Nhóm cựu lãnh đạo ngân hàng gây thiệt hại hàng trăm tỷ bị đề nghị án thích đáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 4 ngày xét xử, sáng 26-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm các quy định về cho vay…”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) chuyển sang phần tranh luận.

Theo đó, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Tạ Bá Long (SN 1955) – cựu Chủ tịch HĐQT GPBank từ 12 năm tù đến 13 năm tù; Đoàn Văn An (SN 1958) - cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank từ 13-14 năm tù và Phạm Quyết Thắng (SN 1973) – cựu Tổng Giám đốc; Đỗ Trung Thành (SN 1970) - cựu Phó Tổng Giám đốc GPBank cùng bị đề nghị xử phạt từ 8-9 năm tù cùng về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Cũng với tội danh trên, Lương Hồng Thái (SN 1981) – cựu Phó Giám đốc GPBank TP HCM bị đề nghị từ 6-7 năm tù; Nguyễn Toàn Thắng (SN 1974) – cựu Phó Giám đốc GPBank TP HCM bị đề nghị từ 5-6 năm tù; Nguyễn Văn Thành (SN 1977) – cựu Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank từ 4-5 năm tù.

Các bị cáo còn lại từng là cán bộ GPBank đều bị đề nghị xử phạt cùng mức án từ 3-4 năm tù về tội danh như các bị cáo trước đó. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Phùng Ngọc Khánh (SN 1963) – cựu Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty M&C bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù.

Các bị cáo trong vụ án GPBank bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng bị đưa ra xét xử.

Các bị cáo trong vụ án GPBank bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng bị đưa ra xét xử.

Tiếp đến, Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1977) – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Điện lực Sài Gòn (Công ty Điện lực Sài Gòn) bị đề nghị từ từ 9-10 năm tù và Kim Văn Bộ (SN 1973) - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn bị đề nghị từ 4-5 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Luận tội và đề nghị áp dụng các mức án nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, cáo trạng truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm, gây thiệt hại tài sản của GPBank.

Quá trình xét hỏi đã làm rõ, vì mục đích chiếm đoạt tài sản của GPBank nên trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9-2011, bị cáo Khánh đã bàn bạc, thống nhất với Hiếu và Bộ thực hiện hành vi gian dối bằng thủ đoạn lập hợp đồng mua bán 6 căn hộ thuộc Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C với Công ty Điện lực Sài gòn với giá hơn 477 tỷ đồng, trong khi các căn hộ tại dự án chỉ có chức năng cho thuê và Công ty M&C chưa phải là chủ sở hữu đối với 6 căn hộ này.

Các bị cáo này cũng đã ký vi bằng khống thể hiện việc xác nhận Công ty Điện lực Sài Gòn thanh toán 125 tỷ đồng tiền mua bán 6 căn hộ trên với mục đích chứng minh Công ty Điện lực Sài Gòn có đủ năng lực tài chính. Đồng thời, 3 bị cáo đã chỉ đạo lập hồ sơ gian dối về hoạt động, khả năng tài chính của Công ty Điện lực Sài Gòn, Công ty M&C thể hiện các doanh nghiệp này hoạt động có lãi, có năng lực tài chính đảm bảo khả năng trả nợ…

Trong số 3 bị cáo này, đại diện Viện Kiểm sát xác định bị cáo Khánh là người giữ vai trò chính thực hiện việc bàn bạc, thống nhất, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời trực tiếp tích cực thực hiện hành vi tội phạm. Bị cáo Hiếu phạm tội lần đầu với vai trò là người giúp sức cho bị cáo Khánh. Bị cáo Bộ chỉ là người làm thuê, thực hiện hành vi phạm tội với vai trò thụ động.

Quá trình thẩm định và quyết định cho vay, các bị cáo nguyên là những lãnh đạo, cán bộ của GPBank và GPBank Chi nhánh TP HCM đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp, bảo đảm khả năng trả nợ, vi phạm quy định về xem xét, quyết định cho vay (điều kiện vay vốn)… và nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C của bên thứ ba trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba.

Mặc khác, khi thẩm định giá còn nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực chỉ là hơn 14 tỷ đồng nhưng nâng lên thành 728 tỷ đồng để cấp tín dụng cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỷ đồng, dẫn đến việc bị Khánh, Hiếu, Bộ lừa đảo chiếm đoạt 290 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo này thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, tác động xấu đến việc quản lý, sử dụng vốn của GPBank. Hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo không những đã gây thiệt hại tài sản có giá trị đặc biệt lớn của GPBank mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính, ngân hàng và là một phần nguyên nhân dẫn đến GPBank bị âm vốn sau này, không thể tái cơ cấu được.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của GPBank phải liên đới bồi thường cho ngân hàng này và ghi nhận 3 bị cáo Khánh, Hiếu và Bộ đã nộp hơn 15 tỷ đồng để bồi thường.