Nhức nhối những thủ đoạn tiền giả

ANTĐ - Theo báo cáo tổng kết của cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả trên địa bàn Hà Nội diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng. 

Đặc biệt, các đối tượng không chỉ buôn bán tiền giả là đồng Việt Nam mà còn có sự xuất hiện của các loại ngoại tệ khác như đô la Mỹ, Euro, Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông, đồng Bạt (Thái Lan)... Nếu như trong giai đoạn trước, tiền giả chủ yếu lưu hành ngoài thị trường thì hiện nay tiền giả đã len lỏi cả vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, kho bạc Nhà nước, hệ thống kho quỹ của các cơ quan doanh nghiệp. Thống kê của cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội cho thấy lượng tiền giả thu giữ tại các tổ chức tín dụng hàng năm còn rất lớn, có những thời điểm lên tới gần 2 tỷ đồng.

Báo động tiền giả

Mới đây nhất, vào đầu tháng 6 vừa qua, CAH Hoài Đức (Hà Nội) đã khởi tố bị can, tạm giam hai đối tượng là Trương Văn Thoa (SN 1974) và Tống Thị Trang (SN 1975, đều ở Đồng Hỷ - Thái Nguyên) liên quan đến hành vi vận chuyển tiền giả và mua bán trái phép chất ma túy. Trước đó, qua công tác trinh sát, CAH Hoài Đức phát hiện một số đối tượng hoạt động vận chuyển tiền giả từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội tiêu thụ. Xác định đây là ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa bàn, Ban chỉ huy CAH Hoài Đức đã xác lập chuyên án trinh sát bí số 414T, tập trung mọi lực lượng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội. Sáng 8-5 lực lượng công an có thông tin Thoa và Trang “ôm” tiền giả và ma túy tổng hợp qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) về Việt Nam để đưa đi tiêu thụ. Các trinh sát đã phát hiện các đối tượng vào một nhà nghỉ ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận, bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển 100.800.000 đồng, gồm 504 tờ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng. 

Thêm một vụ việc khác xảy ra vào cuối tháng 5 cũng nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận liên quan đến việc CATP Cần Thơ bắt giữ đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (41 tuổi, HKTT tại tỉnh Vĩnh Phúc). Dũng được coi là ông trùm, người chủ mưu mua bán hàng tỷ đồng tiền giả tại Cần Thơ. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Dũng là người mang tiền Việt Nam qua Trung Quốc để đổi lấy Nhân dân tệ. Sau đó dùng nhân dân tệ để mua tiền Việt Nam giả với giá 9 nhân dân tệ đổi được 200.000 đồng Việt Nam. Sau khi mua được tiền giả, Dũng đem về Việt Nam bán lại cho các đối tượng khác với giá 3 triệu đồng tiền thật đổi được 10 triệu đồng tiền giả. Các đối tượng này lại tiếp tục bán cho người khác để hưởng chênh lệch với giá 5 triệu đồng tiền thật đổi được 10 triệu đồng tiền giả.

Những thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Tình trạng tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả từ lâu vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối. Các vụ việc liên quan đến tiền giả không chỉ xâm hại đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trật tự xã hội và đời sống nhân dân. Chính vì vậy việc đấu tranh với các đối tượng này luôn đặt ra một yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan chức năng. 

Theo một cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với hoạt động buôn bán tiền giả của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội, nguồn gốc tiền giả thường xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu như trước đây tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì thời gian gần đây số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam có thủ đoạn nhúng tiền giả vào hóa chất làm cho tờ bạc chuyển sang màu sẫm, tạo cảm giác tiền cũ đã được lưu thông từ lâu. Cách này cũng “qua mặt” được máy kiểm tra tiền của ngân hàng và các doanh nghiệp. Tiền giả được làm ở nước ngoài với công nghệ hiện đại, được cải tiến thường xuyên do lợi dụng triệt để những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên có những loại tiền siêu giả (loại tiền mệnh giá 500.000 đồng). Loại tiền này áp dụng kỹ thuật tạo ra các sợi phát quang dưới máy soi khi kiểm tra tiền giả vì vậy các loại máy soi tiền thông dụng không thể phát hiện được, cần phải có những máy soi chuyên dụng. Điều này đã đã hạn chế kết quả đấu tranh ngăn chặn và rất khó trong việc làm rõ ý thức chủ quan của người lưu hành tiền giả.

Có rất nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng để tiêu thụ tiền giả. Tuy nhiên, cách thông thường nhất là lợi dụng lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng để dùng tiền giả mua hàng. Do bị hạn chế về khả năng quan sát nên người bán hàng không phát hiện được hành vi tiêu thụ tiền giả của các đối tượng. Cũng có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng chúng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì chúng đã đi xa. Phân tích về các thủ đoạn của đối tượng tiêu thụ tiền giả, Thiếu tá Dương Đình Thức, Đội trưởng đội Tổng hợp - Phòng An ninh điều tra CATP Hà Nội cho biết, để tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng thường mua hàng có giá trị thấp bằng tiền giả có mệnh giá cao để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật. Thủ đoạn này thường được sử dụng với người bán hàng lẻ. Còn khi mua hàng có giá trị lớn, hoặc khi trả nợ, do nắm được thói quen của người nhận tiền với số tiền lớn thường chỉ kiểm tra những tờ phía ngoài rồi đếm qua gáy chứ không kiểm tra từng tờ, các đối tượng này còn kẹp lẫn tiền giả với tiền thật. Ngoài ra, tiền giả còn được sử dụng vào một số hoạt động bất hợp pháp như: mua vũ khí, ma túy, đánh bạc... Do tâm lý của người đưa tiền và người nhận tiền đều biết đó là hoạt động bất hợp pháp nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng, lén lút, người bán không kiểm tra hoặc nếu phát hiện ra tiền giả cũng không tố giác tội phạm. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội bọn chúng thường di chuyển nhanh khỏi nơi tiêu thụ và thay đổi cách ăn mặc bề ngoài nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. 

Về phương thức lưu hành tiền giả, Thiếu tá Thức cho biết, các đối tượng tiêu thụ tiền giả thường chọn những nơi trình độ dân trí thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người, có khách vãng lai đến tham quan, du lịch. Khi lưu hành chúng thường không mang theo nhiều để phòng trường hợp nếu bị phát hiện thì lấy lý do không biết là tiền giả hoặc do nhầm lẫn. Do việc xé lẻ tiền giả để lưu hành nhằm tránh sự cảnh giác phát hiện của người nhận tiền nên lượng tiền bị phát hiện, thu giữ tuy rất ít, nhưng trên thực tế đối tượng đã tiêu thụ nhiều lần ở nhiều nơi trong môt thời gian dài.

Chuyển tiền giả qua biên giới

Để đưa được tiền giả qua biên giới, các đối tượng thường sử dụng rất nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng, từ việc quấn tiền quanh người, cất trong đồ lót, túi xách, giày dép đang đi cho đến việc cất giấu tiền giả lẫn với các hàng hóa, đồ vật khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng nghĩ ra những chiêu thức hết sức quái chiêu. Hai đối tượng Nguyễn Văn Hương và Hà Văn Hoành (đều ở Lạng Giang, Bắc Giang) khi mang tiền giả từ Lạng Sơn về Hà Nội để giao cho khách hàng đã chọn cách cuốn 200 triệu đồng tiền giả (loại 200.000 đồng) thành 5 cục tiền, bên ngoài cuốn băng dính màu trắng rồi nhét vào bụng 2 con gà. Hay như trường hợp của Nguyễn Thị Toan (trú tại xã Than Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội), sau khi mua được tiền giả Toan dùng lá dong (đã luộc) bọc tiền giả vào trong và hóa trang cho chúng giống như những chiếc bánh chưng để qua mặt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi của Toan sau đó đã bị phát hiện. 

Theo Thiếu tá Dương Đình Thức, các đối tượng buôn bán tiền giả thường hình thành những đường dây, ổ nhóm để vận chuyển tiền giả. Sau khi đưa tiền qua biên giới chúng thường thuê người không quen biết vận chuyển để che giấu hành trình, nếu bị phát hiện thì lực lượng chức năng chỉ bắt giữ được đối tượng vận chuyển thuê mà không tìm được đối tượng chủ mưu thực sự. Có nhiều trường hợp, đối tượng không trực tiếp sang Trung Quốc lấy hàng mà sử dụng điện thoại di động (sim thuê bao trả trước) để liên lạc thỏa thuận giá cả, số lượng, địa điểm giao hàng, ám tính hiệu khi giao nhận tiền giả.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng hoạt động tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả ở Việt Nam là do các đối tượng phạm tội đã tăng cường làm giả các loại tiền có mệnh giá lớn, với độ giống thật cao. Bên cạnh đó do giá thành (tỷ lệ) trao đổi tiền giả và tiền thật ngày càng giảm xuống nên đã tác động vào tính hám lợi của các đối tượng phạm tội tiền giả. Kết quả khảo sát của Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội cho thấy, nếu như năm 2006, tỷ lệ này là 50%, thậm chí là 60% tức là 100.000 đồng tiền Việt Nam giả đổi lấy 60.000 đồng tiền thật thì đến năm 2008, tỷ lệ này còn 35% đến nay tỷ lệ này là 25%, thậm chí là 20%. Bên cạnh đó, việc triệt phá tận gốc những ổ nhóm tiền giả còn gặp phải nhiều khó khăn do hầu hết tiền giả được đưa từ nước ngoài vào. Chính vì vậy để hạn chế việc tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả ở nước ta bên cạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cần phải có sự nâng cao trình độ nghiệp vụ, phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành chức năng để có thể ngăn chặn tiền giả ngay từ cửa khẩu biên giới.

Thượng tá Tào Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng An ninh tài chính tiền tệ - Công an TP. Hà Nội cho biết, phòng An ninh tài chính tiền tệ là đơn vị thường trực được CATP Hà Nội giao nhiệm vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là trong đấu tranh với tội phạm về tiền giả. Trong nhiều năm qua, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng các đơn vị triển khai đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này trên địa bàn. Trong năm 2013, toàn thành phố khởi tố 8 vụ và thu giữ lượng tiền giả là 180 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã điều tra, khởi tố 4 vụ tội phạm về tiền giả, thu giữ 122 triệu đồng tiền giả.