Những bé gái là ‘‘cỗ máy” trong ngành công nghiệp thuốc lá

ANTĐ - Sáng thức dậy từ khi trời còn tối om đến lúc trời nhá nhem tối, những đứa trẻ phải mất từ 10 đến 14 tiếng mới cuộn đủ 1.000 điếu thuốc lá mỗi ngày, chỉ để nhận được 2 USD.

Những con đường ngoằn nghèo, chật chội, rác rưởi tung vãi khắp nơi ở khu ổ chuột Kadiri (Ấn Độ) như thêm ngột ngạt, bởi không khí lao động gấp gáp, trầy trật của một nhóm lao động gồm cả người lớn và trẻ con. Là con út trong gia đình 4 anh em, cô bé Salma 11 tuổi cũng vừa phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cô bé nói trong tiếng thở dài: “Cháu cũng muốn được đi học nhưng nhà không có tiền, phải chật vật lắm mới trả đủ tiền thuê nhà”. Áp lực công việc đè nặng tới mức nhiều người bỏ cả cơm, thậm chí không uống nước để khỏi mất thời gian vào nhà vệ sinh, thay vào đó cả ngày chỉ biết cắm đầu vào công việc. Vì đơn giản, với họ, không cuộn đủ thuốc đồng nghĩa với việc ngày mai trên bàn ăn của họ không có thức ăn.

Họ quần quật làm việc từ sáng tờ mờ cho tới tối mịt chỉ để lo đủ cho bữa ăn ngày mai và để đủ tiền trả cho cái chỗ che mưa, che nắng mỗi ngày. Mới chỉ 10 tuổi nhưng Sagira thuộc về một đội ngũ đông đảo các lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp thuốc lá ở bang Tây Bengal. Sagira, cô bé có đôi mắt nâu sâu thẳm và một nụ cười tươi, đã phụ giúp làm kinh tế gia đình từ năm 7 tuổi. Cứ 8h sáng hàng ngày, Sagira cùng người anh trai 17 tuổi và chị gái 14 tuổi đã bắt đầu làm việc. Họ cuộn thuốc lá ngay trên sàn nhà, tại các con hẻm, bên cạnh xa lộ. Trong 14 tiếng đồng hồ sau đó, họ làm việc cật lực, chỉ ngừng một chút để tắm và ăn trưa. Cá nhân Sagira, trong những giấc mơ xa xôi, có lúc cô bé mơ ngày nào đó trở thành giáo viên. Nhưng rồi Sagira lại ước mình sẽ có thể cuộn thuốc lá nhanh hơn, bởi điều này hứa hẹn việc cô bé sẽ có cơ hội lấy chồng.

Và như một “truyền thống” thường diễn ra ở đây, chồng Sagira sẽ ngừng làm việc, để vợ con trở thành những người kiếm tiền duy nhất, dĩ nhiên là bằng nghề cuộn thuốc lá. Ông Mahmood Ansari - bố của Sagira cũng tham gia cuốn thuốc khi mới 12 tuổi. Ông Ansari nói rằng nhờ thuốc lá, 7 đứa con của ông đã khá khẩm hơn thời ông còn nhỏ. Gia đình ông kiếm được tổng cộng 150 USD/tháng. Số tiền đó đủ để chi cho 3 bữa ăn mỗi ngày, thậm chí mỗi tuần còn có thêm chút trứng hoặc cá. 

Nhưng có một vấn đề đáng lo ngại và nhức nhối hơn là bệnh tật đang đe dọa từng ngày từng giờ đối với những người đang làm cái nghề công nghiệp thuốc lá đầy nguy hiểm này. Đó là  căn bệnh vàng da và ốm yếu tới mức không thể đứng thẳng người. Bên cạnh đó căn bệnh nhiễm nấm ngoài da ở vùng cổ tay, căn bệnh phổ biến ở những khu vực vệ sinh, dịch tễ kém. Dù cần được điều trị y tế nhưng đến bệnh viện đồng nghĩa với việc  mất 1 ngày công để đứng xếp hàng dài chờ tới lượt mình, cộng thêm rất nhiều khoản phí khác nữa. Riêng tiền đi lại cũng bằng tiền em làm vất vả cả ngày. Ngoài ra, lao phổi, hen suyễn, đau nhức cơ thể và các bệnh liên quan tới hông và khớp xương là những căn bệnh dễ thấy ở tất cả các lửa tuổi trong làng. Việc liên tục tiếp xúc với thuốc lá, người dân vô tình hấp thụ một lượng lớn nicotine qua đường hô hấp và trực tiếp qua da. Da đầu ngón tay của các em bé cứ mỏng dần và đến độ tuổi 40, người ta không thể làm công việc này được nữa.

Chính việc lạm dụng này đã kéo theo môi trường sống bị ảnh hưởng, tiền công rẻ mạt và vắt kiệt sức lao động như những nô lệ thời hiện đại. Công việc này còn vi phạm các quyền cơ bản của con người nhiều cấp độ. Đại đa số các bé gái trong làng phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. 

Năm 1986, theo pháp luật Ấn Độ, sản xuất thuốc lá là công việc độc hại không dành cho trẻ con nhưng việc lợi dụng danh nghĩa trẻ em lao động giúp đỡ gia đình đang tạo thành một lỗ hổng pháp lý cho hành vi bóc lột mới.

Cụ thể theo một nghiên cứu gần đây công bố, ước tính 1,7 triệu trẻ em đang bị bóc lột lao động trong nền công nghiệp sản xuất thuốc lá ở Ấn Độ. Các nhà sản xuất sử dụng lao động trẻ em vì cho rằng những đôi bàn tay của các em sẽ cuốn thuốc dẻo dai, chuyên nghiệp hơn nếu được “huấn luyện” từ bé.