Nhu cầu đi lại dịp cuối năm tăng cao, nhiều địa phương lo ngại quy định bất nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều địa phương đã đặt vấn đề với Bộ GTVT hướng dẫn việc đi lại của người dân, từ vùng dịch đến vùng “trắng dịch” để làm sao đảm bảo an toàn.

Địa phương lo ngại bất ngất, chồng chéo

Về cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới. Cũng bởi vậy, nhiều địa phương đã đặt vấn đề với Bộ GTVT hướng dẫn việc đi lại của người dân, từ vùng dịch đến vùng “trắng dịch” để làm sao đảm bảo an toàn, không ngăn sông cấm chợ nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch.

Cụ thể như, tỉnh Cần Thơ đề nghị Bộ GTVT “kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành quy định về vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân trong điều kiện sống chung với dịch Covid-19 trong thời gian tới”.

Hay như tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị “Bộ GTVT nghiên cứu có phương án thiết thực trong việc vận chuyển công dân từ vùng dịch về các địa phương; cũng như vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ một cách thuận lợi, nhanh chóng, tránh gây cản trở, đứt gãy chuỗi cung ứng”.

Còn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu kiến nghị, “hiện nay, các tỉnh khu vực phía Nam dừng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở cửa khôi phục kinh tế - xã hội, cho phép người dân đi lại làm việc, lưu thông hàng hóa.

Nhu cầu đi lại vào dịp cuối năm của người dân vẫn luôn cao hơn

Nhu cầu đi lại vào dịp cuối năm của người dân vẫn luôn cao hơn

Tuy nhiên, hiện nay việc đi lại của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thủ tục giấy tờ rườm rà, mỗi địa phương thực hiện một cách dẫn đến việc không đồng nhất, chồng chéo. Bộ GTVT có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể vấn đề này cho các địa phương thực hiện, thống nhất trong tổ chức thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân”.

Quy định cơ bản đã đầy đủ, thống nhất

Trả lời kiến nghị của các địa phương, Bộ GTVT cho hay, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết số 128/NQ-CP); ngày 12/10/2021, Bộ Y tế có Quyết định số 4800/QĐ-BYT về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP (Quyết định số 4800/QĐ-BYT).

Theo đó, Bộ GTVT đã có 6 quyết định ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không).

“Việc ban hành các quyết định này đã cập nhật, điều chỉnh kịp thời các quyết định nhằm duy trình hoạt động vận tải hàng hóa bình thường trong mọi cấp độ dịch; khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trước đây và theo đúng chủ trương mới của Chính phủ”-Bộ GTVT cho hay.

Tổ chức các hoạt động vận tải hành khách công cộng hoạt động bình thường trên địa bàn có dịch ở các cấp 1, cấp 2; hoạt động có điều kiện hạn chế trên địa bàn có dịch ở cấp 3; dừng hoạt động trên địa bàn ở cấp độ dịch cao nhất là cấp 4 (trừ hoạt động của xe taxi và xe dưới 9 chỗ có ứng dụng công nghệ).

Hiện, các loại hình vận tải hành khách đã hoạt động trở lại từ ngày 13/10/2021 và tăng dần dần về tần suất hoạt động đáp ứng được nhu cần đi lại của hành khách, song vẫn có các biện pháp quản lý trong hoạt động vận tải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ đúng chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã triển khai thực hiện Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

Về vận tải hàng hóa, nông sản, Bộ GTVT cho hay, Bộ GTVT đã ban hành 1 chỉ thị, 3 công điện, rất nhiều văn bản đôn đốc địa phương, Tổng cục/các cục chuyên ngành triển khai thực hiện thống nhất, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.

Vì thế, trong thời gian vừa qua, cơ bản giao thông thông thoáng, hàng hóa lưu thông thuận lợi; góp phần giải phóng hàng nông sản, thủy hải sản cho bà con nông dân, cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho nhà máy, xí nghiệp, công trình đang thi công cơ bản được đảm bảo và vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.