghiệm trồng cây nhiệt đới, rồi theo biến đổi của thời gian và lịch sử, Vườn Bách Thảo đã trở thành một công viên có các loại chim thú và đã có thời được gọi là Vườn Bách Thú.

Tưởng rằng ở cái nơi có hàng trăm loài cây sinh sống, những thảm cỏ xanh rì, những hồ nước thơ mộng ấy chỉ có những quá khứ êm đềm. Nhưng trong không gian đầy bóng mát yên bình, Bách Thảo vẫn tiềm nhớ những câu chuyện bi ai hoặc hào hùng về một thời quá vãng.

Ngày trước, khi sửa sang Bách Thảo, người ta đã gặp phải một ngôi mộ, trong mộ vẫn còn cân đai, áo mũ và một bia ghi tên Lê Chất. Lê Chất là ai? Tìm lại nguồn gốc thì biết đây là nhân vật mang đầy những mâu thuẫn của thời cuộc, liên quan tới một giai đoạn đầy bi ai của lịch sử, là bài học đáng suy ngẫm về nhân tình thế thái, thăng trầm của lịch sử và đời người.

Viếng mộ ông Lê Chất

Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu,

Ấy cỏ mờ rêu đất một u.

Ấy dũng ấy trung là thế thế!

Mà ân mà nghĩa ở mô mô?

Chim gào hờn sót xuân ầm ĩ

Hùm thét oai lưa gió vụt vù,

Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa,

Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu…

(Nhà văn, nhà báo Phan Khôi năm 1921 làm vần thơ cảm hoài về một cuộc đời oan khuất và mâu thuẫn khi đến viếng mộ danh tướng Lê Chất)

Lê Chất (1769-1826) vốn là một danh tướng của nhà Tây Sơn. Ông đã được anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ hết sức tin dùng. Vào ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực với Tây Sơn, Lê Chất từng giữ chức Thủy sư đô đốc, thống lĩnh thủy binh trấn ải ở cửa Thị Nại, Bình Định, đã tham gia nhiều trận đánh lớn và có những chiến công vang dội.

Nhưng khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn lục đục, Lê Chất đã bỏ chạy sang phía Nguyễn Ánh và trở thành một trong những vị tướng đắc lực phục vụ cho Gia Long. Chức vụ cao nhất mà Lê Chất đảm nhiệm với nhà Nguyễn là Tổng trấn Bắc Thành, cai quản toàn bộ các tỉnh miền Bắc.

Nhưng cuộc đời Lê Chất là một chuỗi những thăng trầm, làm tướng cho Tây Sơn đã có lúc suýt mất mạng vì mâu thuẫn nội bộ; làm quan cho nhà Nguyễn, Lê Chất cũng luôn bị các tướng sĩ tị hiềm vì quá khứ của mình. Bi kịch lớn nhất là sau khi mất được 10 năm, có tấu dâng lên, truy hặc ông có 16 tội lớn nhỏ! Vua Minh Mạng đã xử tội người đã chết bằng cách xóa hết công trạng, san phẳng mộ, đặt bia pháp trị, tịch thu tài sản, truy bắt vợ con.

Phải đến 32 năm sau, đến thời Vua Tự Đức, Lê Chất mới được xóa tội và trả lại danh vị. Cho nên mới xảy ra chuyện tìm thấy bia mộ ông nằm trong lòng đất Vườn Bách Thảo bị chôn vùi cùng dòng chữ: “Chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp”. Mặc dù có một cuộc đời đầy mâu thuẫn, Lê Chất cũng có đóng góp nhất định với lịch sử, ngoài ra, ông là người chủ trương làm bộ “Bắc Thành địa dư chí” - một cuốn sách có giá trị về mặt địa lý, lịch sử.

Cây dầu rái lực lưỡng vươn cao như… cột chống trời, xứng đáng địa vị “anh cả” trong các loài cây trong Bách Thảo

Một sự kiện chấn động ở Bách Thảo

Nhưng từ khi mới xây dựng Bách Thảo, ở đây đã từng diễn ra một sự kiện chấn động không kém. Khi người Pháp trưng dụng những tù nhân ở Hỏa Lò đến xây công viên thì một toán tù nhân 12 người, là các nghĩa quân trong Khởi nghĩa Bãi Sậy bị bắt trước đó, lợi dụng sự sơ hở đã cướp được súng, bắn chết 8 lính Pháp và trốn chạy. Quân Pháp truy đuổi theo, những người này đã quyết tử thủ trong một ngôi chùa ở Từ Liêm, lực lượng hai bên quá chênh lệch, 11 nghĩa quân đã bị giết, chặt đầu, mang về bêu ở Hà Nội, chỉ 1 người may mắn trốn thoát.

Không gian lý tưởng tổ chức đám cưới tập thể, kết duyên cho những đôi vợ chồng trẻ

Cô gái tên Thảo bị... “bắt” trong Bách Thảo

Thời bao cấp, Bách Thảo là một nơi các đôi trai gái rất thích hẹn hò. Nhà văn Bảo Ninh đã kể lại trong truyện ngắn “Bội phản” của mình một câu chuyện về một cô gái tên Thảo, xinh đẹp nhưng chịu nhiều đắng cay. Hồi đó các đôi trai gái thích vào Bách Thảo để tự tình nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng bị dân phòng, cờ đỏ kiểm tra giấy tờ. Và chính Thảo đã một lần bị... “bắt” trong Bách Thảo, những bi kịch nửa khóc nửa cười khiến người ta phải đau khổ, dằn vặt và nhớ rằng đã có một thời như thế.

 “Thiên đường của tình yêu”

Ngay cái thời sinh viên của tôi, quãng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Bách Thảo vẫn còn là “thiên đường của tình yêu”. Các ghế đá trong công viên lúc nào cũng chật kín các đôi. Có những ghế đá, vì bí chỗ quá nên cả hai cặp đôi cùng ngồi tình tự. Đám thanh niên hư vì biết điều ấy nhiều khi còn đến công viên thật sớm, chiếm ghế đá và đòi mặc cả cho một chỗ ngồi. Các đôi trai gái ngồi chơi thì mọi đồ đạc đều phải treo trên người như túi xách, mũ, thậm chí giầy dép cũng phải đề phòng vì đã rất nhiều người trong lúc mải mê yêu đương đã bị lấy mất túi xách, giầy dép vì kẻ trộm… nằm ngay dưới ghế đá.

Giờ thì khi dạo chơi trong Bách Thảo người ta không cần phải nhớ đến một trang quá khứ bi ai nữa, không còn là “thiên đường tình yêu” nhưng Bách Thảo vẫn là nơi nhiều người đến hóng mát, đi bộ, tập thể dục. Đảo Con Nhện nằm giữa mặt hồ êm đềm nuôi rất nhiều chim bồ câu và có cả khu vườn tượng để điểm xuyết những nét tinh tế cho một công viên có lịch sử lâu đời nhất Hà Nội.

Bách Thảo cũng là nơi vợ chồng già kỷ niệm đám cưới vàng, sau nửa thế kỷ thành hôn

Chuyện những loài cây

 Nhưng nói đến Bách Thảo, quan trọng nhất vẫn là những loài cây ở đây. Bách Thảo là một trong những công viên có sự đa dạng nhất về mặt sinh học ở Hà Nội với hàng trăm loài cây sinh sống, dù quy mô so nhỏ hơn với lúc mới thành lập rất nhiều. Và trong các loài thực vật ở Bách Thảo hiện thời, loài cây xứng đáng với địa vị “thủ lĩnh” chính là những cây thuộc họ dầu rái.

Những cây dầu rái cao to, lực lưỡng như những cột chống trời, thân thẳng tắp, vững chãi tưởng như không có gì suy chuyển nổi. Dầu rái được trồng ở vị trí nào tự nó tạo sự khác biệt vì vẻ cường tráng, mạnh mẽ của mình và các loài cây khác dường như cũng phải khiêm nhường trước dáng vẻ oai vệ của người “anh cả”. 

Một loài cây rất nổi tiếng trong Vườn Bách Thảo là cây muồng ngủ ở ngay lối cổng vào. Thân cây to lớn nhiều người ôm không hết, ngay cả những cành nhánh của nó cũng to lớn bằng cả một cây khác. Gốc cây xù xì mang vẻ trầm mặc của thời gian và có rất nhiều loài tầm gửi bám vào. Chỉ cần nhìn ngắm nguyên cái cây muồng ngủ vĩ đại ấy đã cảm nhận được sự cổ kính thâm trầm của Vườn Bách Thảo, sánh ngang với những cây cổ thụ rừng già.

Núi Nùng được mệnh danh “quả đồi triệu đô” trong Bách Thảo, với những gốc cây sưa được vây kín  dây thép gai bảo vệ loài gỗ quý

Núi Nùng hay núi Sưa?

Nhưng nói tới Bách Thảo mà không nói đến cây sưa thì còn khiếm khuyết. Sưa được trồng khá nhiều trên một quả núi đắp nổi trong công viên mà người ta thường nhầm lẫn gọi là “núi Nùng”.  Đó là “núi Sưa” và điều này đã được sách vở ghi lại rất rõ ràng. Loài cây sưa trông bên ngoài không có gì đặc biệt, thậm chí xấu xí và chậm lớn, nhưng thời gian gần đây thì giá trị của cây sưa tăng đột biến.

Trên núi Sưa và trong vườn Bách Thảo còn khá nhiều sưa cổ thụ và nếu nói một nơi có nhiều sưa cổ thụ nhất thì có lẽ không nơi nào vượt được nơi này. Để bảo vệ cho loài cây quý người ta đã phải buộc những dây thép gai quấn vòng quanh thân cây như những kẻ chịu khổ hình.

Nhưng mặc thế, những cây sưa không quan tâm người ta nghĩ gì, cứ xanh tốt quanh năm và vào mùa tháng ba lại nở hoa trắng muốt, những bông hoa nhỏ li ti, tinh khôi ấy cứ trắng xoá một không gian đất trời. Ngoài sưa ra, ở Bách Thảo còn khá nhiều loài cây “độc” và có tên lạ tai như bao báp, tếch, trôm, trâm còng, chòi mòi… luôn xanh tươi tỏa bóng mát cho đời. 

Nhà văn Uông Triều