Nhóm bắt cóc một kỹ sư tại công trường Keangnam hầu tòa

ANTĐ - Khó khăn trong làm ăn, Phan Thanh Chi (SN 1976, trú ở tổ 26, phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) đã thuê người bắt cóc con đẻ của đối tác nhằm đòi tiền. Không thể cùng nhau dàn xếp, đối tác của Chi đã tố cáo tới cơ quan công an.

Liên tiếp bắt giữ người trái phép

Phan Thanh Chi (bên phải, hàng đầu) cùng đồng phạm tại phiên tòa

Đồng phạm trong vụ án còn có Đỗ Danh Khánh (SN 1952) - nguyên Giám đốc Công ty XNK Thịnh An; Đào Duy Phúc (SN 1977), Tạ Đình Hiệp (SN 1987), cùng ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; Vũ Văn Hiếu (SN 1988), ở phường Đồng Mai, Hà Đông; Nguyễn Tài Anh (SN 1989), trú tại phường Lĩnh Nam, Triệu Văn Cường (SN 1967), ở phường Mai Động, cùng quận Hoàng Mai; Phạm Minh Thông (SN 1969), trú ở tập thể Khóa Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội; Trần Văn Đạt (SN 1981), trú xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên, Dương Văn Thuật (SN 1970), trú xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên và Đặng Cao Cường (SN 1984), ở xã Yên Trung, Ý Yên, Nam Định. Các bị cáo bị VKSND TP Hà Nội truy tố theo hai tội danh bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Tài liệu truy tố xác định, năm 2009, Đỗ Danh Khánh và Phan Thanh Chi liên kết để được san lấp mặt bằng một dự án ở Thanh Hóa. Trong  thời gian này, Chi giao cho Khánh 1 tỷ đồng để đặt cọc cho đối tác. Nhiều tháng chờ đợi Chi vẫn không được thi công và cũng không rút được vốn góp. Không lấy lại được tiền đặt cọc từ đối tác, Chi quay sang đòi tiền Khánh. Tối 12-8-2010, Chi thuê người theo dõi rồi bắt cóc con gái của Khánh và ép cô gái này phải viết giấy bán chiếc ô tô, hiệu Santafe (trị giá 390 triệu đồng) của gia đình để trừ nợ. Sự việc sau đó được Khánh và Chi thương lượng, rồi bàn với nhau bắt giữ con trai đối tác nhằm thu hồi 1 tỷ đồng đặt cọc.

Biết anh Lưu Văn Vương (SN 1984, trú ở Thanh Hóa) đang làm việc tại công trường Keangnam trên đường Phạm Hùng, trưa 2-10-2010, Khánh, Chi cùng đồng bọn đã lừa nạn nhân đi ra cổng, sau đó khống chế đẩy nạn nhân lên ô tô mang đi giam giữ ở nhiều nhà nghỉ khác nhau. Trong quá trình bắt giữ anh Vương, Chi liên tục gọi điện và chỉ đạo “đàn em” thúc ép đối tác trả tiền nếu không sẽ chặt chân tay con tin. Sau 12 ngày bị nhóm Chi giam giữ tại nhiều địa điểm, anh Lưu Văn Vương mới được lực lượng Công an Hà Nội giải cứu từ một nhà nghỉ ở huyện Chương Mỹ.

      

Hậu quả từ vụ làm ăn không thành

Cùng với hồ sơ vụ án, lời khai của Khánh và Chi tại phiên tòa cho thấy, khởi nguồn trong hành vi phạm tội của 11 bị cáo xuất phát từ một vụ làm ăn đầy bất trắc giữa bà Thiều Thị Bản (mẹ đẻ anh Lưu Văn Vương) với Khánh và Chi. 

Cụ thể ngày 8-9-2009, bà Bản mang danh Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (gọi tắt là Công ty Gia Lộc) ký hợp đồng san lấp mặt bằng trong một dự án với Công ty XNK An Thịnh (gọi tắt là Công ty An Thịnh) của Đỗ Danh Khánh, trị giá 80 tỷ đồng. Để ký được hợp đồng với Công ty Gia Lộc, doanh nghiệp do Khánh làm giám đốc buộc phải nộp cho đối tác 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh. Trở về Hà Nội, Khánh tìm gặp Chi bàn chuyện liên minh, đồng thời đề nghị Chi nộp số tiền bảo lãnh do đối tác yêu cầu. Sau khi nhận được tiền bảo lãnh, bà Bản hẹn 1 tháng sau sẽ giao mặt bằng cho Khánh và Chi thi công. Tuy nhiên, dù đã mấy lần hẹn lại, song đến tận giữa năm 2010, Công ty Gia Lộc vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng... Do đó, vụ án bắt giữ người trái phép và cưỡng đoạt tài sản đã xảy ra với diễn biến nêu trên.

Trong quá trình điều tra hành vi phạm tội của Chi, Khánh cùng đồng phạm, cơ quan công an cũng đã làm rõ mánh khóe làm ăn của Công ty Gia Lộc. Theo đó, vào thời điểm ký hợp đồng “liên danh” san lấp mặt bằng với Công ty An Thịnh, Công ty Gia Lộc chỉ là một trong những nhà thầu thi công san lấp mặt bằng giai đoạn I cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối tượng trong hợp đồng giữa Công ty Gia Lộc và Công ty An Thịnh lại là 1 triệu m3 san lấp ở giai đoạn II của dự án. Lúc ký hợp đồng với Khánh, bà Bản cũng như Công ty Gia Lộc tin rằng một số gói thầu san lấp ở giai đoạn II chắc chắn sẽ thuộc về doanh nghiệp này. Thế nhưng cho đến thời điểm vụ án xảy ra, hợp đồng san lấp mặt bằng giai đoạn II đã không vào tay Công ty Gia Lộc… Cũng chính vì lẽ đó mà giữa năm 2011, bà Thiều Thị Bản đã bị Công an TP Hà Nội khởi tố bị can về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hôm nay (27-4), phiên tòa xét xử các bị cáo bắt cóc kỹ sư tại công trường Keangnam được tiếp tục.