Nhức nhối “điểm đen” Guantanamo

ANTĐ - Cho dù ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố đóng cửa nhà tù Guantanamo trong thời gian 1 năm, song thực tế cho thấy Washington không dễ xử lý nhà tù được xem là “điểm đen nhân quyền” này của Mỹ.

Một tù nhân trong nhà tù Guantanamo được canh phòng nghiêm ngặt

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29-8 ra tuyên bố cho biết 2 phạm nhân người Algeria bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo đã được đưa về nước. Theo đó, Nabil Said Hadjarab (34 tuổi) và Mutia Sadiq Ahmad Sayyab (36 tuổi), là 2 nghi phạm bị quân Mỹ bắt trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào Afghanistan cuối năm 2001 và được đưa về nhà tù Guantanamo từ đầu năm 2002, đã được chuyển giao cho Chính phủ Algeria theo một thỏa thuận công bố hồi tháng trước. 

Hadjarab và Sayyab là 2 trong số ít ỏi những nghi phạm khủng bố giam giữ tại Guantanamo được đưa về “cố hương” kể từ khi nhà tù khét tiếng này được Mỹ thiết lập năm 2002 trong khuôn viên Căn cứ hải quân của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, phần lãnh thổ Mỹ chiếm đóng trái phép của Cuba. Tù nhân gần đây nhất rời Guantanamo là Omar Khadr, người đã trở về Canada vào tháng 9-2012 sau 10 năm bị giam giữ tại đây.

Nhà tù Guantanamo được lập ra dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush để chuyên giam giữ những phần tử mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố hoặc có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda và Taliban sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Tuy nhiên, nhà tù này đã gây tranh cãi gay gắt tại Mỹ và bị dư luận thế giới lên án là một “điểm đen nhân quyền” vì đã giam giữ các nghi can khủng bố trong nhiều năm mà không đưa ra xét xử. 

Cộng đồng quốc tế, từ LHQ, các đồng minh của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Ân xá thế giới, Tổ chức Quan sát nhân quyền, lãnh đạo nhiều nước - đặc biệt là từ các nước Arab quê hương của phần đông nghi phạm… đã thường xuyên kêu gọi Mỹ hoặc phải xét xử hoặc trả tự do tất cả các nghi phạm. “Điểm đen nhân quyền” Guantanamo còn bị chính người Mỹ lên án gay gắt như tờ “Thời báo New York” đã từng gọi nhà tù Guantanamo còn “tệ hơn một nỗi xấu hổ” của nước Mỹ.

Ngay Tổng thống Obama sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên đã gọi nhà tù Guantanamo là “một chương đau buồn của lịch sử Mỹ” và hứa sẽ đóng cửa nhà tù này trong vòng 1 năm. Ông Obama khi đó tuyên bố: “Đóng cửa nhà tù Guantanamo là trách nhiệm của tôi, tôi không muốn chuyển gánh nặng này cho ai”.

Thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, song nhà tù Guantanamo vẫn tồn tại là một “điểm đen nhân quyền” của nước Mỹ. Việc thực hiện cam kết đóng cửa nhà tù này của ông Obama đã gặp phải nhiều rào cản về luật pháp cũng như chính trị, trong đó một trong những khó khăn lớn nhất là tìm kiếm các quốc gia chấp nhận chuyển giao nghi phạm và lệnh cấm của Quốc hội Mỹ về việc giam giữ và xét xử các tù nhân trên đất Mỹ. 

Do vậy, việc đàm phán với những quốc gia như Canada hay Algeria được xem là lối thoát khả thi nhất để giải quyết vấn đề nhà tù Guantanamo, cho dù điều này cũng rất nan giải. Hiện chính quyền Mỹ cũng đang rốt ráo đàm phán với chính phủ Yemen về việc đưa 56 nghi phạm người Yemen đang giam giữ tại Guantanamo về cố hương.

Trong khi đó, theo tiết lộ, nhà tù Guantanamo còn giam giữ 164 nghi phạm khủng bố thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và chừng nào còn nghi phạm khủng bố thì đây còn là một “điểm đen nhân quyền” nhức nhối với nước Mỹ.