Nhựa phế thải chồng chất khắp thế giới vì lệnh cấm tái chế của Trung Quốc

ANTD.VN - Việc Trung Quốc quyết định ngưng nhập chất thải nhựa từ các nước khác đang khiến nhựa bị chồng chất khắp thế giới. Các nước phát triển phải tìm cách làm chậm sự tích tụ của một trong những vật liệu phổ biến nhất trên hành tinh.

Các nhà khoa học đã tìm cách định lượng tác động của lệnh cấm nhập khẩu mà Trung Quốc đưa ra đối với ngành buôn bán nhựa trên toàn thế giới, kết quả cho thấy các quốc gia khác có thể cần phải tìm nơi chứa cho hơn 122 triệu tấn nhựa vào năm 2030. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31-12-2017 và sau 6 tháng, tình trạng dự trữ chất thải nhựa này càng trở nên tồi tệ hơn.

Các nước giàu có như Mỹ, Nhật Bản và Đức từ lâu đã chuyển nhựa tái chế của họ sang Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không còn muốn trở thành quốc gia gom chất thải nhựa cho toàn thế giới nữa.

Một trạm trung chuyển nhựa tại Skagit County, Washington, United States

Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã nhập hơn 116 triệu tấn vật liệu nhựa thải từ năm 1992, tương đương với trọng lượng của hơn 300 tòa nhà Empire State cao 102 tầng tại New York.

Cô Amy Brooks, một nhà nghiên cứu kỹ thuật tại Đại học Georgia cho biết, sự thay đổi này đang buộc các nước phải suy nghĩ lại cách xử lý chất thải nhựa. Họ cần phải chọn lọc kỹ hơn về những gì để tái chế và khó tính hơn về tái sử dụng nhựa.

Trong khi chờ đợi để tìm ra cách xử lý hiệu quả hơn, nhiều chất thải nhựa có khả năng bị thiêu hủy hoặc gửi đến bãi rác. Một nghiên cứu cho biết quyết định ngừng sử dụng chất thải nhựa của Trung Quốc cuối năm 2017 đang làm cho nhựa tràn ngập trên toàn cầu.

"Đây là một cuộc thức tỉnh. Trong quá khứ, chúng tôi đã phụ thuộc vào Trung Quốc để xử lý chất thải tái chế này và bây giờ họ đang nói không", Amy Brook nói, "Chất thải đó phải được quản lý và chúng ta phải quản lý nó đúng cách."

Nghiên cứu được công bố hôm 20-6 trên tạp chí Science Advances, sử dụng dữ liệu của Liên Hợp Quốc, cho biết  Trung Quốc đã lấn át tất cả các nhà nhập khẩu nhựa khác, chiếm khoảng 45% lượng chất thải nhựa của thế giới kể từ năm 1992. Song những hậu quả lâu dài đã khiến chính quyền nước này phải tính toán lại. Lệnh cấm này là một phần của cuộc chiến với rác thải, được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe và môi trường.

"Một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu chất thải nhựa do lệnh cấm của Trung Quốc - như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Các quốc gia này cũng đang tìm cách thực thi lệnh cấm vì lượng nhựa nhập khẩu nhanh chóng trở nên quá tải", cô Brooks nói.

Nhựa đang tràn ngập địa cầu khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu

Nghiên cứu cho thấy nhựa, có nhiều công dụng và tồn tại dưới nhiều dạng công thức hoá học, khó tái chế hơn các vật liệu khác như kính và nhôm, bà Sherri Mason, chủ tịch khoa địa chất môi trường thuộc Đại học New York tại Fredonia cho biết.

Nhiều người tiêu dùng cố gắng tái chế các sản phẩm nhựa mà cuối cùng không thể tái chế được, bà Mason nói. “Chúng ta phải đối mặt với vật liệu này và sử dụng chúng vì phần lớn là nhựa dùng một lần và đây là vật liệu không biến mất. Nó không trở lại hành tinh giống như các vật liệu khác."

Lệnh cấm nhập khẩu nhựa đã thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp tái chế của Mỹ. Liên minh tái chế quốc gia này cho biết trong một tuyên bố vào giữa tháng 5 rằng, về cơ bản họ sẽ phải thay đổi cách thu thập và xử lý tái chế. Nhưng quan trọng hơn là phải làm thế nào để các nhà sản xuất cho ra đời những sản phẩm dễ tái chế.