Các Thủ khoa ĐH Ngoại Thương chia sẻ bí quyết thi THPT quốc gia:

Nhồi nhét quá nhiều, chưa chắc tốt

ANTĐ - Đầu óc đã bão hòa không thể nạp thêm kiến thức; đang học môn này lại lo môn kia, học trước quên sau nên không đủ tự tin đối mặt với kỳ thi… Đó là tâm lý chung của khá nhiều thí sinh trong thời điểm này. Ngày 3-4, các thủ khoa ĐH Ngoại thương (Hà Nội) đã chia sẻ bí quyết nhằm giúp thí sinh vượt qua 3 tháng nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Nhồi nhét quá nhiều, chưa chắc tốt ảnh 1Nhiều thí sinh muốn được chia sẻ bí quyết học tập để vượt qua kỳ thi sắp tới

Bí quyết để đạt danh hiệu thủ khoa

Chiều 3-4, hội trường ĐH Ngoại thương tràn ngập tiếng vỗ tay trước những chia sẻ về bí quyết học tập, đối phó với kỳ thi THPT quốc gia của hai thủ khoa khối A và D của trường này năm 2015. Nữ sinh viên Lê Thị Thu Trang, thủ khoa khối D 2015 (với thành tích toán 10 điểm, Anh: 9,75 điểm, Văn: 8,25 điểm) thẳng thắn chia sẻ quá trình rèn luyện trong 3 năm học THPT của cô.

“Bí quyết của tôi là chăm chỉ nghe giảng, ghi chép đầy đủ. Từng môn học có phương pháp riêng. Môn Toán thay vì “cày” nhiều đề thì nên chia thành chuyên đề, dễ rồi đến khó, chậm nhưng chắc. Môn Văn, tôi dành thời gian đọc lại văn bản, chia ra ý chính trên nháp, tóm tắt những nội dung quan trọng, trích dẫn chứng... Với môn tiếng Anh, tôi có cuốn sổ nhỏ viết từ mới và cấu trúc hay. Với tôi, tiếng Anh không chỉ học để thi còn là đam mê nên tôi thường xuyên học qua phim ảnh, âm nhạc…” – thủ khoa Lê Thị Thu Trang cho biết.

Trong khi đó, thành tích của thủ khoa khối A ĐH Ngoại thương năm 2015 của sinh viên Nguyễn Cẩm Tú cũng khiến nhiều học sinh có mặt tại buổi giao lưu phải thán phục với 10 điểm môn Hoá, Toán: 9,25 và Lý: 9,75. Bí quyết đầu tiên thủ khoa Cẩm Tú chia sẻ là bám sát chương trình sách giáo khoa.

“Nhiều bạn cho rằng kiến thức sách giáo khoa chỉ đơn giản và thường bỏ qua nhưng lại không biết đây chính là nguyên nhân dẫn tới mất điểm khi đi thi. Đặc biệt với các môn trắc nghiệm, thí sinh thường mất điểm ở những câu cơ bản trong sách giáo khoa. Chỉ khi nắm chắc kiến thức cơ bản, các bạn mới nên làm quen với các dạng đề. Tuy nhiên, để có hiệu quả, điều quan trọng là phải biết phân tích đề, đưa về các dạng bài để có hướng giải quyết. Việc làm nhiều đề thi sẽ giúp các bạn gặp được nhiều dạng bài mới để tránh bỡ ngỡ khi bước vào phòng thi” - thủ khoa Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.

Phân bổ thời gian học và chơi hợp lý

Trái với suy nghĩ của mọi người, cho rằng để trở thành thủ khoa thì đồng nghĩa với việc ngày đêm “cày” bài, quên ăn, quên ngủ. Cả 2 thủ khoa của Đại học Ngoại thương đều chia sẻ rằng, bản thân họ dành không ít thời gian để thư giãn. Thủ khoa Cẩm Tú cho biết, cô cũng thường xuyên thức khuya học bài vì đây là thời điểm yên tĩnh để tập trung cao. Tuy nhiên, trước khi thi một tháng, cô đã thay đổi thói quen này để tập cho mình thích ứng với việc dậy sớm, tinh thần thoải mái để ứng phó tốt nhất cho các buổi thi vốn dĩ phải đến tập trung từ sáng sớm. Thủ khoa Cẩm Tú cho biết, cô là người biết cân bằng giữa  học và chơi.

“Học quá nhiều chưa chắc là tốt. Nếu đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến học thì hiệu suất chưa chắc đã cao. Khi học thì phải tập trung, không làm việc riêng. Khi chơi, nghỉ ngơi thì không nên lo lắng học tập. Thêm một bí quyết của riêng cá nhân mình đó là tìm một người bạn đồng hành. Tôi đã có một người bạn cùng một mục tiêu thi vào ĐH Ngoại thương, thường xuyên trao đổi bài, giúp đỡ nhau, chia sẻ lo lắng của mình về kỳ thi... Thay vì cạnh tranh, chúng tôi đã bắt tay nhau cùng vượt qua kỳ thi này” - Cẩm Tú chia sẻ.

Thói quen dành nhiều thời gian học bài không làm mất đi hứng thú xem phim, nghe nhạc, “chat” với bạn bè của thủ khoa khối D ĐH Ngoại thương. Thủ khoa Lê Thị Thu Trang cho biết, mỗi buổi tối, cô dành 3-4 tiếng học bài, chia đều cho 2 môn. Ví dụ như: 2 tiếng để dành học Toán, 2 tiếng còn lại học Văn để tránh buồn ngủ, nhàm chán. Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015, Thu Trang còn phải nghỉ học ở trường gần 3 tháng để tập trung ôn tập trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Khi trở lại trường, Thu Trang cũng khá lo lắng, nhưng do biết phân bổ thời gian, Trang tự thấy không gì có thể làm khó mình.

Trước câu hỏi của một bạn học sinh làm thế nào khi gặp phải tình trạng bão hoà, không thể nạp thêm kiến thức vào đầu? Thủ khoa Cẩm Tú cho rằng: ”Nếu bạn thấy mình đã tới ngưỡng nạp đủ kiến thức cần thiết thì nên quay ra rèn kỹ năng. Lúc đó, bạn có thể luyện tập thêm kỹ năng và phản xạ với những dạng bài tập thông thường và cố gắng duy trì kiến thức cho đến khi thi, thay vì cứ phải nhồi nhét thêm các kiến thức mới”. Còn Thu Trang lại tiết lộ, môn Văn có thể là nỗi ám ảnh với nhiều học sinh, nhưng nếu biết dành thời gian đọc văn bản, hệ thống những điểm quan trọng nhất với văn bản đó, các bạn sẽ dễ vượt qua được tâm lý lo sợ môn học này.

Trước tâm lý căng thẳng của những thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2016, thủ khoa Cẩm Tú lại chia sẻ, cô rất muốn quay trở lại trạng thái của thời gian ôn thi. “Bởi, đó là thời điểm rất căng thẳng, nhưng bản thân lại được sống hết mình với đam mê học tập. Tôi muốn chia sẻ với các bạn, thay vì nghĩ là học để thi thì hãy nghĩ rằng mình đang học với niềm đam mê của mình” - đó là tâm sự của một trong những thủ khoa ĐH xuất sắc năm 2015.