Nhức nhối nô lệ thời hiện đại

ANTĐ - Về lý thuyết, chế độ nô lệ đã bị xoá bỏ cách đây 150 năm song tàn dư của nó vẫn tiếp tục tồn tại cho tới hôm nay và biến tướng hết sức nhức nhối  khiến LHQ phải lên tiếng cảnh báo.

Nhiều trẻ em Ghana phải bỏ học để đi đánh cá

Phát biểu nhân Ngày quốc tế tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây dương (27-3), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser đã kêu gọi cộng đồng thế giới loại trừ mọi hình thức nô lệ hiện đại. Theo ông Al-Nasser, chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ vẫn còn dư chấn đến ngày nay và tiếp tục gây ra sự thù hận, phân biệt chủng tộc, định kiến, phá hoại các lục địa và các nước, gây bất bình đẳng kinh tế xã hội sâu sắc. 

Trong suốt 4 thế kỷ, châu Phi là nơi có nhiều nạn nhân nô lệ nhất thế giới khi hàng triệu người bị bắt và bán sang châu Mỹ. Vậy mà sang tới thế kỷ 21 châu lục này vẫn là nơi có nhiều người bị biến thành nô lệ. Theo số liệu của LHQ, 28 triệu người châu Phi đã bị bắt, bị cưỡng bức rời khỏi quê hương và bị bán thành nô lệ chủ yếu tại các thuộc địa ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Caribe và các đảo ở Đại Tây Dương. 

Tất nhiên, nô lệ thời hiện đại đã biến tướng rất nhiều so với chế độ nô lệ hàng trăm năm trước đây. Nô lệ hiện đại có thể là những phụ nữ, trẻ em bị lao động khổ sai trong các nhà máy, công trình, đồng ruộng... Nô lệ hiện đại cũng có thể là các bé gái, phụ nữ bị bóc lột tình dục trong các nhà chứa khắp nơi trên thế giới hay trẻ em buộc phải cầm súng.

Văn phòng Phòng chống Ma tuý và Tội phạm LHQ (UNODC) cho rằng hiện có trên 2,4 triệu người đang bị bóc lột sau khi bị bọn tội phạm buôn bán. Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho biết, hàng năm trên thế giới có tới 12,3 triệu người bị các mạng lưới tội phạm quốc tế bắt giữ và buộc phải lao động trong các điều kiện vô nhân đạo như nô lệ. 

Nhằm loại trừ mọi hình thức nô lệ hiện đại, LHQ cho rằng đây là một cuộc đấu tranh kiên trì và lâu dài thông qua luật pháp, giáo dục và hợp tác quốc tế nhằm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và cần thiết về nhận thức, thái độ, hành động cũng như tập quán của con người. Bên cạnh đó cũng cần phải trừng phạt nghiêm khắc tội phạm, đồng thời giúp đỡ các nạn nhân vô tội giành lại cuộc sống và phẩm giá, đảm bảo loại trừ vĩnh viễn mọi hình thức nô lệ.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Al-Nasser, các nước thành viên LHQ cần nỗ lực không mệt mỏi để loại trừ mọi hình thức biến tướng của chế độ nô lệ. Đó là các hình thức phân biệt chủng tộc, buôn bán người, bóc lột tình dục, lao động trẻ em, hôn nhân cưỡng bức, cưỡng bức trẻ em vào lính trong các cuộc xung đột vũ trang…

Nhắc nhở để thế giới không bao giờ quên về số phận bi thảm của hàng chục triệu nạn nhân của chế độ nô lệ trong suốt 4 thế kỷ cũng như tiếp tục cuộc chiến hôm nay, LHQ đang thúc đẩy kế hoạch dựng tượng đài vĩnh cửu lên án chế độ nô lệ tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ). Cũng trong năm nay, LHQ cũng đã và đang tổ chức nhiều sự kiện để vừa tưởng nhớ các nạn nhân nô lệ vừa nhấn mạnh tới các hình thức nô lệ hiện đại cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống nhân loại.