Nhộn nhịp “chợ cầm đồ” cuối năm

ANTĐ - Cứ vào dịp cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu về tài chính đối với sinh viên, người lao động ngoại tỉnh lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Và để giải quyết căn bệnh “viêm màng túi” này, họ tìm đến những hiệu cầm đồ...

Dịch vụ cầm đồ nhan nhản khắp các cổng trường đại học, ký túc xá... phục vụ nhu cầu vay nóng

của sinh viên 

Khi tiền vơi, ví rỗng 

Theo ghi nhận của chúng tôi, các hiệu cầm đồ thường tập trung gần các trường đại học, ký túc xá, các khu công nghiệp. Nhộn nhịp nhất phải kể đến “phố cầm đồ” ở đường Láng, Bạch Mai, Nguyễn Qúy Đức... - nơi những sinh viên, người lao động có thu nhập thấp tập trung nhiều. “Cứ gần đến dịp tết là sinh viên bọn em lại rơi vào cảnh “cháy túi”. Ở lại Hà Nội thì không có tiền trả tiền nhà, tiền ăn, tìm về quê lại càng khó khăn hơn vì chí ít cũng phải có tiền mua vé tàu, hoặc “nhảy” xe khách.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề “nóng” em phải đem cái quạt mới mua mùa hè năm vừa rồi và vài món đồ lặt vặt đi “cầm”. Có đồ đi cầm là còn may, chứ nhiều bạn còn phải đặt thẻ sinh viên, thậm chí các anh chị mới ra trường, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, chưa kiếm được việc làm, khi “tiền vơi, ví rỗng” đành chấp nhận “cắm” bằng cử nhân để có tiền về quê ăn tết...”, M.A, sinh viên trường Đại học Xây dựng tâm sự. Theo nhiều chủ hiệu cầm đồ, thì “mùa” kinh doanh của họ thường rơi vào thời điểm như sắp kết thúc học kỳ, trước và sau dịp Tết Nguyên đán. “Xe máy, máy tính, ti vi, điện thoại di động, nồi cơm điện... đều có thể dễ dàng đem đi “cắm” lúc cần tiền và không quá khó để sinh viên chuộc lại, thậm chí có thể “bùng”.

Nhưng nếu đã đặt thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp đại học thì sinh viên chỉ còn nước nghỉ học, mất cơ hội xin việc nếu không “xoay” đủ tiền...”, một chủ hiệu cầm đồ trên phố Nguyễn Qúy Đức, quận Thanh Xuân cho biết. Nếu quá hạn mà không thấy “khổ chủ” đến trả lãi thì tên của những sinh viên này sẽ có trong “danh sách đen” gửi về phòng đào tạo của trường để nhắc nhở. Riêng với bằng đại học thì chủ hiệu cầm đồ nào cũng ung dung chờ “con nợ” đến lấy, vì đó là tương lai của khổ chủ. Tuy nhiên, cách thức để các chủ hiệu cầm đồ ra giá cho thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp đại học, mà sinh viên đem đi “cắm” cũng còn phụ thuộc vào yếu tố “thương hiệu” của trường. Càng thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp của các trường nổi tiếng thì càng vay được nhiều tiền.

Cùng cảnh với những sinh viên ngoại tỉnh là những người lao động có thu nhập thấp, công nhân làm việc ở một số khu công nghiệp, nhà máy... cũng tìm đến các cửa hiệu cầm đồ để có tiền về quê ăn tết. Anh Nguyễn Văn Thành, quê ở huyện Thạch Hóa, tỉnh Thanh Hóa lên Hà Nội làm thợ xây dựng, vợ là công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp tâm sự: “Tết năm nào vợ chồng tôi cũng phải mua vé tàu chợ đen để về quê, vừa đắt, vừa cận ngày mới được sum họp cùng gia đình. Tôi đang tính mang cái điện thoại và nồi cơm điện đi “cầm đồ” để lấy tiền mua vé tàu trước, rồi ra tết có tiền chuộc lại. Vậy mà từ sáng đến giờ tôi tìm đến một số cửa hiệu cầm đồ, họ đều trả rẻ quá nên chưa biết phải tính thế nào... ”.

Vòng luẩn quẩn

Thực tế cho thấy 10 người cầm đồ thì chỉ có khoảng một nửa đến chuộc lại đồ. Điều đáng nói là số tiền khách hàng cầm đồ nhận được thường thấp hơn giá trị thực rất nhiều nhưng họ vẫn lao vào chỉ để có được tiền trong thời gian nhanh nhất. Nếu chỉ cầm riêng từng loại giấy tờ, khách hàng sẽ chỉ nhận được số tiền từ 200.000-400.000 đồng nhưng nếu cầm chung nhiều loại giấy tờ, số tiền có thể lên đến hàng triệu đồng. Tuy vậy, số tiền “cầm” cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào từng đối tượng và khả năng chi trả của họ. Lãi suất tại cửa hiệu cầm đồ thường dao động ở mức từ 3-6%/tháng tuỳ theo số tiền và thời gian cầm ngắn hay dài. Với những món hàng cầm đồ có giá trị thấp như tivi, bàn là, quạt, quần áo… thì số tiền khách nhận được chỉ từ vài chục nghìn cho đến trên dưới 100.000 đồng với mức lãi suất được tính từ 2.000-3.000 đồng/ngày. Đồ vật có giá trị hơn như xe đạp thường có giá từ 150.000- 300.000 đồng, máy tính được cầm tối đa là 1 triệu đồng với lãi suất bình quân 1%/ngày.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, thực chất của cầm đồ chính là “vay nóng”, vay nặng lãi. Tuy vậy, do lãi suất cầm đồ thường thấp hơn “vay nóng” nên đã được nhiều sinh viên, công nhân, người lao động lựa chọn. Theo quy định, hàng hóa đem cầm phải hợp pháp, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sở hữu, đặc biệt đối với xe gắn máy, chủ xe phải xuất trình đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân kèm theo. Thông thường, biên nhận cầm đồ có giá trị trong thời hạn 30-60 ngày. Quá thời gian trên, nếu chưa thanh toán, khách hàng phải chịu lãi suất phạt bằng 150% lãi suất tháng quy định. Sau 15 ngày kể từ ngày hết hạn biên nhận, chủ cửa hàng cầm đồ sẽ phát mãi tài sản cầm cố để thu hồi vốn và lãi, kể cả lãi phạt mà khách hàng hoàn toàn không có quyền khiếu nại hay thắc mắc gì. Tình trạng phổ biến là sau Tết Nguyên đán, sinh viên, công nhân, lao động nghèo sẽ phải toát mồ hôi kiếm tiền để trả cho các hiệu cầm đồ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của họ. Không ít người đã không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn vay-trả, trả-vay này trong một thời gian dài.

Cũng theo luật sư Hòa, cầm đồ chỉ giải quyết vấn đề tiền bạc trước mắt song mang đến những gánh nặng lâu dài. Việc cầm cố giấy tờ quan trọng của cá nhân có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Bởi, rất có thể một số hiệu cầm đồ nằm trong đường dây buôn bán, làm giấy tờ giả. Khi có trong tay những giấy tờ này, bằng những thủ thuật tinh vi, họ có thể thay đổi ảnh hay tên tuổi để thực hiện những hành vi trái pháp luật như mạo danh, lừa đảo. Do đó, để có một niềm vui trọn vẹn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mỗi cá nhân nên thận trọng trước khi mang bất cứ món đồ hay giấy tờ tùy thân của mình đến hiệu cầm đồ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…