Nhức nhối bạo lực trẻ em

ANTĐ - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em trên toàn cầu đã đến mức báo động. Đó là lý do để Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) phát động sáng kiến mới nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết nạn nhức nhối này.

Cảnh đưa em Malala Yousafzai đi bệnh viện cấp cứu 
sau khi bị các tay súng Taliban bắn

UNICEF ngày 31-7 đã triển khai sáng kiến mới “Chấm dứt bạo hành trẻ em” nhằm thúc giục cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ chống lại tình trạng bạo lực, bạo hành trẻ em đang ở mức báo động, khiến hàng triệu trẻ bị tổn thương mỗi năm.  

Sáng kiến này được đưa ra sau hàng loạt vụ tấn công chấn động dư luận nhằm vào trẻ em thời gian qua. Trong đó điển hình là vụ xả súng kinh hoàng làm 26 học sinh thiệt mạng ở thị trấn Newtown, bang 

Connecticut (Mỹ) tháng 12-2012 hay vụ cô bé 14 tuổi Malala Yousafzai ở Pakistan bị Taliban bắn vào tháng 10-2012 song thoát chết kỳ diệu sau thời gian dài hôn mê. 

Buổi phát động sáng kiến đầy ấn tượng thông qua một video clip có sức lay động lòng người do diễn viên và Đại sứ Thiện chí của UNICEF Liam Neeson dẫn chuyện. Video clip đưa người xem đến những cảnh phim phác họa tình trạng bạo lực mà chúng ta không nhìn thấy như nơi mà một bé gái 15 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể hay lớp học của nam học sinh bị giáo viên đánh trước sự chứng kiến của các học sinh khác vì em đã cãi lại.

Các vụ xả súng trường học ở Newtown, cô bé Yousafzai bị bắn, cô bé 15 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể... là số ít trong hàng triệu vụ bạo lực nhằm vào trẻ em trên thế giới mỗi năm. Bạo lực và bạo hành trẻ em có nhiều hình thức, từ nạn nhân của xung đột vũ trang, bóc lột lao động, bóc lột tình dục... cho tới bị đánh đập, đối xử tàn tệ.

Phần lớn các vụ bạo lực trẻ em đều không được thông báo hay biết tới. Tuy nhiên, một kết quả điều tra của UNICEF cho thấy, có tới 20% phụ nữ và 10% nam giới nói từng bị lạm dụng tình dục lúc còn nhỏ hay 1/3 phụ nữ cho hay lần quan hệ tình dục đầu tiên là bị cưỡng ép...

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi đã bị bạo lực và lạm dụng tình dục. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng ước tính có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán mỗi năm.

Bạo lực trẻ em không chỉ gây ra những vết thương về thể chất mà còn để lại những vết sẹo tinh thần, sang chấn tâm lý lớn. Nó tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, làm tổn hại khả năng học tập, giao tiếp và làm suy yếu sự phát triển của trẻ.

Giám đốc Điều hành UNICEF nhấn mạnh: “Bạo lực trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia và mọi nền văn hóa. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu có trẻ em bị bạo lực là chúng ta phải cho mọi người thấy sự phẫn nộ và giận dữ”. Đó cũng chính là thông điệp cơ bản mà UNICEF muốn truyền tải khi công bố sáng kiến “Chấm dứt bạo lực trẻ em” nhằm giúp toàn thế giới nhận thức rõ và cùng nhau hành động để đạt được mục tiêu này.