Nhu cầu giảm mạnh trong quý 3 ảnh hưởng thế nào đến giá vàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhu cầu vàng vật chất đã giảm mạnh trong quý 3, tuy nhiên điều này đã không ảnh hưởng đến giá vàng, kim loại quý này vẫn được đẩy lên cao. Các chuyên gia cho rằng, trong môi trường lãi suất thấp, bất ổn và hỗn loạn không ngừng, vẫn là động lực trên thị trường vàng.

Sáng nay, giá vàng trong nước ít biến động. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, so với chốt phiên hôm qua đưa giá mua vào – bán ra lên mức 55,95 – 56,40 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 55,95 – 56,42 triệu đồng/lượng (Hà Nội). Dù tăng so với chốt phiên hôm qua, nhưng so với cùng đầu giờ giao dịch thì kim loại quý này lại giảm nhẹ một chút.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu vàng vật chất trên thế giới

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu vàng vật chất trên thế giới

Trên thị trường tự do, giá vàng tại DOJI giao dịch tại 55,90 – 56,20 triệu đồng/lượng; vàng SJC Bảo Tín Minh Châu 56,00 – 56,25 triệu đồng/lượng; vàng SJC Phú Quý 56,00 – 56,30 triệu đồng/lượng…

Trên thế giới, sau khi tăng 5,3 USD/ounce trong phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam) thì sáng nay tại châu Á, kim loại quý màu vàng điều chỉnh nhẹ, giảm khoảng hơn 1 USD tính đến 9h30 phút sáng giờ Việt Nam, giao dịch quanh 1.906 USD/ounce.

Giá vàng thế giới vẫn giữ thế giằng co trong nhiều phiên trở lại đây khi những tín hiệu về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khá mờ nhạt. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất, bao gồm cả nhu cầu vàng trang sức lẫn nhu cầu của các ngân hàng trung ương đều giảm mạnh.

Trong một báo cáo vào tuần trước, công ty nghiên cứu Refinitiv cho biết nhu cầu vàng vật chất đã giảm 562 tấn trong quý 3, giảm 30% so với quý 3 năm 2019. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng nhu cầu vật chất ảm đạm ít ảnh hưởng đến giá khi kim loại quý này vẫn được đẩy lên mức cao nhất mọi thời đại trên, có lúc lên trên 2.000 USD/ounce vào đầu tháng 8, đạt trung bình 1.909 USD/ounce trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, tăng 27% so với quý 2 và tăng 30% so với năm ngoái.

Mặc dù chúng ta có thể thấy vàng bị cuốn vào một đợt bán tháo lớn hơn trong ngắn hạn, nhưng các chuyên gia cho rằng vàng vẫn là thứ được hưởng lợi từ những rủi ro ngày càng tăng xoay quanh đợt bùng phát Covid-19 thứ hai và sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Một khi các gói kích thích kinh tế lớn được kích hoạt, khi đó nhu cầu vàng sẽ tăng trở lại.